Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng Ninh: Phát triển các khu công nghiệp gắn với vấn đề bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, công nghiệp Quảng Ninh có những bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là khai thác than, đóng tầu, sản xuất xi măng, nhiệt điện. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Tỉnh luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng từ 51,2% - 54,2% và tăng bình quân 20,1%/năm, số lượng các cơ sở công nghiệp cũng tăng mạnh cùng với sự đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, từ 5.696 cơ sở năm 2000 lên 7.616 cơ sở năm 2005, có 68 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp Quảng Ninh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của Tỉnh, phát triển nhanh, song còn biểu hiện thiếu bền vững.

Xu hướng phát triển kinh tế và xây dựng các KCN của các quốc gia trên thế giới, thực tiễn xây dựng và phát triển các KCN ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, muốn phát triển kinh tế ổn định và bền vững thì cần gắn liền với việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Đối với Quảng Ninh, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vấn đề môi trường gắn liền với việc bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên của thế giới. Trong khi đó, Quảng Ninh là một trong những địa phương tập trung nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nhất nước, như: than (chiếm 95% cả nước), đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng, sản lượng xi măng có thể đạt trên 12 triệu tấn/ năm và sản lượng điện của Quảng Ninh có thể đạt tới 4.000 – 5.000MW vào năm 2010, công nghiệp đóng tầu thuỷ (hiện nay đang đóng tàu có trọng tải 53.000 tấn, và có thể đóng tàu trọng tải đến 70.000 tấn...) và nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác liên quan đến xuất, nhập khẩu nhờ vào lợi thế của cảng Cái Lân - cảng nước sâu duy nhất, và là cửa ngõ ra biển Đông của 25 tỉnh thành phía Bắc. Như vậy, ở Quảng Ninh, bài toán đặt ra là phải giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phải đảm bảo để phát triển kinh tế của Tỉnh đúng định hướng và bền vững.

Sự cần thiết phải phát triển các khu công nghiệp:

Những năm gần đây, nhu cầu về đất cho phát triển công nghiệp ở Quảng Ninh không hề nhỏ, chưa kể các dự án công nghiệp lớn như các nhà máy xi măng, nhiệt điện… Nếu cứ làm theo cách cũ, nghĩa là khi doanh nghiệp có nhu cầu thì các nhà quản lý đất đai lại giở bản đồ quy hoạch, chọn xem chỗ đất nào còn trống, có thể đáp ứng được yêu cầu của dự án mới bố trí địa điểm, thì sẽ có hàng loạt vấn đề bất cập xảy ra, trong đó, nổi bật là giải quyết những nảy sinh về môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương về gắn việc lập quy hoạch phát triển ngành với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc cho phép đầu tư các dự án có vấn đề về môi trường hoặc khai thác mỏ than ở những khu vực nhạy cảm, có khả năng gây ô nhiễm Vịnh Hạ Long, nguồn nước, hoặc có nguy cơ phá huỷ rừng đầu nguồn. Trong đó, việc xây dựng và phát triển các KCN không chỉ là giải pháp tạo môi trường thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư, mà còn là giải pháp có hiệu quả nhất để giữ gìn, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Định hướng phát triển khu công nghiệp đến năm 2020:

Quảng Ninh coi việc xây dựng thành công và phát triển có hiệu quả các KCN trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hội nhập.

Thực hiện Nghị quyết 06 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ: “Từ nay, các dự án công nghiệp đầu tư mới chủ yếu vận động vào các KCN, trừ các dự án đòi hỏi phải gắn với vùng nguyên liệu, hoặc có yêu cầu đặc biệt về xử lý môi trường”, Ban quản lý các KCN và đầu tư nước ngoài coi việc lựa chọn các dự án đầu tư thích hợp vào những địa bàn đòi hỏi cao về môi trường là một tiêu chí quan trọng. Để đảm bảo thực hiện được chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động các KCN, thì song song với việc phối hợp và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức, nhiều kênh tiếp xúc, thông tin thì các KCN ở thành phố Hạ Long được quy hoạch chỉ để cho các dự án đầu tư có công nghệ cao, dự án sạch, các dự án không gây ô nhiễm cho Vịnh Hạ Long. Mặc dù địa phương đang khuyến khích đầu tư, nhưng phải có đủ can đảm để kiên quyết nói không với các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, cho dù nhà đầu tư có thể không hài lòng.

Tuy nhiên, so với một số địa phương trong khu vực, Quảng Ninh hình thành và phát triển các KCN còn chậm, nhận rõ điều này, Tỉnh đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực này như xin phép Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh thay thế Tổng công ty LICOGI làm chủ đầu tư KCN Cái Lân (là KCN đầu tiên của Tỉnh), có chủ trương hỗ trợ về chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và lãi vay một số năm cho công ty; đầu tư hạ tầng xây dựng các công trình trong hàng rào KCN, lựa chọn chủ đầu tư cho KCN Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Chạp Khê... Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Ninh mới chính thức có 4 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Tỉnh đã vượt xa chỉ tiêu đặt ra từ năm 1996 là 14-15%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Quảng Ninh liên tục đạt mức bình quân trên 20%, yêu cầu của sự phát triển bền vững và nhu cầu về đất của các nhà đầu tư, đòi hỏi số lượng các KCN lớn hơn nhiều so với các KCN đã được phê duyệt. Thực trạng đó đòi hỏi phải nghiên cứu công phu, dựa trên những dữ liệu về cơ cấu đất đai, điều kiện hạ tầng giao thông, vị trí địa lý và các điều kiện khác, như dự báo về xu hướng tăng trưởng, phát triển công nghiệp ở địa phương để xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển các KCN ở Quảng Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh. Trong đó, cần xác định rõ vai trò, vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban quản lý các KCN và đầu tư nước ngoài để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Quy hoạch phát triển KCN phải đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội ngoài hàng rào:

Việc phát triển các KCN của Tỉnh trong những năm tới, ngoài những mục tiêu chung của các KCN, còn phải thoả mãn các điều kiện:

- Một là, các KCN phải được hình thành trên các vùng đất phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp chất lượng kém, cần chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phải khai thác được lợi thế về hệ thống hạ tầng đã có, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực. Với tinh thần đó, trong quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020, Quảng Ninh chủ trương xây dựng các KCN dọc theo đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long - Móng Cái và các trục giao thông quan trọng khác của Tỉnh, các vùng chậm phát triển.

- Hai là, bên cạnh mỗi KCN sẽ đồng thời hình thành một khu đô thị hoặc khu dân cư đóng vai trò là dịch vụ hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhà ở cho công nhân KCN, cũng như các công trình hạ tầng xã hội khác, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư. Bên cạnh mỗi KCN đều có một dự án khu dân cư, được giao cho Công ty Phát triển hạ tầng KCN đầu tư và kinh doanh.

Đối với lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng KCN, Quảng Ninh cũng có những yếu tố kém lợi thế hơn các tỉnh lân cận Hà Nội.

Thứ nhất, điều kiện thu hút đầu tư kém hấp dẫn, do xa các trung tâm kinh tế, hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng, thiếu và khó bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động quản lý và lao động kỹ thuật cao.

Thứ hai, điều kiện về đất đai, địa hình không cho phép xây dựng những KCN quy mô lớn; chi phí đầu tư hạ tầng KCN bình quân cao hơn nhiều, do phải san đắp trên địa hình bãi trũng hoặc đồi cao, địa chất không đồng nhất.

Có thể nói, trước đây các dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN tại Quảng Ninh kém cạnh tranh và hấp dẫn cả về thu hút đầu tư và lợi nhuận. Để phát huy các lợi thế, khai thác tiềm năng, tạo ra cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp Tỉnh, Ban Quản lý các KCN và Đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn đề xuất chủ trương phù hợp và được lãnh đạo Tỉnh ủng hộ. Nhờ đó, trong năm 2003 và 2004, Tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng và kinh nghiệm đầu tư hạ tầng 04 KCN, CCN với tổng diện tích gần 800 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng. Tỉnh chủ trương không sử dụng ngân sách cho đầu tư các dự án hạ tầng KCN.

Về cơ chế hỗ trợ đầu tư: Ngoài việc thực hiện chính sách chung về đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN, nguồn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ, được huy động từ khoản thu tiền sử dụng đất của các dự án khu dân cư phục vụ KCN, cũng do chính các chủ đầu tư hạ tầng KCN làm chủ đầu tư, việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong các KCN, chủ đầu tư cần phải thực hiện ngay khi đầu tư hạ tầng. Đây là vấn đề có tính quyết định đối với việc bảo vệ môi trường cho các KCN và cho cả các vùng lân cận KCN. Như vậy, việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong các KCN cần phải xác định địa điểm phù hợp, vì đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng để chống ô nhiễm nguồn nước, không khí và môi trường sống cho các cộng đồng dân cư lân cận.

Với quan điểm tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã xác định được trọng trách của mình, không chỉ với việc giữ gìn, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mà còn vì chất lượng cuộc sống của các thế hệ công dân trên địa bàn hôm nay và mai sau.

( theo irv.moi )

  • Công ty TNHH Một thành viên công nghiệp tàu thuỷ Cái Lân - tăng tốc để phát triển
  • Khu công nghiệp Ninh Dương ( Móng Cái )
  • Khu công nghiệp Tiên Yên
  • Khu công nghiệp Cái Lân
  • Khu công nghiệp Dốc Đỏ ( Uông Bí )
  • Khu công nghiệp Việt Hưng
  • Khu công nghiệp Chạp Khê ( Uông Bí )
  • Định hướng phát triển
  • Ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp
  • Quảng Ninh: Phát triển các khu công nghiệp gắn với vấn đề bảo vệ môi trường
  • Đầu tư phát triển khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà