Không phải đợi đến khi Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp cắt giảm, đình hoãn, dãn tiến độ các dự án đầu tư thì tình hình tiêu thụ thép mới càng ảm đạm.
Mà bởi trước đó, những cảnh báo của các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế đã bị chính các doanh nghiệp phớt lờ khi quá “say máu” đầu tư các dự án thép đã quá dư thừa công suất, để rồi gánh “quả đắng”.
“Quả đắng”
Là người theo dõi sát sao biến động của ngành thép, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) - ông Phạm Chí Cường - cho rằng: Ngành thép dẫn tới hệ lụy dư thừa hôm nay là “cái chết” được báo trước từ cách đây khoảng 2-3 năm, khi “nhà nhà làm thép, ngành ngành làm thép” từ phôi thép, thép cán đến cả các chủng loại thép trong nước chưa sản xuất được...
Số liệu cập nhập của VSA đến hết quý I năm nay, công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất phôi thép đã lên tới trên 6 triệu tấn, nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt khoảng 3,527 triệu tấn (cả năm 2010), dư thừa gần 2,5 triệu tấn. Công suất lắp đặt các nhà máy cán thép (sản xuất thép xây dựng thông thường) hiện xấp xỉ 9 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ thép năm 2010 chỉ khoảng 5,6 triệu tấn, dư thừa 3,4 triệu tấn.
Điều tương tự cũng xảy ra với các sản phẩm suất ống thép hàn và thép lá mạ kim loại... Trong 4 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng đạt khoảng 1,7 triệu tấn - tăng 12,3% so với cùng kỳ, nhưng theo ông Cường, tình hình tiêu thụ thép trong tháng 4 đang có xu hướng chững lại và giảm so với mức tiêu thụ của các tháng đầu năm.
Nguyên nhân được nhìn nhận là do tác động của việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thị trường thép trong nước có sự điều chỉnh theo hướng giảm dần cả về sản lượng và giá cả. TCty Thép VN cũng xác nhận sản lượng thép tiêu thụ tháng 4.2011 của TCty này chỉ đạt 169.000 tấn - giảm khoảng 3.500 tấn so với tháng 3.2011.
Tồn kho thép cán dài hiện đã lên tới 211.400 tấn - tăng 36,5%; tồn kho thép cán dẹt khoảng 26.600 tấn - tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều trớ trêu là trong khi tiêu thụ giảm, tồn kho tăng thì nhiều doanh nghiệp vẫn tới tấp đưa các dây chuyền đầu tư đã lắp đặt hoàn tất ra thị trường.
Những cỗ máy khổng lồ “đắp chiếu”
Theo quy hoạch phát triển ngành thép được Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2025, dự báo tổng công suất phôi thép mới đạt khoảng 12-15 triệu tấn; công suất thép cán xây dựng mới đạt từ 19-22 triệu tấn thành phẩm/năm. Tuy nhiên, đến năm 2010, tổng công suất lắp đặt cho các dự án phôi thép nêu trên là khoảng 6 triệu tấn, thép cán xấp xỉ 9 triệu tấn.
Theo tính toán của VSA, tính tổng công suất thiết kế cho giai đoạn 2015 - 2020 thì sản lượng phôi thép đã lên tới 16,28 triệu tấn/năm và thép cán lên tới 33,575 triệu tấn/năm. Trong số này, có 3 dự án thép khổng lồ sản xuất theo công nghệ cán nóng, có trong quy hoạch, nhưng hiện đã bị rút giấy phép hoặc “án binh bất động”. Đó là siêu dự án Khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận (liên doanh giữa Vinashin và Tập đoàn Lion Group - Malaysia) tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỉ USD, đã vừa được tỉnh Ninh Thuận rút giấy phép vì các đối tác trong liên doanh không có khả năng triển khai dự án.
Dự án thép liên hợp Hà Tĩnh của Tập đoàn Tata - Ấn Độ liên doanh với TCty Thép VN (VSC) quy mô dự kiến 4-5 triệu tấn/năm, vốn trên 3 tỉ USD và dự án thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu (liên doanh giữa Tập đoàn Essar Steel (Ấn Độ), VSC và Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN), công suất ban đầu khoảng 2 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng, đã được cấp phép với vốn đầu tư ban đầu 600 triệu USD. Tuy nhiên cho đến nay, do nhiều lý do khách quan, các dự án đều chậm đi vào hoạt động, giẫm chân tại chỗ.
Ông Phạm Chí Cường cho biết, dự án sản xuất thép của Tập đoàn Tycoons Steel International (Đài Loan) làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 9.2006 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), sau nhiều lần gia hạn dự án, hiện đã được Chính phủ chấp thuận nâng công suất từ 5-7 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 1,5 tỉ USD nhưng hiện vẫn “án binh bất động”.
Thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Công Thương cho thấy, đến thời điểm này, có khoảng 100 dự án ngành thép đã được cấp phép. Nếu chỉ tính các dự án phôi thép cùng dự án cán thép có quy mô từ 100 nghìn tấn thép cán/năm trở lên, thì con số này xấp xỉ 60 dự án. Trước tình hình này, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cần nghiêm túc chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư đối với các dự án thép.
Trên cơ sở rà soát các dự án đã được địa phương cấp GCNĐT, bộ cho biết sẽ đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch đối với những dự án có khả năng thực hiện; đồng thời, chỉ đạo địa phương kiên quyết thu hồi giấp phép đối với các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tạm dừng cấp GCNĐT các dự án thép xây dựng thông thường vì cung đã vượt xa cầu.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com