Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thêm những gam màu tối trên bức tranh kinh tế Mỹ

Thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao ở Mỹ.

Một loạt hệ thống nhà hàng làm ăn sa sút, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao, thêm nhiều công ty nộp đơn xin bảo lãnh phá sản cùng như dự báo không mấy khả quan - tất cả những yếu tố này đang tô đậm thêm sắc "đen" trong bức tranh vốn đang rất ảm đạm của nền kinh tế Mỹ.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều hệ thống nhà hàng ở Mỹ đang ngày làm ăn sa sút với lượng khách hàng giảm đáng kể. Kết quả khảo sát 26 hệ thống nhà hàng lớn nhất tại Mỹ cho thấy giá trị cổ phiếu của các nhà hàng này giảm trung bình 49,3% trong 52 tuần qua, cao hơn cả mức giảm 46,5% của chỉ số chứng khoán Standard & Poor's 500 trong cùng thời gian nói trên.
 
Trong khi đó, tỷ lệ người mất việc tăng đột biến do làn sóng cắt giảm nhân công của nhiều công ty làm ăn thua lỗ cũng đang trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Mỹ. Số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số người trên 75 tuổi mất việc trong tháng 1 vừa qua là hơn 73.000 người, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết ngày 7/2 vừa qua, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới con số kỷ lục - 4,99 triệu người, cao nhất từ năm 1967 đến nay.
 
Một loạt hệ thống siêu thị bán lẻ của Mỹ cũng vừa thông báo doanh số bán hàng giảm mạnh trong tháng 1/2009. Mặc dù đây không phải là tháng bán hàng cao điểm trong năm nhưng việc doanh số bán lẻ tiếp tục sụt giảm cho thấy mức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ chưa được cải thiện. Mức giảm của các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn như Stage là 13,1%, tiếp đến là Children's Place (11%), Limited Brands Inc. (9%) v.v...
 
Cùng với đó là những biến động lớn trong giới truyền thông, đặc biệt là báo in. Tập đoàn báo chí Philadelphia, chủ của "Inquirer" và "Daily News", hai nhật báo lớn nhất thành phố cùng tên Phi-la-đen-phi-a, đã trở thành nạn nhân tiếp theo của "bão" tài chính khi ngày 23/2 đã phải nộp đơn xin bảo lãnh sản, làm dài thêm danh sách các "đại gia" ngân hàng, tài chính.... phải tiến hành các thủ tục này. Như vậy, chỉ trong vòng hai tháng qua, nước Mỹ đã có tới 4 tập đoàn truyền thông sở hữu 33 nhật báo phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản.
 
Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm các khoản chi cho quảng cáo trong năm 2009, khiến doanh thu của giới truyền thông giảm đang kể. Do đó, trong thời gian tới, nước Mỹ và thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những "cú sốc" tiếp theo trong ngành này.
 
Đó là chưa kể tới những dự báo u ám của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về triển vọng nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm 2009. Theo thế chế tài chính này, trong năm nay, Mỹ tiếp tục chịu tác động mạnh của "bão" tài chính với tốc độ tăng trưởng sẽ giảm từ 0,5% đến 1,3% và tỷ lệ thất nghiệp có thể ở mức 8,5% đến 8,8%. FED cũng cảnh báo về một quá trình phục hồi kinh tế kéo dài "bất thường", khiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng và đứng ở mức cao trong một thời gian dài./.
 
 

(TTXVN/Vietnam+)

  • Giải quyết khủng hoảng kinh tế: Mỹ và châu Âu vẫn còn khác biệt
  • Thế giới mất 50.000 tỷ USD vì khủng hoảng tài chính
  • Chuyên gia kinh tế Pháp Giăng-Pi-ơ Rô-bin: Các nước phụ thuộc xuất khẩu lâm vào tình trạng ngày càng khó khăn
  • Có tới 12,5 triệu người Mỹ bị thất nghiệp
  • Năm 2009 sẽ có hơn 22 triệu phụ nữ thất nghiệp trên toàn thế giới
  • Mỹ: 651.000 người mất việc trong tháng 2
  • Đối diện khủng hoảng tài chính toàn cầu: Làm gì để chọi "bão"?
  • Tổng Quan Tình Hình Kinh Tế Thế Giới năm 2008 và Triển vọng 2009
  • ILO cảnh báo sự giảm sút việc làm trong năm nay
  • Khủng hoảng có nguy cơ đào sâu thêm ngăn cách Đông - Tây
  • Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến thương mại cà phê
  • Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những điều rút ra cho Việt Nam
  • Thêm những gam màu tối trên bức tranh kinh tế Mỹ
  • Bất động sản châu Á thu hẹp quy mô vì khủng hoảng tài chính
  • 400.000 lao động thất nghiệp