Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng Quan Tình Hình Kinh Tế Thế Giới năm 2008 và Triển vọng 2009

Năm 2008 trôi qua với kỷ lục của những kỷ lục. Khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ và lan rộng toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ đồng loạt của nhiều định chế tài chính khổng lồ. Thị trường chứng khoán khuynh đảo. Kinh tế thế giới suy thoái. Thị trường hàng hoá biến động khôn lường.

Khủng hoảng tài chính:

Cơn địa chấn tài chính bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ đã nhanh chóng lan sang toàn cầu, gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ hàng trăm năm nay.

Giá địa ốc sụt giảm trong khi số vụ tịch biên tài sản thế chấp tăng lên làm thị trường cho vay thế chấp sụt giảm giá trị. Cơn địa chấn tài chính thực sự nổ ra vào ngày 7/9 khi hai nhà cho vay cầm cố khổng lồ của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae buộc phải được Chính phủ tiếp quản để tránh khỏi nguy cơ phá sản. Sự kiện này tiếp tục châm ngòi cho vụ đổ vỡ với những tên tuổi lớn khác. Vào ngày 15/9, Ngân hàng Đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ Lehman Brothers sau 158 năm tồn tại đã tuyên bố phá sản. Vụ phá sản của Lehman Brothers làm nhiều tin đồn xuất hiện mỗi ngày về một ngân hàng khác đang sụp đổ.

 Đúng 10 ngày sau, Washington Mutual tạo nên vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử với tổng tài sản thiệt hại lên tới 307 tỷ đôla. Ngoài ra, do khủng hoảng tài chính, ngân hàng đầu tư số một nước Mỹ, Merill Lynch cũng bị thâu tóm bởi Bank of America. Còn các ngân hàng đầu tư Goldman Sach và Morgan Stanley trở thành ngân hàng thương mại chỉ sau một đêm. Chính phủ Mỹ đã phải cho tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG vay 150 tỷ USD để tránh cho thị trường tài chính nước này một kết cục tồi tệ hơn. Những động thái tương tự cũng được thực hiện với các tập đoàn tín dụng thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac. Cuối tháng 11/08, đến lượt Citigroup được Chính phủ Mỹ chấp thuận gánh đỡ hàng trăm tỷ USD thiệt hại tiềm tàng và bơm 20 tỷ USD cho tập đoàn này.

Thị trường chứng khoán chao đảo:

Tháng 9 và 10 cũng trở thành giai đoạn đen tối với phố Wall khi chỉ số Dow Jones sụt tới 25% giá trị chỉ sau một tháng kể từ ngày 15/9. Kể từ sau giai đoạn này, biến động tại phố Wall trở nên khó lường hơn với nhiều kỷ lục cả tăng và giảm tồn tại trong hàng chục năm đã bị phá.

Khi tâm lý hoảng hốt lan toả trong tháng 9/08 và thị trường tín dụng đóng băng, màu đỏ tràn ngập trên mọi thị trường chứng khoán, từ Hồng Công đến Mêhicô. Nhà chức trách Nga đã đóng cửa thị trường chứng khoán Mátxcơva trong nhiều ngày để kiềm chế sự hỗn loạn. DJWilshire 5000, chỉ số đại diện cho toàn bộ chứng khoán giao dịch tại Mỹ, cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ đã mất 7.000 tỷ USD trong năm nay.

Hàng ngàn tỷ USD giải cứu thị trường tài chính:

Gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD, do Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson soạn thảo, đã được Quốc hội thông qua trong tháng 10/08, nhằm giải cứu ngành tài chính trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính sử dụng phần lớn khoản tiền đầu tiên từ gói cứu trợ để đầu tư trực tiếp cho các ngân hàng và người vay. Trong vòng hai tháng, 350 tỷ USD cứu trợ đầu tiên đã được Bộ Tài chính "phân phát" cho các ngân hàng, hãng bảo hiểm và nhà sản xuất ô tô. Các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đồng loạt ra tay tháo gỡ khó khăn. Ngày 8/10, kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng của Anh được công bố. Trong đó bao gồm khoản tiền 50 tỷ Bảng (tương đương 87 tỷ USD) để mua lại cổ phần trong các ngân hàng lớn (trong đó 25 tỷ Bảng sẽ được sử dụng ngay lập tức, còn 25 tỷ Bảng sẽ được giữ ở trạng thái có thể bất kỳ sử dụng vào thời điểm nào), 200 tỷ Bảng để tái cấp vốn cho các ngân hàng và 250 tỷ Bảng để bảo lãnh nợ cho các ngân hàng. Ngay tiếp sau Anh, Tây Ban Nha cũng công bố một chương trình giải cứu trị giá 50 tỷ Euro, tương đương 68 tỷ Bảng, dành cho ngành ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Canađa (BoC) đã bơm tổng cộng 20 tỷ USD cho thị trường tín dụng nước này, nhằm giảm bớt căng thẳng tài chính, giúp các doanh nghiệp và cá nhân được vay tiền một cách dễ dàng hơn. Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng đã dành những khoản tiền khổng lồ cho một mục tiêu chung: cứu vãn tình hình kinh tế tài chính khó khăn.

Thị trường hàng hoá biến động mạnh:

Giá hàng hoá thế giới năm 2008 biến động cực mạnh. Giá tăng rất nhanh và cũng giảm rất nhanh.

Giá hàng hoá đồng loạt lập kỷ lục cao:

Những thời điểm giá cao nhất trong năm là tháng 3 - 5 và 7 - 8, khi giá dầu mỏ tăng mạnh tác động tới toàn bộ thị trường hàng hoá thế giới.

Những tháng đầu năm cũng chứng kiến các cơn sốt dầu, lương thực, và lạm phát làm khuynh đảo nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là giá dầu, từ mức 90 đôla một thùng vào đầu năm đã leo lên trên 100 đôla vào 20/2 và lập kỷ lục trên 147 đôla một thùng vào 11/7.

Dầu leo thang kéo giá hàng hóa cơ bản và lương thực lên theo. Trong đó, vàng lập kỷ lục trên 1.000 đôla một ounce vào 17/3. Còn giá lương thực đắt đỏ lại tạo ra căng thẳng thực sự tại nhiều nơi, thậm chí cả các quốc gia xuất khẩu lương thực. Khi giá ngô, nhiên liệu và ngũ cốc tăng vọt trong mùa hè này, người Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm leo thang lần đầu tiên trong 17 năm qua. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá lương thực tăng 5 đến 6% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình hàng năm 2,5% trong 15 năm qua. Nạn lạm phát từ đó cũng xảy ra tràn lan tại nhiều quốc gia. Trong những tháng đầu năm. Lạm phát toàn cầu đang nhanh chóng leo lên mức đỉnh điểm trong lịch sử. Lạm phát đang ở ngưỡng cao nhất trong vòng 16 năm qua ở Ả Rập Xê út, trong 14 năm qua ở Thụy Sĩ, trong 25 năm qua ở Singapore..., lạm phát tiêu dùng cũng cao nhất trong 11 năm qua ở Trung Quốc. Danh sách này sẽ còn tiếp tục. Các chính phủ đang đau đầu với những chính sách chống lạm phát làm sao cho không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu.

Giá lao dốc trong những tháng cuối năm:

Sau khi đạt đỉnh vào tháng 7, giá dầu bất ngờ lao dốc không phanh. Nguyên nhân cho hiện tượng trên là nhu cầu sử dụng dầu tại nhiều quốc gia sụt giảm mạnh do khó khăn kinh tế. Sự kiện giá dầu đạt mức kỷ lục trên 147 USD/thùng hồi tháng 7/08 đã thay đổi thói quen của người Mỹ. Số người sử dụng phương tiện công cộng có mức tăng theo quý lớn nhất trong vòng 25 năm qua. Lưu lượng giao thông trên đường cao tốc giảm gần 5%. Các nhà sản xuất xe tải phá sản. Hiện giá loại nhiên liệu này chỉ còn khoảng 40 đôla một thùng, mất hơn 100 đôla, tương ứng gần 70%, so với giá trị ban đầu, bất chấp những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. Dầi giảm giá khiến cho giá các hàng hoá khác đồng loạt giảm theo. Nhiều mặt hàng kết thúc năm ở mức thấp nhất trong năm. Tính chung trong cả năm, chỉ số CRB Index bao gồm 19 loại nguyên liệu đã giảm 39%, mức giảm mạnh nhất trong năm từ trước tới nay.

 Các nền kinh tế thế giới chao đảo

Không có quốc gia nào miễn dịch trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Mông Cổ bơm tiền vào các ngân hàng. Áchentina quốc hữu hoá các quỹ đầu tư hưu trí. Ba ngân hàng lớn và đồng nội tệ của Aixơlen đổ sụp. Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu chìm vào suy thoái. Giá dầu mỏ giao dịch ở mức dưới 40 USD/thùng, khiến các nhà xuất khẩu như Nga, Vênêxuêla và Iran chao đảo. Ấn Độ và Nga đều vật lộn với các khó khăn kinh tế, giảm việc làm và đầu tư. Nga đã chi 160 tỷ USD để bảo vệ đồng rúp và thị trường tài chính nội địa. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm xăng dầu rớt giá, khiến cho một phần các dự tính lớn của Nga cũng như của các nước xuất khẩu dầu khác tan biến. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tụt dốc trong tháng 11, mức giảm lớn nhất trong 7 năm qua. “Công xưởng của thế giới” chịu ảnh hưởng nặng nề của sự sa sút thị trường thế giới, trước hết là Tây Âu và Bắc Mỹ. Tại Quảng Đông, trái tim công nghiệp Trung Quốc, 80.000 nhà máy xuất khẩu có thể đóng cửa. Người ta hy vọng, gói kích cầu 600 tỷ USD chính phủ Trung Quốc thực hiện có thể khôi phục thị trường nội điạ, tác động chuyển đổi cơ cấu của một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới.

Dưới đây là những thời khắc ấn tượng  nhất trong bức tranh kinh tế thế giới năm 2008:

2/1: Giá dầu thô lần đầu tiên vượt 100 USD/thùng.

16/3: Bear Stears tuyên bố phá sản, báo hiệu chuỗi đổ vỡ của các định chế tài chính vào những tháng tiếp theo

11/7: Giá dầu chạm mức lịch sử 147,27 USD/thùng.

7/9: Mỹ chi 200 tỷ USD tiếp quản Freddie Mac và Fannie Mae

14/9: Bank of America mua lại Merrill Lynch.

15/9: Lehman Brothers tuyên bố phá sản.

16/9: Mỹ giải cứu AIG.

21/9: Goldman Sachs và Morgan Stanley thay đổi mô hình hoạt động

28/9: Ngân hàng Bradford & Bingley (Anh) sụp đổ.

29/9: Quốc hội Mỹ bác kế hoạch 700 tỷ USD, khiến Dow Jones có mức sụt giảm lớn nhất lịch sử, gần 778 điểm, và phố Wall mất 1.200 tỷ USD

3/10: Hạ viện Mỹ thông qua gói 700 tỷ USD

7/10: Anh chi 88 tỷ USD cứu hệ thống ngân hàng

8/10: Các ngân hàng trung ương đồng loạt hạ lãi suất

12/10: Chính phủ Iceland có nguy cơ sụp đổ vì khủng hoảng tài chính

27/10: IMF bơm tiền hỗ trợ hàng loạt nền kinh tế.

5/11: Ông Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, với đường lối kinh tế được thế giới kỳ vọng thay đổi hiện trạng kinh tế Mỹ và toàn cầu

10/11: Trung Quốc chi gần 600 tỷ USD kích thích kinh tế

14/11: 15 nước châu Âu thừa nhận lâm vào suy thoái.

17/11: Nhật thông báo đã suy thoái.

25/11: Mỹ chi thêm 800 tỷ USD hỗ trợ kinh tế

1/12: Mỹ thừa nhận đã suy thoái từ cuối năm 2007

11/12: Vụ lừa đảo 50 tỷ USD của Bernard Madoff vỡ lở, với hàng nghìn nạn nhân

Theo dự đoán của các chuyên gia, kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới sẽ tiếp tục đi xuống cho tới giữa năm 2009. Cường quốc số một thế giới và nhiều nền kinh tế lớn khác có xu hướng dần chuyển từ lạm phát sang giảm phát, trạng thái báo hiệu sự suy giảm kéo dài của nền kinh tế, biểu hiện ở sự đi xuống của thị trường tín dụng, nhà đất, lao động và hoạt động tiêu dùng. Giá hàng hoá sẽ chưa thể sớm khởi sắc. Thị trường chứng khoán cũng sẽ chờ tin tốt lành từ tình hình kinh tế mới có thể hồi phục.

(Theo Vinanet)

  • Giải quyết khủng hoảng kinh tế: Mỹ và châu Âu vẫn còn khác biệt
  • Thế giới mất 50.000 tỷ USD vì khủng hoảng tài chính
  • Chuyên gia kinh tế Pháp Giăng-Pi-ơ Rô-bin: Các nước phụ thuộc xuất khẩu lâm vào tình trạng ngày càng khó khăn
  • Có tới 12,5 triệu người Mỹ bị thất nghiệp
  • Năm 2009 sẽ có hơn 22 triệu phụ nữ thất nghiệp trên toàn thế giới
  • Mỹ: 651.000 người mất việc trong tháng 2
  • Đối diện khủng hoảng tài chính toàn cầu: Làm gì để chọi "bão"?
  • Tổng Quan Tình Hình Kinh Tế Thế Giới năm 2008 và Triển vọng 2009
  • ILO cảnh báo sự giảm sút việc làm trong năm nay
  • Khủng hoảng có nguy cơ đào sâu thêm ngăn cách Đông - Tây
  • Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến thương mại cà phê
  • Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những điều rút ra cho Việt Nam
  • Thêm những gam màu tối trên bức tranh kinh tế Mỹ
  • Bất động sản châu Á thu hẹp quy mô vì khủng hoảng tài chính
  • 400.000 lao động thất nghiệp