Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - kỳ cuối: Ngày cuối cùng

Năm mươi nhân viên CIA Sài Gòn gần như kiệt sức sau hơn một tuần làm việc 14 giờ mỗi ngày. Đêm 28/4, họ ngủ mê mệt, không ai nghĩ đó lại là đêm cuối cùng của cơ quan tình báo này tại Sài Gòn.

Lính thủy đánh bộ Mỹ chờ trực thăng trên nóc tòa Đại sứ Mỹ (29/4/1975)

Bốn giờ sáng 29/4 (bốn giờ chiều 28/4 giờ Washington), Polgar và mọi người bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo dữ dội.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ gác trên nóc tòa Đại sứ Mỹ điện thoại sang thông báo Bắc Việt pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất làm hư hại đường băng và phá hủy vài chiếc trực thăng của Mỹ.

Polgar cho nhân viên chuẩn bị gấp các phong bì in chữ “khẩn cấp“, mỗi phong bì có 1.500 dollar cộng thêm một ít tiền Hongkong và Thái Lan, đem phát cho tất cả nhân viên, rồi vội vàng sang tòa đại sứ Mỹ.

Trước 8 giờ sáng 30/4, lính thủy quân lục chiến ném những hộp hơi cay xuống chung quanh cao ốc trên đầu số 420 người Việt đứng bàng hoàng ngơ ngác. Đám người này vẫn đứng chờ những chuyến trực thăng không bao giờ tới.

Đại sứ Martin đang bị viêm phổi  nằm ở nhà riêng (rất  gần tòa đại sứ) bị Polgar điện thoại tới đánh thức. Nhưng ông Martin ốm đến mức trước khi được tiêm thuốc vào sáu giờ sáng thì không nhấc nổi máy điện thoại.

Polgar phải  trực tiếp liên lạc với Nhà Trắng và Đô đốc Gayler (Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Duơng) thông báo về việc ông ta  đã kịp sắp đặt cho người Mỹ thuộc văn phòng tùy viên quân sự di tản bằng  máy bay C-130 từ Tân Sơn Nhất.

Nhưng lúc này lại nổ ra tranh cãi giữa tướng Smith (chỉ huy cơ quan tùy viên quân sự Mỹ DAO) đang có mặt ở Tân Sơn Nhất với ông Martin. Ông Martin không tin lời Smith rằng đường băng ở Tân Sơn Nhất bị hư hại đến mức phải ngừng các chuyến bay nên ông lên xe riêng vào thẳng sân bay để kiểm tra thực tế.

Một máy bay C-130 bị phá hủy, hai lính thủy quân lục chiến Mỹ tử thương, vài chiếc trực thăng bị cháy. Các chuyến bay di tản phải ngừng. Thấy máy bay bị hư hại nhưng vẫn  còn dùng được, ông Martin lại điện về xin Tổng thống Ford cho tiếp tục các chuyến bay cỡ lớn.

Martin yêu cầu Polgar tập hợp đủ 50 nhân viên CIA còn lại ở Sài Gòn, cùng 140 nhân viên sứ quán và lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ về  tòa đại sứ, chờ lệnh.

Tại Tân Sơn Nhất, dân chúng ào ra tận đường băng và máy bay không đáp xuống được. Tình hình không thể kiểm soát nổi! Trong lúc đó, các bồn xăng trúng đạn pháo nổ và bốc cháy rừng rực ở góc văn phòng Hãng hàng không Air America.

Tướng Smith điện thoại tới Honolulu cầu cứu Đô đốc Gayler, Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông Gayler gọi Đại sứ Martin thông báo không thể tiếp tục di tản bằng C-130 được nữa.

Miễn cưỡng, ông Martin đồng ý “Lựa chọn 4” trong kế hoạch di tản, với mật danh “Hành quân gió nhanh” (Operation frequent wind), là chỉ dùng trực thăng bốc đi từ tòa đại sứ Mỹ. Martin gọi Kissinger yêu cầu ông đề nghị Tổng thống Ford chấp thuận.

Lúc 10 giờ 51 sáng 29/4 (22 giờ 51 đêm 28/4, giờ Washington), Tổng thống Ford hạ lệnh bắt đầu cuộc “Hành quân gió nhanh”. Đài phát thanh quân đội Mỹ ở đường Hồng Thập Tự cho phát đi phát lại bài hát “Cherry Pink and Apple Blossom White”- mật hiệu cho người Mỹ và một số người Việt liên hệ biết là giờ phút di tản cuối cùng đã tới.

Khi được lệnh di tản, mã sẽ được đọc trên đài phát thanh quân đội Mỹ bằng tiếng Anh. Mật mã là “nhiệt độ Sài Gòn là 105 độ và đang tăng lên” tiếp theo là ca khúc “I’m dreamming of a white Christmas”. 

Trước toà đại sứ Mỹ, tình trạng lộn xộn, xô xát để trèo tường diễn ra. Bên trong, các nhân viên cuống cuồng, vừa lo giữ trật tự an ninh, vừa đốt hủy tài liệu mật, nhưng một số được đựng trong túi nilon vẫn rơi vãi.

Phó văn phòng CIA Sài Gòn LaGueux chợt phát hiện còn vài triệu dollar tiền mặt trong két sứ quán nên huy động người đóng vào bao tải để mang lên nóc tòa đại sứ chờ trực thăng chở đi.

Nhưng lúc này chẳng còn nhân viên người Việt nào giúp cho việc này. Thế là có chuyện tiền rơi như mưa từ trên nóc sứ quán, những đồng 20 USD, 50 USD và 100 USD, hầu hết bị cháy sém. Những người Việt chờ dưới mặt đất, tranh cướp nhau để kiếm khoản tiền ở trên trời.

Chiếc trực thăng đầu tiên đáp xuống toà đại sứ Mỹ đúng hai giờ chiều 29/4. Có hai chỗ đáp, trực thăng lớn CH-53 đáp xuống sân bãi đỗ ô tô, loại nhỏ CH-46 đáp trên nóc toà đại sứ.

Trực thăng 50 chỗ nhưng cuối cùng phải cất cánh với 70 người. Tại Washington, Kissinger và Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger ước tính là còn 760 người đang ở trong khuôn viên toà đại sứ, và quyết định gửi thêm 19 trực thăng và chỉ thế thôi.

Ông Martin sẽ phải đi chuyến thứ 19-chuyến cuối cùng dự kiến kết thúc vào  khoảng 4 sáng 30/4/1975.  Đúng 4 giờ 45 phút sáng 30/4, viên phi công lái chiếc trực thăng CH-46 mang số hiệu Lady Ace 09 đáp xuống nóc toà đại sứ. Anh gỡ mảnh giấy đưa cho ông Martin: đó là lệnh của Tổng thống buộc ông phải ra đi trên chuyến bay cuối cùng này.

Nếu không, như tiết lộ của Đô đốc Gayler  “Tôi có quyền áp giải trong trường hợp ông Đại sứ không tuân lệnh Tổng thống”.  Đại sứ Martin bơ phờ ôm lá cờ Mỹ bước lên chiếc Lay Ace 09 vào lúc 4 giờ 58 phút.

Viên phi công phát tín hiệu “Tiger, Tiger, Tiger”, mật hiệu là đã đưa được ông Đại sứ lên trực thăng rồi. Hai giờ sau Martin gặp lại Polgar trên tàu sân bay Blue Ridge của Hạm đội 7.

Vài giờ sau, toán lính thủy quân lục chiến gác toà đại sứ lần vào cao ốc, khoá chặt cửa sau lại, để số người muốn tị nạn không vào được nữa. Chiếc trực thăng cuối cùng, yểm trợ bằng sáu chiếc Cobra gắn đại liên, chở toán này cất cánh.

11 giờ 30 ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh.

(Theo Tô Nam lược dịch // Tienphong Online)