Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS. Vũ Đình Ánh: CPI tháng 3 tăng cao, lạm phát 2010 khó lường

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2010. So với tháng trước, CPI tháng này đã tăng 0,75%.

Tiến Sĩ Vũ đình ÁnhTheo TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đây là lần thứ 4 trong vòng 15 năm trở lại đây, chỉ số CPI tăng so với tháng 2 và tăng khá cao.

Ông đánh giá thế nào về mức tăng này?

Theo tôi đây là mức tăng khá cao, mức tăng này xấp xỉ với mức tăng CPI của tháng 3 năm 1996 (0,8%).

Cái quan trọng là chỉ số của tháng 3 tăng ngoài quy luật từ năm 1995 đến nay. Tức là vượt quy luật bình thường. Điều đó báo hiệu mức lạm phát cao. Chưa kể năm 2010 có nhiều yếu tố không đoán được nên khả năng kiềm chế lạm phát là khó dự đoán trước được.

Nguyên nhân nào khiến cho CPI tháng 3 tăng cao trái với quy luật bình thường thưa ông?

Nguyên nhân chính là do biến động của nhiều yếu tố ngoài quy luật. Nếu bình thường, CPI của tháng 3 thông thường sẽ giảm hoặc tăng thấp hơn so với tháng 1 và tháng 2 do đây là 2 tháng tăng cao theo mùa vụ.

Tuy nhiên, chỉ số CPI là kết quả của những chính sách điều hành về giá. Do đó, tháng 3 này, giá của nhiều nguyên vật liệu cơ bản đồng loạt tăng lên như: xăng tăng 3,6%, than (bán cho điện) tăng đến 47% tùy loại, giá điện tăng 6,8%, giá nước (TP.HCM) tăng khoảng 50%,…

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND cũng là nguyên nhân tác động đến giá một số mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu. Mặt khác, việc điều chỉnh lãi suất cho vay, lãi suất thỏa thuận đều theo xu hướng tăng lên. Cộng hưởng tất cả các yếu tố trên vào tạo ra CPI của tháng 3 tăng.

 CPI 6 tháng liên tiếp


Ông đánh giá thế nào về mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay là 7%, trong khi mức tăng CPI trong quý I/2010 đã chiếm hơn một nửa?

Thực tế, việc chiếm một nửa hay không cũng không quan trọng vì có những năm tháng 1, tháng 2 tăng rất cao, chiếm hẳn một nửa so với cả năm nhưng cũng không có vấn đề gì.  
Chẳng hạn có những năm CPI tăng cao như năm 2008 do mặt giá trên thế giới cao. Hay như tăng tín dụng của năm 2007 cũng khiến cho CPI tăng cao.

Còn năm 2004 do tích lũy lạm phát trong một thời gian dài, suốt từ năm 2002 khi nước ta đẩy mạnh đầu tư công lên. Tuy nhiên nó không gây ra lạm phát ngay do kinh tế Việt Nam đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực. Do vậy, nó dồn tích lũy vào năm 2004, cộng với biến động về giá dầu lửa thế giới khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đẩy chỉ số CPI tháng 3/2004 lên cao.

Cái chính là lạm phát năm nay của nước ta chịu tác động nhiều của các yếu tố bên ngoài nên không lường trước được. Cho đến bây giờ cũng không ai khẳng định được kinh tế thế giới sẽ vận động theo chiều hướng nào. Lạm phát kinh tế có hay không, hay khủng hoảng đã vượt qua chưa.

Bây giờ thực tế đang diễn ra cuộc khủng hoảng kép. Năm ngoái là khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Mỹ, năm nay khủng hoảng nợ của châu Âu. Tức là có rất nhiều vấn đề không dự báo được.

Những tác động của yếu tố bên trong cũng không ai lường được để có những động tác điều chỉnh chính sách theo kiểu tăng giá như thế. Chưa kể đến ngày 1/5 sẽ tăng lương. Tức là các đợt diễn biến dồn dập như thế sẽ đẩy giá cả đi ra ngoài quy luật. Và đã ra ngoài quy luật thì không ai dự đoán được. Những ai dự đoán chỉ là dự báo lung tung.

Chỉ số CPI tăng sẽ ảnh hưởng như thế nào chính sách lãi suất cơ bản, lãi suất thỏa thuận, tỷ giá VND/USD, cũng như thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư khác?

Cái này rất khó nói. Các chính sách đó nếu lạm phát thay đổi thì phải thay đổi nhưng đôi khi sự thay đổi là để chống lạm phát. Chúng có mối quan hệ nhân quả, tùy từng thời điểm có sự thay đổi phù hợp.

Ví dụ, khi điều chỉnh lãi suất tăng sẽ làm cho giá vốn tăng, giá vốn tăng làm chi phí sản xuất tăng, dẫn đến giá bán tăng và gây ra lạm phát.

Ngược lại, để chống lạm phát, tăng lãi suất sẽ hạn chế tín dụng, tức là hạn chế tiền ra lưu thông. Tiền không ra lưu thông thì sẽ để kiềm chế lạm phát. Như vậy, cùng một động tác tăng lãi suất nhưng với một thời điểm, một mức điều chỉnh lãi suất thì tác dụng đối với lạm phát là khác nhau.

Hoặc nhiều người cho rằng lạm phát cao thì phải đưa lãi suất lên cao, để lãi suất thực dương thì mới hút được tiền nhưng khi lạm phát cao, thông thường nhân dân sợ đồng tiền bị lạm phát và không dùng đồng tiền này nữa, chuyển sang dùng cái khác.

Điều đó vô tình khiến cho đồng tiền quay vòng liện tục và càng nhanh thì càng tạo ra lạm phát.

Vậy nguồn gốc của lạm phát ở Việt Nam là từ đâu?

Nguồn gốc của lạm phát Việt Nam gắn với cách thức tăng trưởng. Tăng trưởng không dựa trên năng suất lao động, tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô và không đạt được chất lượng, hiệu quả. Đầu tư càng nhiều thì chất lượng càng thấp, từ đó đẻ ra lạm phát.

Ví dụ người ta bỏ ra 2 đồng để hoàn thành công việc thì mình phải bỏ ra 5 đồng mới làm được. Vậy thì 3 đồng kia chắc chắn kia là lạm phát. Thế nên chuyện lạm phát ở VN không có gì ngạc nhiên.

Việc CPI tăng mạnh trong tháng 3 này có liên quan gì đến quy luật độ trễ của chính sách tiền tệ?

Theo tôi, tháng 3 không chịu tác động của quy luật độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ. Theo tính toán, (căn cứ theo thời điểm ban hành chính sách là tháng 10/2009 - LTS) độ trễ ấy sẽ tác động vào khoảng tháng 4, tháng 5, chứ không phải tháng 3. Năm ngoái hết tháng 10 đã thắt chặt tiền tệ, cộng thêm 5 tháng nó sẽ rơi vào tháng 3 nhưng thường phải 7 tháng nên rơi vào khoảng tháng 4, tháng 5.

Còn nếu tới tháng 4, tháng 5 mà CPI lên đến 3% như năm 2008 thì chắc chắn năm nay sẽ phải bó tay. Nhưng rất có khả năng sẽ xảy ra vì còn cộng hưởng thêm khoản tăng lương từ 1/5. Khi đó câu chuyện lạm phát sẽ không tính được.

 

 

( Tác giả: Như Mai // Theo Báo Khoa học Đời Sống )

  • Quý I/2010: Gần 17.000 lao động xuất khẩu
  • Quý I/2010: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 26,23% so với cùng kỳ
  • Giá trị sản xuất công nghiệp Quý I/2010 tăng 13,6%
  • Tháng 3, giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD
  • CPI tháng 3 tăng 0,75%: Báo hiệu rủi ro lạm phát
  • Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 14 tỷ USD
  • TPHCM: huy động vốn tháng 3 đã khởi sắc
  • CPI tháng 3 có thể quyết định việc điều chỉnh chính sách
  • TS. Vũ Đình Ánh: CPI tháng 3 tăng cao, lạm phát 2010 khó lường
  • Sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I/2010: Công nghiệp chế biến đang “dẫn dắt” sản xuất
  • Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,75%