Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỹ năng thương lượng (17): Những yếu tố cơ bản trong công tác huấn luyện

 Huấn luyện là một quy trình có tính chất tương tác mà thông qua đó các nhà quản lý và giám sát khắc phục thiếu sót trong hiệu suất làm việc, hướng dẫn kỹ năng, phổ biến kiến thức, khắc sâu các giá trị và cách hành xử được mong muốn trong công việc.


Đây là một phương pháp hữu hiệu để tăng cường nguồn vốn con người của tổ chức và những nhà quản lý giỏi luôn biết cách tìm kiếm các cơ hội huấn luyện cho nhân viên của mình. Sau đây là một số lợi ích của công tác huấn luyện:


* Khắc phục những thiếu sót về hiệu suất làm việc


* Vượt qua các trở ngại thuộc về cá nhân


* Học hỏi thêm các kỹ năng và năng lực chuyên môn mới


* Chuẩn bị sẵn sàng cho việc đảm trách những trách nhiệm mới


* Có động lực làm việc rõ ràng và mạnh mẽ hơn


* Quản lý bản thân hiệu quả hơn


Công tác huấn luyện hiệu quả sẽ đem lại hiệu suất làm việc, sự thỏa mãn về công việc và động lực thúc đẩy cao hơn. Huấn luyện cũng có thể cải thiện mối quan hệ làm việc của bạn với cấp dưới, giúp cho công việc của bạn với tư cách là nhà quản lý được dễ dàng hơn. Đào tạo kỹ năng chính thức là một phương pháp khác để khắc phục thiếu sót về hiệu suất làm việc và nâng cao năng lực của nhân viên. Nhưng chủ đề này sẽ được trình bày ở phần sau. Chương này sẽ tập trung giải thích cách nhận biết các cơ hội huấn luyện, sau đó trình bày quy trình bốn bước để thực hiện tốt công tác huấn luyện.


Các cơ hội huấn luyện


Chương 3 đã trình bày cách nhận biết các thiếu sót trong hiệu suất làm việc. Những thiếu sót này thường có thể khắc phục thông qua việc huấn luyện hiệu quả. Nhưng huấn luyện không chỉ đơn giản là một công cụ để khắc phục vấn đề về hiệu suất làm việc, mà còn là một phương pháp thiết thực để đem lại cho cấp dưới những kỹ năng mới mà họ cần đến nếu đảm nhận những công việc có yêu cầu trách nhiệm cao hơn. Hãy xem ví dụ sau:


Trong quá trình làm việc, bạn nhận thấy Claudia có khả năng quản lý. Cô ấy học hỏi rất nhanh, hợp tác tốt với người khác và tận tâm với các mục tiêu của công ty. Bạn muốn cất nhắc cô ấy lên vị trí cao hơn và cô ấy cũng tỏ ra quan tâm đến việc thăng tiến, nhưng cô lại chưa thật sự sẵn sàng vì cô cảm thấy e ngại khi phải chạm trán những người khó tính và hay tranh cãi. Điểm yếu này đã kìm hãm động lực thăng tiến của Claudia. Cô có thể vượt qua rào cản này nếu được khuyên bảo và khuyến khích tận tình.


Bạn hãy tìm hiểu xem nhân viên của bạn có người nào rơi vào tình huống như Claudia không? Bạn có nhìn thấy cơ hội huấn luyện dành cho họ không? Bạn đã có những hành động gì để hỗ trợ cho họ? Hãy trả lời những câu hỏi này bằng cách lập một danh sách tất cả những nhân viên mà bạn hiện đang quản lý và những người sẽ hưởng lợi từ việc huấn luyện hiệu quả, như trong bảng 4-1. Sau đó, hãy xác định mức độ ưu tiên cho từng người trong danh sách này để nhận biết các cơ hội huấn luyện lớn nhất.


Có khả năng là mỗi nhân viên của bạn hưởng lợi từ việc huấn luyện theo những cách khác nhau (có thể là từ bạn hoặc từ một người có kỹ năng đặc biệt). Bạn có nhiều kiến thức và kinh nghiệm để chia sẻ với người khác, nhưng bạn không có đủ thời gian để làm điều đó vì vậy hãy xác định mục tiêu huấn luyện của bạn cho các tình huống cần thiết nhất - tức là những trường hợp mà bạn sẽ thu về lợi ích cao nhất tương xứng với thời gian và công sức mà bạn bỏ ra. Các cơ hội huấn luyện thường xuất hiện trong những tình huống sau:


* Một nhân viên mới vào làm việc cần sự chỉ dẫn rõ ràng


* Một nhân viên báo cáo trực tiếp hầu như đã sẵn sàng cho những trách nhiệm mới, chỉ cần có thêm sự hỗ trợ


* Một nhân viên có thể được cất nhắc lên cấp bậc cao hơn nếu được hướng dẫn trong một chừng mực nào đó


* Một nhà quản lý mới dưới sự bảo trợ của bạn vẫn tiếp tục cách hành xử như lúc còn là nhân viên


Bạn có những nhân viên cấp dưới như thế này không? Nếu có thì bạn hãy tiến hành công tác huấn luyện để tất cả mọi người cùng được hưởng lợi.


Nguồn: Kỹ năng thương lượng  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

  • Kỹ năng thương lượng (16): Thiết lập và kiểm tra giả thuyết của bạn
  • Kỹ năng thương lượng (17): Những yếu tố cơ bản trong công tác huấn luyện
  • Kỹ năng thương lượng (18): Thảo luận và thống nhất
  • Kỹ năng thương lượng (19): Huấn luyện chủ động
  • Kỹ năng thương lượng (20): Cho và nhận thông tin phản
  • Kỹ năng thương lượng (21): Theo dõi
  • Kỹ năng thương lượng (22): Để trở thành người huấn luyện hiệu quả
  • Kỹ năng thương lượng (23): Xây dựng bầu không khí thích hợp
  • Kỹ năng thương lượng (24): Tránh những sai lầm thường gặp
  • Kỹ năng thương lượng (25): Thách thức của việc huấn luyện nhóm
  • Kỹ năng thương lượng (26): Đánh giá chính thức về hiệu suất làm việc
  • Kỹ năng thương lượng (27): Quy trình tám bước để đánh giá năng lực hiệu quả
  • Kỹ năng thương lượng (28): Hai vấn đề cần tránh
  • Kỹ năng thương lượng (29): Phát triển nhân viên
  • Kỹ năng thương lượng (30): Triển khai kế hoạch