Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư phát triển khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà

Ngày 23/1/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Công văn 141/TTg-CN đồng ý chủ trương đầu tư khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh với quy mô diện tích khoảng 5.000 ha, trong đó diện tích khu công nghiệp Hải Hà khoảng 3.900 ha.

Đồng thời, Khu công nghiệp Hải Hà sẽ được bổ sung vào Danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan liên quan của tỉnh hoàn chỉnh lại Đề án trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho Dự án khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Tổ hợp công nghiệp - dịch vụ - cảngt biẻn Hà Hải (Quảng Ninh) nằm cách TP Hạ Long gần 160 km và cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái hơn 30 km, với địa hình bờ biển thoải dài từ bờ ra khu vực Hòn Miều (5km) và độ sâu luồng Cửa Đại đến 22m, kết hợp các hệ thống đảo Cái Chiên, Vĩnh Thực, Vạn Mực, Vạn Nước, Bò Vàng... tạo thành một hành lang chắn sóng tự nhiên, Tổ hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Cảng biển Hải Hà có vị trí rất thuận lợi bởi nó nằm trong vành đai Vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực có tiềm năng rất lớn và rất quan trọng trong việc giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, phù hợp với sự phát triển kinh tế theo chiến lược ""2 hành lang, 1 vành đai"" giữa hai nước.

Được xây dựng trên cơ sở góp vốn của các tập đoàn và tổng công ty lớn trong nước, theo quy hoạch Tổ hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Cảng biển Hải Hà có diện tích trên 15.000 ha, bao gồm 11 xã, thị trấn của hai huyện Hải Hà và Đầm Hà, nơi đây sẽ hình thành một hệ thống cảng nước sâu có thể đưa, đón những tàu có trọng tải trên 250 ngàn tấn ra vào làm hàng. Khi đi vào hoạt động, cảng Hải Hà sẽ phục vụ vận tải cho thị trường Bắc Việt Nam (40 triệu dân) và Nam Trung Quốc (200 triệu dân), đồng thời nó có khả năng liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Phi-líp-pin... và những vùng lân cận.

Bên cạnh khu công nghiệp nặng trung tâm sẽ hình thành cụm khu công nghiệp đô thị, thương mại, dịch vụ trên diện tích 1.400ha với khu công nghiệp sản xuất ô tô, khu công nghiệp nhẹ tập trung các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo máy móc, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp điện, điện tử, chế biến hải sản...

Cụm công nghiệp này sẽ tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động và khai thác tối đa các thế mạnh kinh tế của địa phương như nuôi trồng đánh bắt hải sản, khai thác đá làm gạch chịu lửa, khai thác nguyên liệu sản xuất sứ cách điện, phụ gia xi măng, đồ mỹ nghệ. Khu đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái biển có diện tích 10.000 ha, được qui hoạch theo tiêu chuẩn hiện đại gồm các trung tâm hành chính công nghiệp, trung tâm đô thị, các khu dân cư, khu nghiên cứu khoa học, đào tạo dạy nghề và khu khai thác du lịch. Ông Vũ Trọng Tiến, cán bộ điều hành xây dựng cơ sở hạ tầng của tổ hợp cho biết: ""Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng và các tuyến vận tải thuỷ, tại khu vực này sẽ được đầu tư phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ và đường sắt. Hệ thống đường bộ sẽ xây dựng mới tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Hà - Móng Cái, ngoài ra một số tuyến tỉnh lộ và quốc lộ đi qua khu vực này cũng được cải tạo để vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan, liên kết giữa các khu đô thị mới được xây dựng và các vùng lân cận.

Hệ thống đường sắt cũng được nghiên cứu xây dựng để có thể nối liên hoàn với mạng lưới đường sắt quốc gia và quốc tế như tuyến Hạ Long -Hải Hà - Móng Cái; Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Tiên Yên - Hải Hà...

Với những lợi thế của mình, khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Tổ hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Cảng biển Hải Hà sẽ là đặc khu kinh tế và là một trong những hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

( theo nettra )

  • Công ty TNHH Một thành viên công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân - tăng tốc để phát triển
  • Khu công nghiệp Ninh Dương ( Móng Cái )
  • Khu công nghiệp Tiên Yên
  • Khu công nghiệp Cái Lân
  • Khu công nghiệp Dốc Đỏ ( Uông Bí )
  • Khu công nghiệp Việt Hưng
  • Khu công nghiệp Chạp Khê ( Uông Bí )
  • Định hướng phát triển
  • Ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp
  • Quảng Ninh: Phát triển các khu công nghiệp gắn với vấn đề bảo vệ môi trường
  • Đầu tư phát triển khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà