Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỹ năng thương lượng (22): Để trở thành người huấn luyện hiệu quả

 Để thực hiện xuất sắc và thành công vai trò một người huấn luyện, ngoài việc xác định mục đích, nội dung và cách thức huấn luyện, bạn cần phải có những phẩm chất cùng kỹ năng tương tác cá nhân khác.


Những phẩm chất và kỹ năng này không thể tìm thấy trong bất kỳ tài liệu học thuật nào mà chúng thuộc về những trải nghiệm, tính cách, năng lực của cá nhân bạn. Tuy nhiên, chương này trình bày một số vấn đề có thể giúp bạn cải thiện việc huấn luyện của mình. Bạn sẽ biết được thời điểm phù hợp để huấn luyện cũng như biết cách phân cấp hiệu quả để tiết kiệm thời gian. Phân cấp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của nhà quản lý. Cũng như các hoạt động khác, việc huấn luyện hoàn toàn có thể được chuyển giao cho những nhân viên cấp dưới có năng lực giải quyết trong một số trường hợp nhất định.


Ngoài ra, bạn cũng có thể cải thiện việc huấn luyện bằng cách xây dựng một bầu không khí tích cực, hứa hẹn khả năng thành công nhiều hơn. Một bầu không khí thù địch và chống đối rõ ràng sẽ không có lợi cho sự tham gia hai chiều tích cực. Chương này cũng giới thiệu ba điều kiện hỗ trợ tính hiệu quả trong công tác huấn luyện và một số điều “nên và không nên” của một người huấn luyện hiệu quả.


Tiết kiệm thời gian và công sức


Việc huấn luyện sẽ lấy đi một thứ quý giá và khan hiếm nhất của mọi nhà quản lý: thời gian. Tất cả các nhà quản lý đều chịu áp lực bởi thời gian để lập ngân sách, lập kế hoạch, tuyển dụng và sa thải, họp hành, và vô số công việc khác chật kín lịch làm việc hàng ngày. Do đó, bạn phải rất sáng suốt khi dành thời gian cho việc huấn luyện. Việc huấn luyện là quan trọng, nhưng còn nhiều việc khác cũng quan trọng không kém. Những nhà quản lý hiệu quả biết cách phân chia quỹ thời gian hạn hẹp của mình cho những việc ưu tiên nhất.


Xác định thời điểm thích hợp để huấn luyện


Bạn sẽ tận dụng được phần lớn thời gian của mình khi xác định đúng thời điểm thích hợp để huấn luyện. Không phải tình huống huấn luyện nào cũng đem lại nhiều lợi ích. Ví dụ, Rolf có vấn đề về triển khai báo cáo. Những báo cáo của anh lúc nào cũng dài dòng, không có tiêu đề, không có những nút tròn nhấn mạnh để đọc nhanh hơn, và chẳng bao giờ có phần tóm tắt ở đầu. Karl, cấp trên của Rolf, tích cực giúp anh vì hai lý do rất chính đáng: thứ nhất, ông là người phải đọc những báo cáo này; thứ hai, Rolf khó mà được xét thăng tiến nếu không cải thiện điều này. Nhưng Karl nhận thấy Rolf không ý thức được rằng việc viết báo cáo kém sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng thăng tiến của mình. Rõ ràng, việc huấn luyện anh sẽ gây lãng phí thời gian. Với thời gian ấy, Karl có thể dành cho những việc đem lại nhiều lợi ích hơn. Ông quyết định rằng cách hành động tốt nhất là làm cho Rolf hiểu ra vấn đề và cho anh cơ hội tự khắc phục.


Phân cấp khi có thể


Để quản lý hiệu quả, bạn nên phân cấp một số công việc cho cấp dưới của mình. Điều này sẽ giúp bạn có thêm thời gian cần thiết để giải quyết những vấn đề quan trọng hơn. Nó cũng giúp cho người được bạn giao nhiệm vụ có cơ hội đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn và phát triển khả năng của họ. Trong một số trường hợp, người khác thực hiện công việc có khi lại còn tốt hơn cả bạn. Hãy xem trường hợp sau về vấn đề viết báo cáo của Rolf.


“Rolf này”, Karl nói, “anh đã làm rất tốt việc kiểm tra độ tin cậy sản phẩm. Nếu anh không phát hiện ra những vấn đề đó, có lẽ chúng ta đã chấp nhận mẫu thiết kế hiện tại và gửi nó sang bộ phận sản xuất. Đó sẽ là một sai lầm rất tốn kém. Vì thế xin cảm ơn anh về việc đó”.


Sau khi trao đổi ngắn gọn về phương pháp kiểm tra và những phát hiện của Rolf, Karl chuyển sang phần báo cáo. “Anh đã đưa tất cả các thông tin quan trọng vào báo cáo này”,  ông nói, tay vẫn cầm tập tài liệu. “Nhưng để tôi cho anh một lời khuyên hữu ích nhé?”


“Hẳn nhiên rồi, nó là gì vậy?”, Rolf hỏi.


“Hãy làm cho các bản báo cáo của anh dễ đọc hơn. Một số người đọc báo cáo thường chỉ xem phần tóm tắt, và họ không tìm thấy nó ở đây. Điều đó có nghĩa là họ chẳng đọc được những gì anh viết cả. Có người lại xem lướt các điểm chính và phần kết luận. Lại có một số người rành chuyên môn, như tôi chẳng hạn, muốn nắm tất cả mọi chi tiết. Nghệ thuật viết báo cáo nằm ở chỗ đáp ứng những nhu cầu khác nhau trong một tài liệu duy nhất”.


“Tôi hiểu ý anh”, Rolf trả lời. “Tôi chẳng bao giờ chắc chắn mình nên báo cáo những phát hiện của mình như thế nào. Do đó, thường thì thời gian tôi dành cho việc viết báo cáo còn nhiều hơn thời gian thực hiện các cuộc kiểm tra thực tế. Và nếu mọi người không đọc nó thì hóa ra nỗ lực của tôi là vô ích à?”


“Chính xác là như vậy đấy”, Karl nói. “Vậy anh có muốn được giúp đỡ về việc này không?”


“Vâng, tôi rất muốn.”


“Tốt”, Karl khẳng định. “Đầu tiên, tôi sẽ cho anh làm việc với Sophia, một người chuyên viết về lĩnh vực kỹ thuật. Sophia không phải là một kỹ sư, nhưng cô ấy có khả năng sử dụng ngôn ngữ kỹ thuật rất chuẩn xác. Cô ấy đã từng giúp nhiều nhân viên cải thiện kỹ năng viết lách. Tôi đã nói chuyện và cô ấy đồng ý sẽ giúp anh giải quyết vấn đề này.”


“Cảm ơn anh!”, Rolf đáp lời, “Tôi không thể chờ thêm được nữa”.


Vị sếp trong tình huống này đã bắt đầu bằng một lời khen, sau đó mới đi vào vấn đề chính cần thảo luận bằng lời chuyển ý thu hút sự quan tâm của cấp dưới. Nhưng trong trường hợp này, vị sếp không đề xuất triển khai một kế hoạch hành động cho cả hai bên. Thay vào đó, ông chuyển giao nhiệm vụ huấn luyện cho một nhân viên khác.


Bạn có nhiều cơ hội để giao phó việc huấn luyện cho những nhân viên đủ năng lực và sẵn sàng không? Trong một số trường hợp, phòng quản lý nguồn nhân lực có thể giúp bạn với những chương trình hướng dẫn và các giảng viên đào tạo đã ký hợp đồng. Cũng cần lưu ý rằng bạn đang tạo điều kiện cho người được giao nhiệm vụ huấn luyện một cơ hội để thực hành kỹ năng huấn luyện - kỹ năng cần thiết để họ thăng tiến trong sự nghiệp. Sau đây là những lợi ích của việc phân cấp:


1. Tiết kiệm thời gian và công sức của bạn


2. Phát triển năng lực cá nhân cho người được bạn giao nhiệm vụ huấn luyện


3. Cải thiện kỹ năng chuyên môn của người được huấn luyện


Cuối cùng, để phân cấp hiệu quả, đừng quên quy tắc: Người được phân cấp phải nhận trách nhiệm về kết quả của nhiệm vụ. Như vậy, nếu Sophia nhận nhiệm vụ huấn luyện Rolf, cô phải chịu trách nhiệm về sự tiến bộ trong việc viết báo cáo của Rolf. Chấp nhận công việc luôn đi kèm với việc chấp nhận trách nhiệm về kết quả. Nếu thiếu ý thức trách nhiệm đó, việc huấn luyện sẽ không thành công.


Nguồn: Kỹ năng thương lượng  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

  • Kỹ năng thương lượng (16): Thiết lập và kiểm tra giả thuyết của bạn
  • Kỹ năng thương lượng (17): Những yếu tố cơ bản trong công tác huấn luyện
  • Kỹ năng thương lượng (18): Thảo luận và thống nhất
  • Kỹ năng thương lượng (19): Huấn luyện chủ động
  • Kỹ năng thương lượng (20): Cho và nhận thông tin phản
  • Kỹ năng thương lượng (21): Theo dõi
  • Kỹ năng thương lượng (22): Để trở thành người huấn luyện hiệu quả
  • Kỹ năng thương lượng (23): Xây dựng bầu không khí thích hợp
  • Kỹ năng thương lượng (24): Tránh những sai lầm thường gặp
  • Kỹ năng thương lượng (25): Thách thức của việc huấn luyện nhóm
  • Kỹ năng thương lượng (26): Đánh giá chính thức về hiệu suất làm việc
  • Kỹ năng thương lượng (27): Quy trình tám bước để đánh giá năng lực hiệu quả
  • Kỹ năng thương lượng (28): Hai vấn đề cần tránh
  • Kỹ năng thương lượng (29): Phát triển nhân viên
  • Kỹ năng thương lượng (30): Triển khai kế hoạch