Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều hành giá năm 2010: Không thể chủ quan

Mua sắm hàng hóa tại siêu thị. - tinkinhte.com
Mua sắm hàng hóa tại siêu thị.
Nhìn lại công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2009 có thể nhận thấy, bên cạnh những thành công cơ bản trong việc kiềm chế lạm phát thì thị trường giá cả năm 2009 cũng chứng kiến không ít cú sốc.

Từ cú sốc về đột biến của giá vàng, giá USD, mất cân đối thị trường ngoại hối, giá gạo, giá đường... đến chênh lệch giá quá lớn giữa giá trong nước với giá thế giới của các mặt hàng như ôtô, sữa bột.

Việc mặt bằng giá vẫn đứng ở mức cao đã tác động không thuận đến đời sống của nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Trước những diễn biến khó lường của thị trường giá cả, nhiều chuyên gia đều chung nhận định, cần siết chặt việc quản lý và không thể chủ quan trong công tác điều hành giá năm 2010.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản Lý Giá, Bộ Tài chính, tác động đến vận động của giá thị trường có nhiều nguyên nhân, có thể nhận thấy một số nguyên nhân đẩy giá thị trường có xu hướng tăng như, Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ như điện, than, nước sạch, xăng dầu; việc cung cầu ngoại tệ có nhiều thời điểm căng thẳng đẩy tỷ giá USD và VND tăng (11 tháng so với tháng 12/2008 tăng chỉ số giá USD tăng 7,28%) tác động làm tăng giá vốn hàng nhập khẩu.

Đáng chú ý là tháng cuối năm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... mở ra khả năng tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã tác động làm tăng chi phí vay vốn và giá thành hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.

Mặt khác, tác động của gói kích cầu làm sức mua trong nước tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 1.075.266 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2008, ước cả năm tăng 19% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng vẫn trên 10%).

Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố trên thì theo đánh giá của chuyên gia Ngô Xuân Thanh, Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả, Bộ Tài chính, công tác quản lý thị trường, giá cả trong thời gian vừa qua tuy đã có những tiến bộ, kiềm chế được lạm phát xuống một con số (ước tính khoảng gần 7% năm 2009) và đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng việc quản lý thị trường, giá cả của Việt Nam còn bộc lộ những mặt hạn chế.

Việc xây dựng cơ chế điều hành giá theo cơ chế thị trường, nhất là theo giá thị trường thế giới còn nhiều bất cập (như điều hành mặt bằng giá xăng còn cao so với khu vực), mặt khác việc quản lý thị trường vẫn mang nặng yếu tố độc quyền của một số doanh nghiệp lớn thâu tóm phần lớn thị phần, khiến cho giá cả có xu hướng biến động theo xu hướng tăng, giảm theo tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp đó chứ không tuân theo giá thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, việc can thiệp của Nhà nước nhằm ổn định thị trường, giá cả tuy đã kìm hãm được tốc độ tăng giá đột biến các mặt hàng trong thời gian vừa qua, nhưng cơ chế dự báo, phòng ngừa chưa bắt đúng căn bệnh.

Chuyên gia Ngô Xuân Thanh cũng chỉ ra rằng, việc quản lý thị trường chợ đen về đồng USD cũng như việc quản lý các sàn giao dịch vàng tư nhân còn nhiều bất cập, giá thị trường chợ đen còn cao hơn nhiều so với giá thực trên thị trường. Điều đó đã gây cho một bộ phận nhỏ những kẻ đầu cơ có cơ hội tung tin xấu nhằm trục lợi trong thời gian vừa qua.

Siết chặt công tác quản lý

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 so với tháng 12/2008 tăng 6,52% (thấp hơn mức tăng 19,89% cùng kỳ năm trước). Chỉ số giá năm 2009 so với năm 2008 tăng 6,88% (thấp hơn mức tăng 22,97% cùng kỳ năm trước).

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình kinh tế-xã hội hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, hạn chế nên công tác quản lý về thị trường, giá cả cần phải khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém để góp phần tạo tiền tề phục hồi nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, các tổ chức kinh tế uy tín như WB, IMF nhận định có nhiều khả năng kinh tế thế giới ngăn chặn được đà suy giảm, bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2009 và năm 2010 sẽ có cải thiện, chuyển biến tích cực hơn.

Kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái, phục hồi sẽ làm nhu cầu nguyên nhiên vật liệu đang tăng dần. Thương mại toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% và có khả năng mặt bằng giá thế giới vẫn tăng nhất là giá xăng dầu, lương thực (nhóm xăng dầu dự báo giá tăng 25%, nhóm phi xăng dầu tăng 2,5%, gạo tăng 40-50%)...

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, năm 2010 ngoài việc tác động từ các yếu tố trên của nền kinh tế thế giới; tuy nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng đã khôi phục và sẽ đạt khoảng 6,5%, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, đáng chú ý là lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại vì các nguyên nhân như tác động (theo độ trễ) của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa của năm 2009 chuyển qua.

Ngoài ra, lạm phát có nguy cơ tăng cũng vì sức mua trong dịp Tết tăng cao; việc tăng lương tối thiểu trong lộ trình tăng lương 2008-2012 đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy nhanh chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo... sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.

Việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ, trong đó có giá điện, giá than, nước sạch... cũng sẽ làm cho mặt bằng giá tiêu dùng tăng lên.

Trong năm 2010, công tác điều hành giá cả theo ông Nguyễn Tiến Thỏa cần phải tập trung vào trọng tâm như thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tránh các hiện tượng “neo giá” để giá cả của những hàng hóa ở mức cao bất hợp lý bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới; hoặc “đông giá” ở thị trường trong nước quá thấp bất hợp lý trong khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi.

Bên cạnh đó, điều hành giá phù hợp tín hiệu của thị trường thế giới là có lên, có xuống nhưng không thụ động; không thả nổi hoàn toàn giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự tác động tự do, tự phát của giá thị trường thế giới mà cần có những biện pháp điều hành vĩ mô nhất định (năm 2010 thực hiện giá thị trường đối với điện, than bán cho điện và cho toàn bộ nền kinh tế, nước sạch...).

Trong điều hành giá cần tiếp tục thực hiện nhiều hơn, có hiệu quả hơn việc kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền; khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật, hiện nay đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất thường.

Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá; những hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước sử dụng ngân sách để đặt hàng phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, hàng hóa còn được trợ cước, trợ giá phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo, hàng hóa thực hiện chính sách xã hội.

Ngoài chính sách điều hành về giá như trên, cần áp dụng đồng bộ với việc điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ; điều hành lãi suất thị trường phù hợp với diễn biến của lạm phát, cung cầu vốn trên thị trường. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng (tối đa ở mức 25%).

Điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá linh hoạt nhưng tương đối bình ổn trên cơ sở can thiệp có hiệu quả vào thị trường ngoại tệ, tiếp tục mở rộng tín dụng cho phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô; điều chỉnh hợp lý chính sách thu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường quản lý thu; dừng các chính sách miễn giảm thuế đã áp dụng trong năm 2009, thực hiện giảm thời hạn nộp thuế một quý đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sản xuất gia công dệt may, da, giầy.

Bên cạnh đó cần chú trọng việc phát triển đồng bộ các thị trường. Tập trung hoàn thiện thể chế cạnh tranh, kiểm soát độc quyền; thể chế thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường công nghệ và một số dịch vụ công cơ bản. Đẩy mạnh hơn công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí./.
 
Lan Nhi (Vietnam+)

  • HSBC dự báo Việt Nam năm 2010: Nguy cơ “ổ voi” lạm phát
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • Việt Nam 2010: Hai kịch bản lạm phát và gánh nặng xuất khẩu
  • Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD năm 2010
  • 6 nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2010
  • Doanh nghiệp nói gì về triển vọng kinh doanh 2010?
  • Điều hành giá năm 2010: Không thể chủ quan
  • Năm 2010, ngành dệt - may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD
  • Xuất khẩu thuỷ sản 2010 có nhiều cơ hội
  • 2010: Thời điểm nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam: Nhiều âu lo cho năm 2010
  • Thị trường thép Việt Nam 2010: Không “nóng sốt” bất thường?
  • Kịch bản kinh tế VN 2010 Có thể đạt được tăng trưởng cao, nhưng nhiều hệ lụy
  • Dự báo nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ năm 2010 sẽ khả quan hơn
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 3)