Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Dệt may là ngành có sự phục hồi khá tốt trong những tháng cuối năm 2009 nhưng vẫn phải đối mặt với những bài toán về hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn. |
Công nghiệp tuy đang phục hồi tốc độ tăng trưởng, nhưng với một ngành mà tăng trưởng chủ yếu dựa vào quy mô đầu tư, sử dụng nhiều nhân công giá rẻ và cạnh tranh bằng giá sản phẩm là chính, thì sự hồi phục vẫn rất bấp bênh.
Tăng trưởng khá nhưng tồn kho cũng nhiều Công nghiệp đóng góp gần 40% vào giá trị của tổng sản phẩm trong nước (GDP), do vậy, sự hồi phục của ngành này trong những tháng cuối năm đã góp phần không nhỏ giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng 5-5,2% trong năm 2009. Nếu tính theo giá trị sản xuất, công nghiệp bắt đầu có tốc độ hồi phục mạnh từ tháng 5 và xu hướng này tiếp tục duy trì đều đặn cho đến cuối năm. Tuy nhiên, sự hồi phục vẫn khá mong manh, do nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường và khả năng cạnh tranh của chính doanh nghiệp. Trong hơn sáu tháng cuối năm, đóng góp nhiều nhất vào sự hồi phục tốc độ tăng trưởng của công nghiệp là nhóm ngành công nghiệp chế biến gồm: sản xuất thực phẩm và thức ăn gia súc, hàng may, giày dép, sản xuất đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng. Ngược lại, tốc độ tăng của lĩnh vực khai khoáng lại có chiều hướng giảm. Sự suy giảm này chủ yếu do mặt bằng giá xuất khẩu thế giới xuống thấp, nhưng cũng là tín hiệu tích cực vì việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô tăng càng mạnh thì càng không có lợi cho nền kinh tế về lâu dài. Nếu nhìn vào các thành phần kinh tế, thì sự hồi phục chủ yếu đến từ khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước, dù nắm trong tay lượng lớn tài sản của quốc gia cùng với nhiều lợi thế, nhưng mức tăng vẫn ì ạch, bằng chưa tới một nửa so với doanh nghiệp FDI và khoảng 38% so với mức tăng bình quân của kinh tế tư nhân. Có thể thấy, khả năng cải thiện tốc độ tăng trưởng của công nghiệp Việt Nam trong những năm tới phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước. Con số về tăng trưởng công nghiệp mà Tổng cục Thống kê công bố là dựa trên số liệu về giá trị hàng hóa sản xuất ra. Kết quả này sẽ mất đi ý nghĩa nếu sản phẩm làm ra bán không được. Đây cũng là điều khiến không ít doanh nghiệp phải lo lắng. Số liệu của Tổng cục Thống kê đến tháng 11-2009 cho thấy, mức tồn kho của nhiều ngành hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiều sản phẩm có tỷ lệ tồn kho tăng rất mạnh. Chẳng hạn như tủ bếp tăng hơn 263%, giày dép giả da tăng hơn 149%, ghế gỗ 132% và nhiều mặt hàng quan trọng khác như phân đạm, bao bì và vật liệu xây dựng bằng nhựa, vật liệu xây dựng, vải sợi, thức ăn gia súc và đồ gỗ... Ẩn số sức mua Sức mua của thị trường nội địa là yếu tố quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế. Việc sức mua vẫn duy trì ở tốc độ hai con số đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sớm ngăn chặn được đà suy thoái và tăng trưởng trở lại. Nhưng trái với diễn biến lạc quan chung của nền kinh tế, sức mua của thị trường nội địa trong nửa cuối 2009 lại có xu hướng tăng chậm hơn nửa đầu năm. Hơn nữa, tốc độ tăng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 18,5% (11 tháng) tuy đáng kể, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 31% của năm 2008 và những năm trước đó. Năm 2010, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nội địa sẽ ít có khả năng gia tăng đột biến như những năm 2007-2008 do chương trình hỗ trợ lãi vay ngắn hạn của Chính phủ không còn. Đồng thời, Chính phủ cũng phải thắt chặt chi tiêu hơn để ngăn ngừa lạm phát quay trở lại và giảm thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, việc lãi suất ngân hàng đang tăng trong vài tháng gần đây chắc chắn làm cho chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm công nghiệp tăng. Mặt bằng giá gạo trên thị trường thế giới cũng bắt đầu tăng mạnh và điều này sẽ đẩy giá cả lương thực thực phẩm lên theo. Không chỉ có gạo, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết cùng với sự hồi phục kinh tế thì lạm phát cũng đang có dấu hiệu xảy đến với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, nguy cơ giá cả nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tăng là rất đáng kể. Tất cả những yếu tố trên sẽ có tác động mạnh tới sức mua ở thị trường nội địa. Ở thị trường nước ngoài, không ít dự báo của các nhà xuất khẩu đang tỏ ra kém lạc quan, ít nhất là đối với một số ngành hàng chủ lực như da giày, đồ gỗ, thủy sản, dây và cáp điện, hàng nhựa... Việc bị loại khỏi danh sách được hưởng chính sách thuế quan ưu đãi dành cho nước nghèo, cộng thêm bị đánh thuế chống bán phá giá giày mũ da ở thị trường EU, đã làm cho kim ngạch xuất khẩu da, giày Việt Nam năm 2009 giảm hơn 15%. Tương tự, mặt hàng túi nhựa PE của Việt Nam cũng có nhiều khả năng mất thị trường Mỹ, nếu nước này thông qua thuế chống bán phá giá với mức thấp nhất đến 52%. Còn ngành thủy sản thì đứng trước nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu tới 400 triệu đô la Mỹ, nếu vấn đề chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác không được giải quyết... Dự báo về ngành dệt, may xuất khẩu có sáng sủa hơn. Ông Lê Quốc Ân tin rằng, nhiều khả năng xuất khẩu của ngành này sẽ tăng 10% vào 2010. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp trong ngành phải giảm giá bán đáng kể để có thể duy trì mức xuất khẩu năm 2009 bằng với năm trước đó đã ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh doanh của ngành này. Lạc quan nhất có lẽ là ngành điện tử. Với sự xuất hiện của nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của Samsung, nhiều khả năng xuất khẩu của ngành này trong năm 2010 sẽ tăng gấp đôi. Bệnh cũ ngày một nặng Bên cạnh yếu tố thị trường, khả năng cạnh tranh kém cùng với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm khiến cho sự hồi phục của công nghiệp và cả nền kinh tế trở nên kém bền vững. Đây là những bất cập cũ, nhưng điều đáng ngại là nó chẳng những chưa được cải thiện mà còn có xu hướng ngày càng xấu đi. Không thể phủ nhận những kết quả mà gói kích cầu của Chính phủ mang lại nhưng gói giải pháp này cũng đã để lại những hiệu ứng phụ không hay mà rõ nét nhất là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đang suy giảm mạnh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng quy mô đầu tư trong khi khả năng huy động thêm vốn đầu tư và nguồn lao động đã gần tới hạn, nên rất khó duy trì tốc độ tăng trưởng như vừa qua, thậm chí còn có thể giảm nếu hiệu quả sử dụng vốn tiếp tục trượt dốc. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng như vậy sẽ không giúp cải thiện được thu nhập cho người lao động một cách bền vững, nên khó gia tăng nhu cầu nội địa. Nguy hiểm hơn, nó còn làm cho vấn đề mất cân đối vĩ mô trở thành nguy cơ thường trực. Bộ này cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành chậm, mà công nghiệp là ngành chậm nhất. Đến nay, công nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào các ngành khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên hoặc thâm dụng lao động, trên cơ sở công nghệ lạc hậu. Việc tham gia vào chuỗi giá trị chủ yếu là ở công đoạn sử dụng nhiều nhân công và có giá trị gia tăng thấp. Đây là những bất cập căn bản. Chừng nào công nghiệp Việt Nam chưa thể chuyển sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thì tương lai của ngành này sẽ còn tiếp tục bấp bênh.
(Theo Tấn Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com