Trà chứa nhiều chất dinh dưỡng có chức năng hỗ trợ sức khỏe và hạn chế bệnh tật
Nước trà là nước uống được bảo đảm về mặt an toàn vệ sinh vì được pha chế và dùng nóng, ít sự cố vi sinh hay hóa chất có hại nhiễm vào.
Theo GS-TS Lưu Duẩn, Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, nhờ các thành phần hóa học có giá trị sinh học nên nước trà có các chức năng hỗ trợ sức khỏe và hạn chế bệnh tật. Trong trà có chứa nhiều chất dinh dưỡng đối với cơ thể và có hoạt tính sinh học quan trọng. Đó là chất tanin, axit amin, chất khoáng.
Chất catesin trong trà có chức năng chống ô xy hóa, giảm lượng cholesterol trong máu, hạn chế sự hình thành tế bào ung thư, tiêu diệt vi khuẩn, virus cúm, ngăn ngừa sự tăng huyết áp; cafeine làm lợi tiểu, tỉnh táo, chống buồn ngủ. Ngoài ra, trà còn chứa vitamin C, các vitamin B, flavonoid, fluorid (chống sâu răng), vitamin E...
Tùy theo cơ thể và điều kiện làm việc, trung bình mỗi ngày nên uống khoảng 4-7 ly trà. Người cao tuổi, trưởng thành, lao động chân tay, trí óc nên uống trà. Trẻ em, người táo bón, mất ngủ không nên uống. Tốt nhất nên uống trà vào buổi sáng sớm, chưa ăn sáng, trong ngày nên uống giữa giờ làm việc. Không nên uống trà đặc và nhiều ngay sau bữa ăn có nhiều chất đạm vì chất tanin trong trà kết hợp với protein trong thức ăn sẽ tạo thành chất khó tiêu.
Tốt nhất nên uống các loại trà tươi, trà xanh với nhiệt độ nước pha trà khoảng 80-850C. Không nên dùng ấm hay dụng cụ bằng nhôm, inox để pha trà vì chất tanin phản ứng với chất sắt có trong dụng cụ sẽ làm trà có màu đen và mùi tanh kim loại.
Phải cẩn trọng khi uống trà đá vì mức độ vệ sinh của nước đá cũng như nước trà bị pha loãng hầu như không còn ý nghĩa về mặt dinh dưỡng và phòng bệnh.
(Theo Nguoilaodong Online)