Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Dường như chúng ta đã quá quen với cụm từ “sức hút từ thị trường bán lẻ của Việt Nam” mà bỏ qua thực tế, thị trường này đang tụt dốc.
Mặc dù có một số kết quả xếp hạng, đánh giá thị trường bán lẻ (TTBL) của Việt Nam là thị trường mới nổi, hấp dẫn nhất của thế giới (như hãng Atkearney, năm 2008 có đánh giá TTBL Việt Nam đã vượt cả Ấn Độ, Nga, Trung Quốc trở thành TTBL hấp dẫn nhất thế giới. Trước đó, năm 2004, Việt Nam chỉ xếp thứ 7) nhưng nếu xem xét trên một loạt số liệu thống kê đầy đủ, thực sự, TTBL có thể coi vẫn là kém phát triển và liên tục có những biến động bất thường.
Tuy nhanh mà thành chậm
Sự phát triển của TTBL Việt Nam chỉ có thể gọi là nhanh nếu xét về mặt tốc độ. Theo số liệu của tổng cục Thống kê, nếu như mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2001 là 11,3% và năm 2005 là 20,53% (bình quân tăng 16,86%/năm), cao gấp 2,25 lần tốc độ tăng GDP, thì năm 2008 tăng kỷ lục 31%, cao gấp 4,71 lần tốc độ tăng GDP (bình quân 3 năm 2006 - 2008 tăng 26,32%/năm, cao gấp 3,46 lần tốc độ tăng GDP).
Tuy nhiên, nếu xét về qui mô, vai trò thúc đẩy nền kinh tế chung thì đóng góp của TTBL không thể bằng xuất khẩu. Thậm chí, có thể khẳng định là vai trò đóng góp tăng trưởng GDP của TTBL có xu hướng giảm sút nhanh so với xuất khẩu. Cho dù tốc độ tăng có chậm lại so với tốc độ tăng của TTBL (bình quân 5 năm 2001 - 2008 tăng 17,55%/năm và 3 năm 2006 - 2008 tăng 24,57%/năm), nhưng kim ngạch xuất khẩu (chưa tính giá trị dịch vụ) đã lớn hơn cả tổng giá trị hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thị trường nội địa. Năm 2003, với 333,800 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 21,654 tỷ USD, TTBL có qui mô lớn hơn một ít so với tổng kim ngạch xuất khẩu (gần 20,18 tỷ USD). Đến năm 2004, TTBL cũng chỉ đạt 25,269 tỷ USD dù tốc độ tăng là trên 19,3%, nhưng tổng giá trị TTBL đã nhỏ hơn 1,23 tỷ USD và gần 4,7% so với xuất khẩu (trên 26,5 tỷ USD). Xu hướng này càng rõ hơn trong năm 2008: TTBL đạt mức tăng kỷ lục 31%, nhưng đã nhỏ hơn xuất khẩu gần 5 tỷ USD và 7,86% (57,76 tỷ USD so với 62,68 tỷ USD).
Một kết luận khác có thể đưa ra là, TTBL nội địa tuy có phát triển nhanh nhưng lại rất thất thường. Tốc độ tăng TTBL rất cao những năm đầu của thập kỷ 90 rồi liên tục giảm mạnh, đạt mức thấp nhất là 8,26% vào năm 1999. Từ năm 1999 lại tăng liên tục đạt mức tăng cao nhất vào năm 2008. Thời kỳ suy giảm có thể lý giải là do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, do tốc độ tăng trưởng kinh tế một số năm giảm nhanh. Còn quá trình gia tăng mạnh từ năm 1999 đến nay có lẽ không chỉ do tăng trưởng GDP mà lại do tác động rất lớn của tốc độ tăng giá tiêu dùng. Đáng chú ý nhất là năm 2008, tốc độ tăng TTBL đạt tới 31% trong khi GDP bị giảm sút mạnh. Yếu tố giá cả rõ ràng có tác động lớn đến tốc độ tăng TTBL. Năm 2007, nếu tính đến khoảng tháng 6, tốc độ tăng của TTBL chưa loại trừ yếu tố tăng giá là 22,9%, còn nếu loại trừ thì chỉ còn 15%. Năm 2008, tốc dộ tăng TTBL cả năm nếu trừ đi yếu tố tăng giá thì chỉ còn 6,5%. Như vậy, tốc độ tăng TTBL nếu xét về danh nghĩa là cao nhưng nếu tính về giá trị thực tế lại rất thấp. Thực tế là TTBL đã giảm sút rất nhanh từ năm 2007 đến nay. Các con số thống kê đã nói lên rằng, để mua một số lượng hàng hóa hạn chế thì người tiêu dùng đã phải trả thêm rất nhiều tiền chứ không phải TTBL đã phát triển quá ấn tượng.
Một điểm nữa có thể rút ra từ các số liệu thống kê chính thức là thị trường nội địa phát triển rất không đồng đều. Các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực đô thị, nhất là ở một số đô thị lớn. Cho nên, thu nhập và sức mua của dân cư ở khu vực này tăng nhanh, trong khi thu nhập và sức mua của dân cư khu vực nông thôn hiện vẫn còn chiếm trên 72% dân số cả nước chỉ tăng rất chậm.
Củng cố bằng hệ thống chính sách
Cho dù nói như vậy, thị trường nội địa thực sự vẫn có một tiềm năng phát triển lớn. Cho dù kinh tế có suy giảm nhưng nhìn về trung và dài hạn thì Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng kinh tế và đặc biệt thu nhập của người dân vẫn đang được tăng lên (Việt Nam vừa được xếp vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình) nên nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của thị trường nội địa còn rất lớn.
Một điểm nữa là dân số Việt Nam còn tiếp tục tăng nhanh. Theo dự báo của Liên hiệp quốc sẽ đạt mức 110 triệu dân vào năm 2035, và 2/3 dân số ở độ tuổi lao động, có thu nhập nên nhu cầu tiêu dùng lớn.
Thêm vào đó, quá trình mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn đang thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài, nhất là sự có mặt của các hãng phân phối, kinh doanh bán lẻ lớn... cũng tác động làm TTBL tăng nhanh.
Do đó, yêu cầu xây dựng một hệ thống chính sách để TTBL nội địa phát triển một cách bền vững là rất cấp thiết, để cùng với quá trình tiếp tục thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung thì sự lớn mạnh để tham gia, chiếm lĩnh, phát triển TTBL của các doanh nghiệp trong nước là rất quan trọng. Vì vậy, những năm tới Nhà nước không nên chỉ tập trung sử dụng công cụ quản lý để điều chỉnh các hoạt động lưu thông hàng hóa, hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh... mà phải chú ý cơ cấu lại các ngành sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ trong nước; bỏ cung cách điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính, thay vào đó là thúc đẩy, xây dựng một thị trường cạnh tranh hiệu quả giữa các chủ thể kinh doanh, chống độc quyền; nhanh chóng tăng cường các nguồn lực dự trữ quốc gia để can thiệp, ổn định thị trường khi có đột biến.
(Theo Mạnh Quân // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com