Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sản phẩm điện máy: Giá sẽ giảm tiếp?

Giá các mặt hàng điện tử sẽ giảm mạnh trong thời gian tới

Giá các mặt hàng điện tử sẽ giảm mạnh trong thời gian tới

Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ, theo đó hàng loạt các mặt hàng điện tử được giảm giá. Đây được coi là thời điểm doanh nghiệp nên… bắt tay với người tiêu dùng.

 

Chờ giảm nữa

 

Tại một số cửa hàng điện tử ở Hà Nội, hàng điện tử đã giảm giá nhiều nhưng khách vẫn có tâm lý chờ khi giảm thuế nhập khẩu để giá cả giảm sâu nữa. Bà Lê Thị Hòa - phụ trách bán hàng Công ty Điện tử Thái Hà cho hay: “Trong thời gian này hàng điện tử nhìn chung bán chậm, khách vào cửa hàng chủ yếu là để xem và tham khảo giá, chứ ít mua. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý người dân chờ đợi các mặt hàng điện tử sẽ tiếp tục giảm giá do thuế nhập khẩu giảm”. Theo bà Hòa, các doanh nghiệp bán hàng điện tử đều mong giảm thuế nhập khẩu để có được sản phẩm phong phú với giá cả dễ chịu hơn cho người tiêu dùng lựa chọn.

 

Được biết, các nhà sản xuất lớn là LG Electronic và Sharp đều có chung dự báo, giá ti vi sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là những loại TV LCD hay Plasma. Nguyên nhân của việc giảm giá bán TV cao cấp là do thuế nhập khẩu đã giảm rất nhiều, lượng cung nhiều mà cầu thấp và chi phí để sản xuất cũng giảm. Chi phí sản xuất TV Plasma và LCD giảm tới 30% so với năm ngoái và theo dự đoán trong năm tới sẽ còn giảm nhiều. Tuy nhiên, những loại TV giảm giá mạnh là loại có độ phân giải thấp (có thể giảm tới 30%). Còn những loại có độ phân giải cao, cấu hình cao và có nhiều tính năng vượt trội thì sẽ giảm ít hơn, từ 15-20%.
 

Cả người bán và người mua đều hưởng lợi
 

Lo ngại vì phải cạnh tranh hàng nhập khẩu nhưng các nhà sản xuất, lắp ráp điện tử trong nước cũng vui mừng vì việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện điện tử sẽ bù đắp lại phần nào. Cùng thời gian này, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ban hành một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Theo quyết định trên, thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/2/2009 đến hết ngày 31/12/2009 sẽ được giảm 50% đối với các mặt hàng... Có thể nói động thái này đã  tác động rất nhiều đến thị trường nói chung và các mặt hàng điện tử nói riêng.

 

Ông Ngô Thành Đạt - Phó Trưởng phòng kinh doanh Pico Plaza cho hay, năm 2008, thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, dẫn đến sức mua trong nước giảm mạnh. Nhưng Pico vẫn kinh doanh khá tốt, nhờ theo đuổi mô hình kinh doanh quy mô lớn. Doanh nghiệp này lựa chọn giải pháp chấp nhận mạo hiểm: không những không cắt giảm chi phí mà còn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ. Ngoài ra, nhờ được sự hỗ trợ tích cực từ các hãng sản xuất lớn nên Pico đã tiến hành khuyến mại ở hầu hết các sản phẩm. Kết quả là khả quan: lợi nhuận năm 2008 của doanh nghiệp tăng hơn 2 lần so với năm 2007 (khoảng 1.500 tỷ đồng). Ông Đạt nhận định, sau thời điểm mở cửa, thị trường bán lẻ trong nước sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Các cửa hàng, siêu thị hay doanh nghiệp điện máy kinh doanh nhỏ sẽ rất khó tồn tại. Song ngược lại, các doanh nghiệp lớn lại có nhiều cơ hội hơn.
 
 

Tận dụng lợi thế

Trong lĩnh vực phân phối, các doanh nghiệp đầu tàu của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có lợi thế vì đã quen thuộc tập quán của người tiêu dùng trong nước và có địa bàn. Vấn đề doanh nghiệp tận dụng lợi thế đó như thế nào. Điều quan trọng nữa là nếu như doanh nghiệp phân phối nước ngoài vào mang theo nhiều sản phẩm từ các nước khác nhau thì doanh nghiệp trong nước cần tập trung khai thác các sản phẩm đang là thế mạnh trong nước. Đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
 

Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có sự hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Trước hết phải tập chung vào các doanh nghiệp điển hình để tạo sự bứt phá thành các đầu tàu. Mặt khác cần có một quy hoạch tổng thể cho ngành phân phối, tránh đầu tư chồng chéo gây lãng phí. Không những không phát huy được nội lực mà còn triệt tiêu lẫn nhau. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp phân phối Việt Nam là mặt bằng - một yếu tố tiên quyết để thành công trong lĩnh vực này.


Tuy vậy, tôi cũng khẳng định rằng, trong thời gian ngắn các doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam chưa gặp khó khăn do phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Điều mà các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị ứng phó đó chính là những nguyên nhân nội tại từ doanh nghiệp và yếu tố khách quan của thị trường.


Giá sẽ còn giảm

Có 3 yếu tố sau đây làm giảm giá của sản phẩm điện máy - công nghệ thông tin (IT), bất chấp việc từ 1/2/2009, thuế giá trị gia tăng đối với dòng sản phẩm này là 10% thay vì 5% như trước. Thứ nhất là thuế nhập khẩu giảm. Theo lộ trình cắt giảm các dòng thuế của Việt Nam khi gia nhập WTO cũng như lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định Thương mại tự do khu vực ASEAN (CEPT-AFTA) thì thuế nhập khẩu các mặt hàng điện máy, IT lại được giảm từ mức trung bình 8% xuống còn 6% trong năm 2009.


Thứ hai, các sản phẩm thuộc ngành hàng này luôn có xu hướng giảm giá. do các công nghệ mới ra đời liên tục với những cải tiến mới về chất lượng, mẫu mã nên các sản phẩm ra trước luôn có xu hướng giảm giá. Hiện nay, tốc độ giảm giá của các sản phẩm IT còn nhanh hơn trước do sự sáng tạo, cải tiến và tốc độ phát triển công nghệ nhanh ở mức chóng mặt.


Thứ ba là xu hướng giảm giá do cạnh tranh giữa các nhà phân phối và bán lẻ. Rõ ràng năm 2009 được đánh giá là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy, các nhà phân phối và bán lẻ sẽ tìm mọi cách nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình nhằm cắt giảm chi phí dẫn đến việc giảm giá thành, tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm kích thích tiêu dùng. Theo tôi, với 3 nhân tố trên có thể thấy rằng các sản phẩm điện máy, IT sẽ thậm chí còn giảm giá. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • Phát triển thị trường nội địa: Trầy trật vì vướng VAT
  • Cam kết về mở cửa thị trường phân phối - Đã và đang bị phá vỡ?
  • Hiện trạng tiêu dùng Việt Nam: Đã xuất hiện những thay đổi
  • Phát triển dịch vụ phân phối thời suy thoái: Cờ đã đến tay
  • Hàng Thái đang đổ vào Việt Nam
  • Không phải là bi kịch
  • Nhà bán lẻ đua giảm giá
  • Mở rộng hệ thống bán lẻ để chiếm lĩnh thị trường trong nước
  • Mua bán trả góp: Thị trường còn bỏ ngỏ
  • Viễn cảnh ngành bán lẻ thời khủng hoảng
  • Tái chiếm thị trường nội địa: Không dễ
  • Doanh nghiệp cần tránh “hội chứng đám đông”
  • Mở cửa thị trường phân phối: Doanh nghiệp VN vẫn có chỗ "lách"
  • Sức mua đang giảm xuống
  • Sản phẩm điện máy: Giá sẽ giảm tiếp?