Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp cần tránh “hội chứng đám đông”

Kinh tế toàn cầu đang suy thoái trầm trọng và lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải coi trọng việc nghiên cứu thị trường để tránh “hội chứng đám đông” trong kinh doanh.

Ông Nguyễn Minh Dũng

 

Tham tán thương mại Việt Nam tại CHLB Đức, ông Nguyễn Minh Dũng trao đổi về hoạt động của các DN Đức tại Việt Nam và DN Việt Nam tại Đức.

Ông có nhận xét gì về xu hướng hợp tác đầu tư của DN Đức tại thị trường Việt Nam, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO mở cửa 100% trong lĩnh vực bán lẻ (ngày 1/1/2009)?

Tình hình hợp tác đầu tư của DN Đức tại Việt Nam phát triển tốt trong những năm gần đây và được hai nhà nước quan tâm xúc tiến ở mọi cấp độ cùng với xúc tiến quan hệ kinh tế - thương mại nói chung. Cho đến hết năm 2008, Đức có gần 120 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 600 triệu USD, đứng thứ 22 trong tổng số 84 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Kết quả này có thể nói là khiêm tốn so với tiềm năng của Đức và cũng phản ánh phong cách của các nhà đầu tư Đức: thận trọng và luôn chuẩn bị kỹ càng trước khi thực hiện.

Tập đoàn Metro Cash & Carry là một nhà đầu tư Đức thành công ở Việt Nam. Metro bán buôn là chính, nhưng cũng bán lẻ hàng thực phẩm và tiêu dùng, với 8 siêu thị đã mở tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM. Metro đã có sự chuẩn bị cả năm trước thời điểm 1/1/2009 để mở rộng hơn mạng lưới các siêu thị của mình tại Việt Nam. Ngoài Metro, hiện có 250 công ty của Đức đang hoạt động ở Việt Nam, phần lớn trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất và cung cấp dịch vụ.

Các DN do người Việt làm chủ tại CHLB Đức thì sao?

Đại đa số doanh nhân Việt Nam hoạt động tại thị trường Đức xuất phát từ những người sang lao động, học tập thời CHDC Đức (cũ) rồi ở lại làm ăn. Phần lớn các DN Việt Nam tại Đức hoạt động trong các ngành dịch vụ thương mại nội địa như khách sạn, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, các gian hàng trong những khu trung tâm thương mại của người Việt lập ra tại các thành phố lớn và dịch vụ phục vụ đời sống khác.

Cũng có một số ít DN Việt Nam tham gia sản xuất tại CHLB Đức. Một số không nhiều các DN đã vươn ra hoạt động thương mại quốc tế, trong đó tìm cách đầu tư về Việt Nam, nhưng họ còn thiếu hiểu biết một cách đầy đủ về luật pháp và môi trường đầu tư, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn trong thương mại chính quy và hầu như không có hoạt động nghiên cứu thị trường.

Để mở rộng hoạt động, theo ông, các DN Việt Nam tại Đức cần phải làm gì?

Các DN cần nâng cao hiểu biết về chuyên môn thương mại quốc tế chính quy để không bỡ ngỡ, thậm chí sơ hở khi ký các hợp đồng hoặc cam kết ngoại thương, có đủ kỹ năng đàm phán và ký các hợp đồng một cách bài bản, trong đó các điều khoản thương mại quốc tế được nêu một cách đầy đủ, rõ ràng và chặt chẽ (các quy định về hàng hoá, giá cả, thanh toán, bảo hiểm, giám định, khiếu nại đòi bồi thường, bất khả kháng, trọng tài).

Ngoài ra, cần coi trọng việc nghiên cứu thị trường (tự nghiên cứu hoặc thông qua tư vấn) để tránh “hội chứng đám đông” trong kinh doanh, dẫn đến phải cạnh tranh lẫn nhau, nhiều khi cạnh tranh không lành mạnh. Cộng đồng DN Việt Nam tại Đức cần có một tổ chức hội DN hoạt động rộng khắp nước Đức, với những gương mặt tiêu biểu tham gia ban lãnh đạo, nhiều chi hội ở các thành phố, để tăng cường sức mạnh, hỗ trợ các DN thành viên.

Hiện một số DN trong nước đề nghị hỗ trợ làm thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại CHLB Đức. Ông đánh giá gì về nhu cầu này, nhất là vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang bị suy thoái?


Đây là một dấu hiệu rất tốt, phản ánh thực tế là các DN Việt Nam ngày càng lớn mạnh, và đang tự mình mở rộng hoạt động tại nước khác. Nói chung khi kinh tế bị sa sút thì các DN thường co lại (giảm hoạt động, giảm nhân công), nhưng nhiều DN vẫn mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài để phát triển hoạt động.

Những DN này thường là những DN có tầm nhìn chiến lược và sức mạnh tài chính, nắm được nhu cầu và xu hướng của thị trường cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Bản chất của kinh doanh là đối mặt với rủi ro, tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ thị trường thì DN sẽ giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng giành thắng lợi.

Xin ông cho biết một vài con số về kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước.

CHLB Đức là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại EU. Xuất khẩu của Việt Nam vào Đức chiếm trung bình trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU (gồm 27 nước). Tổng kim ngạch trao đổi thương mại 2 chiều Việt Nam – Đức năm 2008 đã đạt gần 5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt 3,5 tỷ USD. Đặc biệt, kinh ngạch nhóm mặt hàng giày dép Việt Nam xuất sang Đức lần đầu tiên vượt qua con số 1 tỷ USD.

Năm 2010, Việt Nam và Đức sẽ kỷ niệm 35 năm thành lập quan hệ (từ ngày 23/9/1975). Hai bên đã quyết định lấy năm 2010 là năm quan hệ hai nước với nhiều sự kiện diễn ra tại Đức và Việt Nam, trong đó không thể thiếu hoạt động xúc tiến quan hệ kinh tế - thương mại

 

 

( Theo báo Đầu tư )

  • Phát triển thị trường nội địa: Trầy trật vì vướng VAT
  • Cam kết về mở cửa thị trường phân phối - Đã và đang bị phá vỡ?
  • Hiện trạng tiêu dùng Việt Nam: Đã xuất hiện những thay đổi
  • Phát triển dịch vụ phân phối thời suy thoái: Cờ đã đến tay
  • Hàng Thái đang đổ vào Việt Nam
  • Không phải là bi kịch
  • Nhà bán lẻ đua giảm giá
  • Mở rộng hệ thống bán lẻ để chiếm lĩnh thị trường trong nước
  • Mua bán trả góp: Thị trường còn bỏ ngỏ
  • Viễn cảnh ngành bán lẻ thời khủng hoảng
  • Tái chiếm thị trường nội địa: Không dễ
  • Doanh nghiệp cần tránh “hội chứng đám đông”
  • Mở cửa thị trường phân phối: Doanh nghiệp VN vẫn có chỗ "lách"
  • Sức mua đang giảm xuống
  • Sản phẩm điện máy: Giá sẽ giảm tiếp?