*Thách thức lớn
Năm 2008, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản lượng lương thực đạt 43,16 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với 2007; trong đó, riêng lúa đạt 38,6 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với năm 2007, đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Tốc độ tăng giá trị sản lượng công nghiệp chế biến nông, lâm sản năm 2008 đạt mức 15%. Nhờ sự gia tăng sản lượng của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, giá trị xuất khẩu toàn ngành đã đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 16,24%. Có 6 mặt hàng kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD trở lên là cà phê 2 tỷ USD, cao su 1,6 tỷ USD, gạo 2,87 tỷ USD, đồ gỗ 2,8 tỷ USD, tôm 1,5 tỷ USD, cá tra trên 1 tỷ USD... Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ổn định đời sống và nâng cao thu nhập của nông dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định: Năm 2009 được dự báo là năm có nhiều khó khăn. Làm sao để tiếp tục duy trì sản xuất góp phần cùng cả nước ngặn chặn đà suy giảm kinh tế là một thách thức lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp. Khủng hoảng tài chính và suy thoái
kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh đến nông nghiệp, trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước và phần lớn các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của nước ta có sức cạnh tranh chưa cao.
Có nhiều ý kiến cho rằng, phát triển nông nghiệp hiện nay chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, hệ thống quản lý chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản, môi trường còn nhiều bất cập. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa đồng bộ, nhiều lĩnh vực như sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển trồng trọt và vật tư nông nghiệp chưa ăn khớp…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên: Thế giới có thể sẽ được mùa nông sản vào năm tới, điều này sẽ tác động mạnh đến thị trường nông sản trong nước. Do đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản phải cần phải được điều chỉnh xuống mức 12,5 tỷ USD, hụt 3,7 tỷ USD so với năm 2008. Chính vì vậy, ông Nguyễn Thành Biên cho rằng, ngành nông nghiệp và thương mại cần có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả hơn trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, điều hành thị trường và cơ chế xuất khẩu.
*Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quyết liệt hơn nữa để làm sao duy trì được sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các thị trường lớn của Việt Nam đều thực hiện cắt giảm chi tiêu, họ chỉ mua những loại hàng nông sản thực sự khi cần thiết, do vậy ngành nông nghiệp cần cụ thể hóa hướng đi cho từng mặt hàng, giải quyết vấn đề cho từng sản phẩm. "Muốn bán được các loại nông sản thì giá cả phải cạnh tranh, chất lượng sản phẩm phải tốt", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Hiện năng lực sản xuất, chế biến của chúng ta là có, thậm chí nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, vấn đề là giải quyết thị trường tiêu thụ, cả thị trường trong nước và thế giới sao cho hiệu quả nhất. Giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng cho rằng cần phải đổi mới toàn diện phương thức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp phải chủ động tìm đơn hàng, tìm thị trường ngay từ đầu năm để tạo ra được nhiều hợp đồng xuất khẩu trong năm 2009, đặc biệt là trong quý I và II. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần có sự phối hợp tốt hơn trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước cũng như trong cơ chế điều hành xuất khẩu.
Theo dự báo năm 2009, thế giới sẽ tồn kho về lương thực, dự trữ nông sản tăng, do đó Bộ NN&PTNT cần phải theo dõi sát tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009 thị trường có khả năng sáng sủa hơn, do các nước nhập khẩu nông sản lớn sau khủng hoảng thừa sẽ có sự điều chỉnh. Bộ NN&PTNT lên phương án tính giá thành sản xuất ngay từ đầu năm trên cơ sở giá giống, vật tư, phân bón... để tránh tình trạng mỗi địa phương đưa ra một giá thành sản xuất dẫn đến định giá sản phẩm sai lệch. Ngoài ra, Bộ tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản của một số ngành hàng lớn đang bị giảm giá và khó tiêu thụ như: lúa gạo, thuỷ sản và một số nông sản khác nhằm tiếp tục duy trì sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.