“Vốn chỉ là nhu cầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không phải tất cả. Quan trọng nhất vẫn là phương án ứng phó. Dù vốn có vay được bao nhiêu với lãi suất thấp như thế nào nhưng phương án kinh doanh không hiệu quả cũng… thua thôi”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế xã hội TPHCM tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2011 của Thường trực UBND TP vào sáng 27-4.
Nhìn tổng thể tình hình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí đánh giá: Bước sang tháng 4, kinh tế TPHCM tiếp tục tăng trưởng trong khó khăn. Tuy nhiên, qua kết quả thu ngân sách cho thấy kinh tế TP có khả năng đề kháng và phát triển. Ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TPHCM, thông tin: Do chi phí đầu vào của sản xuất công nghiệp tăng cao nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng không cao.
Song song đó, khu vực thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng khá nhưng chủ yếu do tác động của giá thị trường tăng. “Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã đạt mức tăng kỷ lục trong vòng 3 năm qua. Các đợt tăng giá xăng, dầu, điện, nước, tỷ giá… đã tác động không nhỏ đến thị trường tiêu thụ trong nước”, ông Luận nói.
Sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu. Ảnh: CAO THĂNG |
Công nghiệp là lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của TP nên được nhiều quan tâm, mổ xẻ. Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, cho biết: “Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 197.715 tỷ đồng, tăng 12,9% (cùng kỳ tăng 14,5%). So với năm 2010 giá trị tăng trưởng này có giảm nhưng tăng hơn so với những năm trước đó như 2006, 2007, 2008, điều này cho thấy sức chịu đựng, sự nỗ lực lớn của TP để giữ tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này được 2 con số…”.
Lý giải về việc kim ngạch nhập khẩu tháng 4 trên địa bàn tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,2%), còn tính chung 4 tháng đầu năm tăng 22,2%, ông Thái Văn Rê cho rằng, nguyên nhân do TP nhập siêu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất cũng như sữa và các sản phẩm từ sữa chứ không phải tăng do nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.
Trước thực tế trên, hội nghị dành khá nhiều thời gian để thảo luận, đề ra các giải pháp ứng phó với tình hình. Theo lãnh đạo Saigon Co.op, chỉ trong tháng 4 đơn vị này đã thực hiện 100 chuyến bán hàng lưu động bình ổn giá tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư nghèo; đồng thời dành 28 tỷ đồng cho chương trình khuyến mãi tại TPHCM. Trong năm, Saigon Co.op tiếp tục mở thêm 2 đến 3 siêu thị và tăng thêm 21 điểm bán lẻ. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ 1-5, TPHCM bắt đầu triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá phục vụ mùa khai trường, ngoài học sinh sẽ mở rộng thêm đối tượng sinh viên với hàng hóa cung ứng nhiều hơn.
Sản xuất bóng đèn xuất khẩu tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG |
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Trong tình hình này, đối với doanh nghiệp, vấn đề vốn chỉ là nhu cầu. Quan trọng hơn hết là phương án ứng xử với tình hình biến động của nền kinh tế. Doanh nghiệp phải ở tâm thế chủ động, không nên quá lệ thuộc vào vốn ngân hàng”. Ông Tôn Quang Trí, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng các giải pháp “nóng” của Chính phủ và TPHCM đã đạt kết quả tích cực.
Ông dẫn chứng: “Dù tình hình như thế nào nhưng sản xuất suy giảm không đáng kể; việc hình thành mặt bằng giá mới là do giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng nhưng cũng tăng chừng mực; lĩnh vực thương mại, ngoại trừ yếu tố biến động thì sức mua vẫn đảm bảo”. Tuy vậy, theo ông Trí, cần tham mưu Trung ương các giải pháp trung, dài hạn, đặc biệt là giải pháp bền vững. Ông cũng đề xuất UBND TP chủ trì lấy ý kiến các chuyên gia để khởi động chương trình đảm bảo chất lượng tăng trưởng, tìm giải pháp điều hành sản xuất… “Sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng vừa là giải pháp nóng, vừa căn cơ”, ông Trí khẳng định
|
(Theo Vân Anh/sggp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com