Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ V Đà Nẵng: Di tản trước, thất thủ sau

Hơn ba giờ sáng 28/3/1975, phái đoàn thị sát Mỹ do tướng Fred Weyan (Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và từng là tư lệnh cuối cùng  của bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ tại VNCH trước Hiệp định Paris) dẫn đầu đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

(Từ trái sang) Shackley cựu trùm CIA Sài Gòn, Đại sứ Bunker, Polgar ngày Polgar sang nhậm chức tháng 1/1972

Đại sứ Mỹ Martin cũng đi chung chuyến bay này sau khi ông về Washington vận động hành lang ở Quốc hội Mỹ về khoản viện trợ quân sự khẩn cấp cho Sài Gòn bất thành (Martin sang Sài Gòn trễ hơn dự định vì ở Mỹ ông buộc phải phẫu thuật nha khoa).

Trong phái đoàn của tướng Weyan, có Ted Shackley, trưởng phân ban Đông Á của CIA và là tiền nhiệm của Polgar tại CIA Sài Gòn. Ngay sáng 28/3, Shackley thực sự ngán ngẩm khi nhận được bản báo cáo của bộ phận CIA tại Vùng 1 Chiến thuật, trong đó  mô tả sự hỗn loạn đến quá nhanh với Đà Nẵng vào ngày 27/3. 

Hàng rào an ninh sân bay Đà Nẵng bị đạp đổ, và chỉ 1/3 số người Mỹ trong danh sách phải di tản - dù phải giẫm đạp lên nhau - len chân vào chiếc máy bay Mỹ đầu tiên đến theo kế hoạch  di tản trong ngày hôm đó. Số người còn lại trong danh sách phải di tản lên nốt chiếc máy bay thứ hai nhưng nó phải nằm ở cuối đường băng để đợi người ta chuyển hành lý bằng xe đẩy đến.

Cùng hôm đó, Polgar gửi báo cáo này  tới tướng Quang, kẻ hứa ngay lập tức đệ trình lên ông Thiệu. Polgar cũng cảnh báo Quang rằng không được phép tái diễn chuyện trước. Quang nói ông ta sẽ có hành động cần thiết ngay và thừa nhận thông tin của CIA Sài Gòn về sự náo loạn ở Đà Nẵng  là “chi tiết và cập nhật hơn” so với báo cáo lên ông Thiệu qua kênh quân đội.

Trước đó, ngày 22/3, Thiệu ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh  Vùng 1 Chiến thuật (đóng đại bản doanh tại Đà Nẵng) rút sư đoàn lính dù và sư đoàn thủy quân lục chiến về giữ Nha Trang. Trưởng rất thất vọng vì vừa lên truyền hình tuyên bố tử thủ Đà Nẵng, sau khi bỏ ngỏ Huế vào ngày 19/3.

Polgar nhận thấy không cần thiết duy trì bộ phận CIA ở Đà Nẵng và thực sự không dám mạo hiểm nữa sau cuộc tháo chạy khỏi Plâyku, nên lệnh cho nhân viên ở đây lập tức di tản về Sài Gòn.

Lúc 16 giờ 40 ngày 27/3, tướng  Quang gọi lại cho Polgar thông báo rằng Tổng thống Thiệu muốn Tổng lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng Albert Francis điện nói chuyện với tướng Trưởng, Tư lệnh  Vùng 1 Chiến thuật vì, để tiếp tục duy trì cầu hàng không Đà Nẵng - Sài Gòn, phải phụ thuộc vào khả năng vãn hồi trật tự ở sân bay của tướng Trưởng.

Một giờ sau, Quang thông báo ông ta đã đích thân liên lạc với tướng Trưởng, nhưng vẫn đề nghị “dù sao thì ông Francis cũng phải trình bày với tướng Trưởng”.

Sự kiêu ngạo này của quân đội VNCH gây khó chịu cho người Mỹ vì một quân đội có kỷ luật bây giờ đã tan rã thực sự. Một tình trạng hỗn độn, cướp bóc đến man rợ của binh lính tại Đà Nẵng.

Sáng hôm sau (28/3), Tổng lãnh sự Mỹ quyết định hủy bỏ cầu hàng không từ đây về Sài Gòn. Cuộc di tản khỏi Đà Nẵng bằng đường biển  là khả năng duy nhất.

Lãnh sự quán Mỹ lên danh sách 3.000 người Việt mà Phái bộ Mỹ thấy có trách nhiệm phải đưa họ đi di tản. Tờ mờ sáng 28/3, người ta tập kết lên  sà lan tại bến sông trước mặt tòa lãnh sự nhằm tránh sự chú ý của dòng người di tản không được Mỹ bảo trợ. 

Nhưng mẹo ấy không thành công và khoảng 1.000 người di tản tự do leo được lên boong tàu. Đám đông chen chúc xô đẩy khiến nhiều người bị rơi xuống nước và một số chết đuối.

Chiếc sà lan quá tải ấy cuối cùng cũng được lai dắt ra biển trong khi nhiều người trong danh sách di tản của lãnh sự quán vẫn còn ở trên bờ.

Bốn nhân viên CIA và vài nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Đà Nẵng chậm chân phải di tản vào rạng sáng hôm sau bằng chiếc tàu nhỏ mang tên Osceola của một người Úc, lênh đênh mất hai đêm, nhưng trước khi lên được tàu khu trục của Hạm đội 7, họ suýt mất mạng vì hải tặc. 

Ngày 29/3, quân đội Bắc Việt mở đầu trận đánh Đà Nẵng với những trận giao tranh nhỏ, nhưng tướng Trưởng vội lên tàu HQ 404 cùng một lữ đoàn thủy quân lục chiến tháo chạy về Sài Gòn.

Ngày 30/3, Đà Nẵng thất thủ vào tay quân đội Bắc Việt, giáng một đòn chí mạng vào tâm lý binh sĩ VNCH và nhanh chóng đẩy chính quyền Sài Gòn vào cơn hấp hối.

Trước đó ba ngày, Shackley điện báo cáo việc Bắc Việt đang rất lợi thế ở Đà Nẵng cho Đại sứ Martin ngay trên chiếc máy bay phái đoàn thị sát của tướng Weyan. Nhưng ông Martin không thể hoặc không muốn nhận tin xấu về thảm họa này, nên tướng Weyan lệnh cho Shackley ngừng truyền tin.

Một ngày trước khi Đà Nẵng thất thủ,  Polgar đưa Vince Daly nhân viên CIA ở bộ phận Đà Nẵng đã di tản về Sài Gòn đến gặp Đại sứ Martin. Nhưng Martin không thừa nhận đánh giá của Daly rằng đang có thảm họa, và nói ông ta muốn bay ra Đà Nẵng để tự mình xác minh thực tế.

Chỉ duy nhất một lý do thuyết phục được Martin ở lại Sài Gòn là ông không thể đáp xuống sân bay mà quân đội Bắc Việt đã kiểm soát.

Trên thực tế, lực lượng hùng hậu của Bắc Việt tiếp tục tấn công như vũ bão vào dải duyên hải miền Trung. Chỉ hai ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ, họ đã bao vây Nha Trang, nơi đặt tổng hành dinh Vùng 2 Chiến thuật, Tổng lãnh sự quán Mỹ, lại rất gần quân cảng Cam Ranh.

Lúc 10 giờ 30 sáng 1/4, khi nghe tỉnh trưởng Khánh Hòa thông báo qua điện thoại “đã mất quyền kiểm soát thành phố này”, Tổng lãnh sự Mỹ ngay lập tức  lên trực thăng di tản. Bộ phận CIA Nha Trang đóng liên lạc vào lúc 11 giờ 17, và Robert Chin, trưởng bộ phận là nhân viên CIA cuối cùng ở đây bay về Sài Gòn ngay trưa hôm đó.

Tổng lãnh sự thực hiện kế hoạch di tản cho nhân viên địa phương bằng đường biển ngay hôm ấy. Nhưng việc khởi hành tàu của nhân viên người Mỹ làm hỏng kế hoạch này, chỉ một nửa nhân viên được di tản đến Sài Gòn.

Cùng trong ngày 1/4  Giám đốc CIA Colby gửi mật lệnh giao cho Polgar toàn quyền hành động trong việc di tản những nhân viên người Việt và gia đình họ - theo danh sách mà Polgar đề nghị một tuần trước đó nhưng bị phân ban Đông Á của CIA từ chối.

Khi Shackley và Polgar gặp Thiệu vào ngày 2/4, Thiệu dường như nghẹn ngào, nước mắt chỉ chực rơi. Shackley nhận ra điều mà dân chúng gọi là “làn sóng thất vọng và lo lắng” bao trùm toàn bộ quân đội VNCH khi cả Vùng 1 và Vùng 2 Chiến thuật đều thất thủ. Tinh thần và nhuệ khí của VNCH xuống đến đáy, cảm giác bị Mỹ bỏ rơi  lớn dần trong mọi giai tầng xã hội.

Tổng thống Thiệu không còn đủ bình tĩnh để nhìn thấy cơ thể chính trị mục ruỗng của VNCH, còn Thủ tướng Khiêm đang mải theo đuổi toan tính vô ích là tái cấu trúc nội các mới.

Thực ra, Nam Việt Nam lúc ấy chỉ còn có một điểm đồng thuận là: yêu cầu Mỹ mang  B-52 rải thảm bom xuống quân đội Bắc Việt đang có mặt ở Nam Việt Nam- một yêu cầu không tưởng! Thiệu lúc đó trong tay chỉ có một kế hoạch rất mập mờ về chiến lược phản công và tử thủ, cũng như nguồn lực tổ chức thực hiện.

Tại cuộc gặp với CIA ngày 2/4, Thiệu có vẻ không chú ý gì đến sự di chuyển của những sư đoàn quân đội Bắc Việt mà Polgar mô tả với ông ta. Thiệu tỏ ra hiểu vị thế hiện tại của quân đội VNCH, việc báo động về những hàm ý chính trị đã đe dọa nhuệ khí chung.

Tuy nhiên, Thiệu cho là Shackley đánh giá quá mức thời gian đang có để  giải quyết các vấn đề của ông ta. Các bức điện của Shackley gửi tổng hành dinh CIA ngày 31/3 và 2/4 đều đặt ra câu hỏi: Dự định của Bắc Việt tới đây là gì?

Và ông ta nhìn thấy hai khả năng: Thứ nhất, Hà Nội khai thác lợi thế quân sự để nhấn  một chiến thắng tức thời trên chiến trường; Thứ hai, một giải pháp chính trị với một chính phủ liên hiệp mà chính quyền Sài Gòn phải “đầu hàng có điều kiện”.

Cả hai dự đoán này của Shackley đều không được Hà Nội lựa chọn, như sau này Shackley nhớ lại, phái đoàn thị sát của tướng Weyan hóa ra chỉ là cách đóng kịch giữa Washington và Phái bộ Mỹ ở Sài Gòn. 

Tướng Weyan và cộng sự đều tin chắc một điều rằng Hà Nội sẽ gây sức ép bằng chiến thắng quân sự và không có gì khiến họ phải nghĩ khác. Mặc dù vậy, Đại sứ Martin và Polgar lại vẫn tiếp tục tìm kiếm các dấu hiệu tin cậy về mối quan tâm của Bắc Việt đối với một chính phủ liên hiệp ở Nam Việt Nam.

Cuối cùng, tướng Weyand vẫn báo cáo với dự đoán rằng nếu Mỹ không viện trợ quân sự khẩn cấp cho VNCH và không cam kết hỗ trợ trực tiếp bằng không quân thì Sài Gòn sẽ sụp đổ chỉ sau một đợt tấn công của quân đội Bắc Việt.

Ngày 2/4, tổng hành dinh CIA quyết định thay đổi 180 độ kế hoạch di tản, thông báo cho Polgar rằng Mỹ sẽ nhanh chóng yêu cầu di tản toàn bộ gia đình nhân viên và một số lượng nhân viên người Việt trong trường hợp Sài Gòn sụp đổ.

CIA ước tính lượng người phải di tản lên tới một triệu người. Phúc đáp CIA, Polgar và George Carver đề nghị Mỹ nên thận trọng trong kế hoạch di tản trong lúc tình trạng ở VNCH “di tản hỗn độn như mất trí”.

Di tản là vấn đề nghiêm trọng, nhưng “những bước khờ khạo sẽ càng đẩy nhanh cuộc khủng hoảng ở VNCH xuống đáy”. Bởi nếu đưa một sư đoàn không quân và một sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ vào Nam Việt Nam để tổ chức di tản chỉ người Mỹ thì sợ quân đội VNCH quay súng bắn ngay vào người Mỹ. Nhưng Giám đốc CIA Colby chỉ trả lời cụt lủn rằng: “Tôi sẽ bàn bạc với Trợ lý của Kissinger là ông Philip Habib”.

(Còn nữa)

(Theo Tô Nam lược dịch // Tienphong Online)