Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường thép Việt Nam 2010: Không “nóng sốt” bất thường?

Ông Nam Sik, Tổng giám đốc POSCO-VIETNAM chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những trăn trở, bức xúc của ngành thép hiện nay.

Điều gì khiến POSCO quyết định đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam?

- Một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhìn thấy Việt Nam là thị trường lớn trong việc đầu tư, bán sản phẩm vì Việt Nam sẽ là cầu nối để thâm nhập vào Đông Nam Á. Đây là lý do POSCO quyết định đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói, mối nhân duyên giữa POSCO và Việt Nam rất sâu đậm. Bắt đầu từ tháng 8/1991, POSCO thành lập văn phòng đầu tiên tại Việt Nam, năm 1992 thành lập Công ty POSVINA. Đến nay, ngoài Công ty POSVINA, cùng với Tổng công ty Thép Việt Nam, năm 1994, POSCO thành lập Công ty thép Việt-Hàn tại Hải Phòng với sản lượng 200.000 tấn/năm. Năm 1995, POSCO xây dựng Trung tâm thương mại Diamond Plaza tại TP.HCM. Mới đây, POSCO cũng đã mua lại nhà máy thép không gỉ cán nguội STS duy nhất của Việt Nam và đổi tên thành Công ty POSCO-VST. Mối nhân duyên đó càng được nhân rộng bằng việc xây nhà máy POSCO-VIETNAM với công suất 1,2 triệu tấn thép/năm tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đây là nhà máy thép cán nguội lớn nhất Đông Nam Á.

Sau khi POSCO-VIETNAM chính thức hoạt động, hiệu quả kinh doanh thế nào, thưa ông?

- Tháng 10/2009, POSCO chính thức sản xuất, sản phẩm tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu qua các nước Đông Nam Á. Hiện tại những lô hàng đầu tiên của nhà máy sản xuất thử đã được các khách hàng Việt Nam và các nước Đông Nam Á chấp thuận đồng thời ký ghi nhớ nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Đã có khách hàng đến từ các nước vùng Trung Đông và châu Phi đến đặt hàng. Với kết quả thuận lợi này, năm 2010, nhà máy sẽ hoạt động 80-90% công suất, tức tương đương một triệu tấn, trong đó có khả năng xuất khẩu 30-40% sản lượng. Vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010, do thị trường thép trên thế giới chưa hồi phục nên thị trường thép Việt Nam vẫn chưa thực sự ổn định. Vì vậy, công ty đang thúc đẩy hoạt động bán sản phẩm ra thị trường và tăng cường xuất khẩu. Hy vọng chúng tôi sẽ kinh doanh thuận lợi vào năm sau.

Theo ông, đặc thù của thị trường thép Việt Nam có khác so với nhiều nước không?

- Thị trường thép Việt Nam có nhiều khác biệt so với thị trường thép ở nhiều nước. Nền công nghiệp nặng, chế tạo xe hơi, điện tử của Hàn Quốc phát triển mạnh nên có nhu cầu cao về sản phẩm thép cao cấp. Tại Việt Nam, nhu cầu cao về những sản phẩm thép ở mức trung và thấp nhiều hơn như ngành xây dựng, sản xuất ống thép, các vật dụng gia đình được làm bằng sắt, và nhu cầu của ngành thép chưa được ổn định. Tương lai, khi thu nhập của người dân tăng lên thì nhiều ngành công nghiệp sẽ phát triển, khi đó nhu cầu về thép cao cấp sẽ gia tăng và sản phẩm thép chất lượng cao sẽ có chỗ đứng trên thị trường.

Ở Việt Nam, hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào một số sản phẩm nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu của hầu hết các sản phẩm thép. Những nhà máy thép tại Việt Nam đảm bảo cung cấp thép cao cấp ổn định như POSCO có số lượng rất ít. Mặt khác, những sản phẩm nhập khẩu so với thép sản xuất trong nước luôn có sự biến động về mặt giá cả rất lớn và không ổn định. Thép ngoại nhập khẩu thường chất lượng thấp, giá rẻ nên bán chạy, điều này gây khó cho sự phát triển bền vững của ngành thép. Năm 2010, khi POSCO chính thức tham gia thị trường, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm xuất khẩu liên quan đến những sản phẩm thép của Việt Nam sẽ dần được cải thiện, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng nhanh, điều này sẽ làm thay đổi cán cân thương mại của Việt Nam. Đại đa số thép sản xuất trong nước không thể bán thấp hơn so với giá thép nhập khẩu do tiêu chuẩn về chất lượng luôn thấp hơn. Để cải thiện những vấn đề bất hợp lí của ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam cần phải có những chính sách hỗ trợ đối với sản phẩm trong nước. Đây cũng là điều cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu chuẩn về chất lượng của những sản phẩm thép và sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao.

Vậy để thị trường thép Việt Nam ổn định và phát triển, cần có giải pháp gì?


- Để thị trường thép Việt Nam ổn định và phát triển đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao và cung cấp ổn định cho thị trường. Tôi nghĩ việc đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu phải được ưu tiên hơn so với những ngành công nghiệp khác, phải giữ thế mạnh về vốn, luôn đi đầu trong việc thu hút các nhà đầu tư có nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép trên thế giới. Việt Nam cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn vào việc nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực để họ học hỏi, phát triển được những kỹ năng sản xuất thép.

Ông dự đoán như thế nào về thị trường thép năm 2010 ?


- Trước sự hồi phục của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tăng, đây là cơ hội cho các nhà máy thép tăng sản lượng, như vậy, cán cân cung cầu của thị trường thép sẽ ổn định, không nóng sốt về giá bất thường như năm qua. Mặt khác nhờ một số nhà máy sản xuất thép có công suất lớn đi vào hoạt động, sản phẩm thép sẽ dồi dào và giá cả, theo tôi là rất cạnh tranh trong năm 2010.

Xin cảm ơn ông!

(Công Thương)

  • HSBC dự báo Việt Nam năm 2010: Nguy cơ “ổ voi” lạm phát
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • Việt Nam 2010: Hai kịch bản lạm phát và gánh nặng xuất khẩu
  • Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD năm 2010
  • 6 nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2010
  • Doanh nghiệp nói gì về triển vọng kinh doanh 2010?
  • Điều hành giá năm 2010: Không thể chủ quan
  • Năm 2010, ngành dệt - may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD
  • Xuất khẩu thuỷ sản 2010 có nhiều cơ hội
  • 2010: Thời điểm nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam: Nhiều âu lo cho năm 2010
  • Thị trường thép Việt Nam 2010: Không “nóng sốt” bất thường?
  • Kịch bản kinh tế VN 2010 Có thể đạt được tăng trưởng cao, nhưng nhiều hệ lụy
  • Dự báo nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ năm 2010 sẽ khả quan hơn
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 3)