Trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông sản đang tồn tại nhiều bất cập như vật tư kém chất lượng, độc hại; nông sản chưa bảo đảm an toàn thực phẩm đã đưa ra thị trường... gây thiệt hại cho nông dân, người tiêu dùng và bức xúc trong dư luận.
Nhiều loại hoa quả bày bán trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ
có thể gây nguy hại cho người sử dụng. Ảnh: Trung Kiên
Tại chợ Long Biên - chợ nông sản lớn nhất Hà Nội, không khí buôn bán nhộn nhịp, tất bật từ sáng sớm. Ở đây có đủ loại rau, củ, quả "nội" và "ngoại". Gặp chị Nguyễn Thị Thương, một người buôn bán nhỏ thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) đang đứng bên cạnh xe ô tô trọng tải 500kg đã chất đầy các loại hoa quả, chúng tôi hỏi xuất xứ những lô hàng trên xe, chị Thương thật thà: "Họ nói là từ Thái Lan, Mỹ... nhưng chỉ biết vậy, vì có gì để chứng minh đâu. Chở về bán, chúng tôi phải nói lại với khách hàng như vậy". Theo lời chị Thương, đã nhiều lần khách hàng của chị phàn nàn chất lượng hàng "ngoại" có vấn đề như một hộp hoa quả thì nửa phần trên là tươi ngon, còn phần dưới đã hỏng; nhãn mác thì là hoa quả Mỹ, Thái Lan... nhưng thực chất không rõ nguồn gốc... Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua hàng, một tiểu thương đon đả: "Xoài Thái, nho Mỹ xịn đấy em!". Chưa rõ những nhãn hiệu này là do cơ quan nào cấp, nhưng nông sản ở chợ Long Biên có hình thức rất đẹp, bắt mắt.
Điều ngạc nhiên là những "thượng đế" khi mua nông sản dù biết nguồn gốc xuất xứ không rõ nhưng vẫn mua và sử dụng đều đều. Tại khu buôn bán nông sản chợ Hà Đông, chị Đặng Hạnh Nguyên, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cho biết: "Mặc dù biết là xuất xứ hàng hóa mập mờ nhưng tôi vẫn bị hấp dẫn bởi hình thức bắt mắt của những loại hoa quả được giới thiệu là "của ngoại". Đã có lần tôi mua "xoài Thái" nhưng chỉ để hai ngày trong tủ lạnh đã mềm nhũn, không thể ăn được". Chị Nguyên chia sẻ, kinh nghiệm xương máu khi đi chợ là mua của người quen, hàng thế nào người ta nói thật. Còn theo chị Nguyễn Thanh Hoa, phường Quang Trung (quận Hà Đông): "Nhìn ưng mắt thì mua. Chúng tôi biết dựa vào đâu để tỏ tường rau, củ, quả, gia cầm... an toàn hay không an toàn".
Một cuộc khảo sát kéo dài một tháng (tháng 3 năm 2011) của Cục Thú y tại 10 chợ ở các quận nội thành Hà Nội cho thấy, có đến 64% người tiêu dùng được hỏi không biết rõ nguồn gốc gia cầm khi mua; 48% người mua gia cầm không có dấu kiểm dịch thú y. Đáng lo ngại hơn khi gần 100% người tiêu dùng đều biết, việc tiêu dùng gia cầm không rõ nguồn gốc có nhiều khả năng mang mầm bệnh nhưng vẫn phải sử dụng. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, hàng triệu người dân đang bị đầu độc khi chất lượng nông sản không được bảo đảm. Không thể năm nào cũng nói xong rồi để đấy". Bộ trưởng phân tích, việc sử dụng vật tư nông nghiệp kém chất lượng và thực phẩm không an toàn không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, khả năng lao động, chất lượng cuộc sống, mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường, hạn chế khả năng mở rộng và phát triển sản xuất.
Nhằm chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản, tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức chiều 6-5, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, đánh giá và kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm hoặc không đủ điều kiện... Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện ban hành các văn bản quy định, quy chuẩn kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)…