Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng cáo và rào cản

Nhiều thương hiệu nước ngoài rất chú trọng việc quảng cáo. Ảnh: Bảo Lâm

 

Tình huống thực tế là thế này: Khi quyết định mua một món hàng gì đó khá tiền (ti-vi, xe máy, dàn âm thanh...) chúng ta sẽ làm gì đầu tiên? Tôi đã để ý và nhận thấy không dưới 70%, trong đó có cả tôi, chắc chắn không phải cứ thế là sầm sầm vào siêu thị hay cửa hàng chuyên dụng (showroom) thanh toán và lôi hàng về.

Vấn đề không ở chỗ cần hiểu biết về món hàng đó, mà liệu nó có đúng như người ta quảng cáo không và do vậy, theo đúng bản tính của người Việt, chúng ta sẽ cố gắng chạy vạy xem có ai quen có thể giúp đỡ để bảo đảm rằng, món hàng ấy xứng đáng với số tiền bỏ ra.

 Thời kỳ mà ngay cả các đại biểu Quốc hội khi đi họp được chút hàng phân phối cũng phải bốc thăm để xem ai được cái săm xe đạp, ai được mét vải sô; thời kỳ "bắt cởi trần phải cởi trần; cho may ô mới được phần may ô"; thời kỳ mà cả nhà chết đứng khi sổ gạo mất đã qua từ lâu và cũng từ lâu thị trường lúc nào cũng ngập tràn đủ loại hàng hóa và các nhà sản xuất tìm đủ mọi cách để có thể tiêu thụ được sản phẩm, câu chuyện trên có vẻ thật nực cười. Cười ra nước mắt. Tại sao?

 Vì hàng thật giả, giả thật quá nhiều, ngay cả những nơi tưởng như không thể giả; vì người ta quảng cáo bừa đi quá nhiều. Người xưa có câu "Không ai phạt vạ thằng nói phét". Đó chỉ là khi "Nói láo mà chơi nói láo chơi", nhưng khi chuyện nói phét, nói láo ấy lại nhằm để lừa bịp người khác kiếm lời thì lại là chuyện khác. Tiếc thay ở nước ta những kẻ dối trá công khai, thường xuyên để kiếm lời như vậy chưa hề bị một luật lệ nào ràng buộc - đó là nhiều người quảng cáo.

 Bất kỳ thứ gì, khi đã làm, người Mỹ cũng đưa lên thành công nghệ và phải ra tiền. Quảng cáo cũng vậy. Mỗi năm người Mỹ bỏ ra chừng một nghìn tỷ đô để quảng cáo. Người ta nói rằng, nếu một sáng mai tỉnh dậy, bật TV, không thấy quảng cáo thì một người Mỹ chính thống thậm chí không còn biết nên đánh răng hay không. Tuy vậy, theo một nghiên cứu quốc tế, kỷ lục tin vào quảng cáo không thuộc về người Mỹ, nó thuộc về người Việt.

 Thật đơn giản, người Việt xưa nay đã tiếp xúc với mật độ quảng cáo như vậy bao giờ đâu; để bán được hàng, ở Việt Nam người ta có thể quảng cáo những gì họ muốn, miễn là lừa được người tiêu dùng, bán được hàng. Ở Mỹ, ở các nước khác không như thế, quảng cáo không đúng sự thật, dù chỉ 1/10 sẽ bị kiện, sẽ phải bồi thường và trước hết là danh dự thương hiệu sẽ không còn. Ở ta, quảng cáo bao giờ cũng vô can. Nếu không liệu ai có thể dám khẳng định rằng, uống sữa vào sẽ thành ngay Phù Đổng; ăn thứ này, uống thứ kia lập tức thành Anh-xtanh, thành Lêonađô Da Vinxi; chỉ một chút hạt nêm, dầu ăn là thành ngày bà nội trợ "thôi rồi"; chỉ một thìa xà phòng bột là giải quyết xong mọi chất bẩn, quần áo sạch hơn, mới hơn cả khi vừa mua về?...

 Đó có phải là thật hay là láo? Ai cũng biết là nói láo mà người ta vẫn cứ ra rả nói và vẫn có nơi cho người ta nói. Tại sao vậy? "Những gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Câu châm ngôn nổi tiếng của một nhà tài phiệt Mỹ giờ rất đúng trong nhiều nơi, nhiều lúc. Một nhạc sĩ nổi tiếng có một chương trình thường niên về Hà Nội, thành phố của ông và ông rất yêu dấu. Ông ngồi sau chiếc dương cầm, chơi một bài hát mới. Nền phía sau ông là một màn hình lớn. Thay vì hình ảnh minh họa cho bài hát là quảng cáo với dòng chữ chạy đi chạy lại "Đái tháo đường...". Trời đất, không thể hiểu nổi như từng không thể hiểu một thời cứ "giờ vàng", lúc các gia đình quây quần bên mâm cơm, là người ta quảng cáo những sản phẩm giúp chị em đỡ khổ hằng tháng.

 Thực tế cơ quan chủ quản cũng đã có nhiều quy định về quảng cáo, nhưng họ chú trọng trước hết là khối lượng, chứ không phải nội dung và bản chất của quảng cáo, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ví dụ họ quy định cụ thể số trang cho mỗi báo, số giờ cho TV... nhưng ít đề cập tới chuyện nội dung đúng sai và thời điểm được quảng cáo. Và lại càng ít người để ý rằng, trong khi sản phẩm ngoại rất cố gắng sử dụng tiếng Việt thì hàng của ta nhất định dùng càng nhiều ngoại ngữ (thực ra là tiếng Anh, mà không biết ngữ pháp đúng sai tới mức nào) càng tốt. Như vậy có làm cho người tiêu dùng yêu thích hàng Việt Nam?

 Khi viết bài này tôi được biết rằng, 21 năm trước, khi thực chất thị trường chúng ta còn trống rỗng và các bà nội trợ chỉ lạy trời có được bất kỳ thứ gì không cần tem phiếu để mua, vào ngày 6-5-1988, đã có một tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời, đó là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Theo như chúng tôi được thông báo thì Hội có chi nhánh khắp nước và đã đạt được rất nhiều thành tựu trong khi giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất - giúp hai bên hòa giải.

 - Vậy Hội đã làm gì khi nông dân, ví dụ như vừa rồi ở Nghệ An, bị lừa nên mua phải giống thóc lép?

 - Họ không khiếu kiện lên Hội thì Hội đành chịu.

 - Sao Hội không xuống tận nơi, nói chuyện và giúp họ đưa những kẻ gian dối ra tòa?

 - Hội không có kinh phí. Vả lại Hội thường xuyên tuyên truyền mà sao họ không chịu nghe? Ở Nghệ An, Hội cũng có chi nhánh, sao họ không đến đó mà yêu cầu?

 - Thật tuyệt, cám ơn Hội. Như vậy nghề chính của Hội là hòa giải và tư vấn giúp người tiêu dùng với phương châm nổi tiếng "Hãy là người tiêu dùng thông thái"?

 Người tiêu dùng của chúng ta được bảo vệ như vậy. Trong đại ngàn quảng cáo, chúng ta được trao một "la bàn" dễ sử dụng nhất - cố đi cho đúng hướng sẽ không lạc! Trong hoàn cảnh như vậy, người tiêu dùng sẽ hành động như thế nào? Nếu có tiền, họ sẽ "thông thái", tức là mua hàng ngoại cho bảo đảm; còn ít tiền thì đành chặc lưỡi chấp nhận "của rẻ là của ôi". Mà thực sự nào đâu có rẻ.

 Để bảo vệ người tiêu dùng, chúng ta còn một hệ thống nữa đầy quyền lực -quản lý thị trường. Cơ quan này có trách nhiệm phát hiện hàng giả, hàng lậu, tức là bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng. Trách nhiệm là vậy nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Chẳng hạn khi nhà sản xuất phát hiện hàng của mình bị làm giả, họ sẽ thông báo ngay để được giúp đỡ phát hiện nơi làm giả? Không. Vì quản lý thị trường thiếu kinh phí nên nhà sản xuất phải lo khâu đó, ít nhất là như vậy, rồi qua một loạt thủ tục nữa, cũng cần kinh phí, rồi may ra kẻ giả danh mới có thể bị bắt. Bị bắt thôi, còn tới xét xử chưa thể nói. Và chắc chắn người sản xuất sẽ nản và kết cục là người tiêu dùng thua thiệt. Kết cục là hàng Việt Nam lại một lần nữa mất điểm...

 Vấn đề chính không ở hàng Việt Nam hay không. Người tiêu dùng quan tâm tới chủng loại, chất lượng và giá cả là trên hết. Để đáp ứng yêu cầu tự nhiên đó, không thể không xem xét lại toàn bộ quy định về quảng cáo; về hệ thống bảo vệ người tiêu dùng; bảo vệ bản quyền của người sản xuất. Khi chưa có những thông tin chân thực, rõ ràng về hàng Việt Nam thì hiện tại khó có thể thuyết phục được người tiêu dùng sẵn sàng cho hàng Việt Nam.

 Rào cản pháp luật không chỉ để cảnh cáo và trừng trị những kẻ nói bừa, lừa dối. Mà trước hết để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất, tạo điều kiện pháp lý cần thiết để có được những thương hiệu Việt cho người Việt. Và cho thế giới.

(Theo Nguyễn Triều // Hanoimoi Online)

  • Mạng xã hội và công nghiệp quảng cáo
  • Triệu phú từ quảng cáo trên mạng
  • Quảng cáo và rào cản
  • Quảng cáo: Chuyển từ khêu gợi sang hài hước
  • 8 tuyệt phẩm quảng cáo ngoài trời
  • Trung Quốc cấm quảng cáo “phản cảm” vào giờ ăn
  • 1.000 tỉ đồng để quảng bá Việt Nam trên Fashion TV
  • Quảng cáo Internet thời khủng hoảng…
  • Kỹ thuật tuyên truyền trong PR
  • Quảng cáo trên công cụ tìm kiếm: Nhiều ưu điểm nhưng còn mới lạ
  • Quảng cáo trực tuyến: Giải pháp thời khủng hoảng hay xu hướng tất yếu?
  • Tại sao quảng cáo lại thất bại?
  • 5 từ ngữ “tối kỵ” trong quảng cáo
  • Bất ngờ từ quảng cáo gây sốc
  • Suy thoái, vẫn tăng quảng cáo