Lời nhận định và cũng là thông điệp của Ts. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, trả lời câu hỏi của các chuyên gia kinh tế đến từ Ireland về tình trạng đô la hóa đang diễn biến “phức tạp” ở Việt Nam trong hội thảo Doanh nghiệp Ireland – Đông Nam Á được tổ chức hôm quan 13/5, tại TP.HCM.
Theo đó, Ts. Nghĩa khẳng định hiện nay, Việt Nam cũng nằm trong xu hướng của các nước Đông Nam Á, nền kinh tế bị chi phối bởi tác động của đồng USD. Mức đô la hóa ở Việt Nam hiện nay là trên 20% .
Tình trạng đô la hóa cộng với tình hình lạm phát gia tăng đã tác động rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô, khiến cho đồng nội tệ ngày càng mất giá, rất khó kìm chế tình hình lạm phát. Và đặc biệt khi một nền kinh tế bị đô la hoá toàn phần thì các chức năng của các ngân hàng trung ương cũng sẽ không còn.
Câu hỏi được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đặt ra cho Ts. Nghĩa là Chính phủ Việt Nam có những chính sách và biện pháp như thế nào để có thể “hóa giải vòng kim cô” của đồng đô la và để khuyến khích tiền đồng phát triển?
Ts. Nghĩa cho biết: rút kinh nghiệm từ những năm trước, các chính sách Chính phủ đưa ra thực hiện không hiệu quả. Năm nay, Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo các chính sách và biện pháp để hóa giải tình trạng này. Theo đó, Ts. Nghĩa cho biết, Chính phủ sẽ đưa ra một lộ trình trung hạn từ nay đến năm 2013, Việt Nam sẽ hoàn toàn chấm dứt tình trạng đô la hóa. Không nhận tiền gửi bằng ngoại tệ, không cho vay bằng đồng đô la. Tất cả các quan hệ gửi và vay đều phải dựa trên quan hệ mua và bán.
Rút kinh nghiệm từ thất bại của các nước châu Mỹ Latinh, Brazil, Achentina, Mexico... vì áp dụng biện pháp cho gửi tiền bằng tiền đô nhưng khi nhận tiền, rút tiền ra khỏi ngân hàng thì phải rút tiền bằng tiền nội tệ. Cách làm này, thoạt đầu sẽ có kết quả nhất định nhưng sau đó người dân đã không mang đô la gửi vào ngân hàng mà thay vào đó mang gửi ra nước ngoài. Việc này đã làm cho chu kỳ thứ hai trong quá trình chống đô la hóa của các nước như Mexico, Brazil, Achentina… đã thất bại. Vì vậy, Ts. Nghĩa nhấn mạnh thay vì áp dụng những biện pháp mang tính chất hành chính, Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng những biện pháp mang tính luật hóa.
Do vậy, các chính sách dự kiến sẽ được Chính phủ thực hiện trong năm 2011 để tiến tới chấm dứt tình trạng đô la hóa ở Việt Nam vào năm 2013 cụ thể sẽ là:
- Tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ, có thể tăng tới 12% cho năm 2011. Và Ts. Nghĩa dẫn chứng, Brazil cũng từng áp dụng chính sách tăng dữ trữ bắt buộc ngoại tệ lên đến 35% để chống đô la hóa. Và đây được xem là một trong những chính sách thành công nhất so với các biện pháp hành chính khác.
Ts cũng phân tích thêm: việc sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc là để tạo ra một khoảng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, cũng như là lãi suất cho vay của nội tệ và ngoại tệ. Mục đích là để buộc các ngân hàng thương mại phải hạ thấp lãi suất huy động bằng đô la xuống và tăng lãi suất cho vay bằng đồng đô la lên khiến cho dân chúng sẽ không thích gửi bằng đô la, sẽ bán đô la để gửi VNĐ và cũng khiến cho doanh nghiệp không thích vay bằng ngoại tệ chuyển sang vay bằng nội tệ. Và đặc biệt, ngân hàng sẽ thấy rằng thực hiện cho vay hoặc cho gửi bằng ngoại tệ sẽ không có lãi nhiều bằng việc kinh doanh đồng nội tệ.
- Giảm trạng thái ngoại hối từ ± 30%/ vốn điều lệ xuống còn 20% (áp dụng cho cả ngân hàng nội đia và ngân hàng nước ngoài). Tuy vậy, Chính phủ cho biết đang cân nhắc có thể cho phép ngân hàng nước ngoài được hưởng tỷ lệ trạng thái ngoại hối cao hơn một ít so với ngân hàng nội địa bởi vì tiền gửi vào ngoại tệ của ngân hàng nước ngoài nhiều hơn. (có thể ngân hàng nội địa 20% và ngân hàng nước ngoài 25%.)
- Áp dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 3% hoặc thấp hơn cho cá nhân và 1% hoặc thấp hơn cho tổ chức.
- Bắt buộc kết hối ngoại tệ 100% đối với doanh nghiệp nhà nước.
- Hạn chế cho vay ngoại tệ. Chính phủ sẽ đưa ra một danh mục các ngành hàng được phép và không được phép vay ngoại tệ.
Ngoài các biện pháp chính đó, Chính phủ sẽ song song thực hiện các biện pháp khác như: Ra chỉ thị xây dựng một thị trường hối đoái chính thức thay cho chợ đen; cấm mang ngoại tệ và vàng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nội địa. Bắt buộc niêm yết trong cả các khách sạn 5 sao, các sân golf, nhà hàng…, tất cả phải niêm yết bằng đồng Việt Nam. Và tiến tới không nhận gửi và cho vay ngoại tệ (vàng đã bắt đầu từ 01/05/2011; ngoại tệ bắt đầu từ cuối năm 2011).
“Với việc áp dụng các biện pháp “mạnh” và tinh thần quyết tâm tháo bỏ “chiếc vòng kim cô” đô la hóa ở Việt Nam trong hàng chục năm qua, cuối năm 2013 Việt Nam hoàn toàn chấm dứt tình trạng này”, Ts. Nghĩa khẳng định lạc quan và tin tưởng.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com