Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm đến vốn vay USD

Từ ngày 18/9, VietA Bank tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND bình quân từ 0,2% đến 0,3%/năm, chủ yếu cho các mức gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng vẫn giữ 8,4%/năm; 3 tháng là 8,8%/năm; 6 tháng lên 9%/năm…; 36 tháng là 9,6%/năm.Vay ngoại tệ vì lãi suất VND tăng

Trước đó, MB cũng tăng lãi suất tiết kiệm VND đối với kỳ hạn 12 tháng với mức tăng là 0,05%/năm, đạt 8,70%/năm. Trong ngày 14/9 vừa qua, VietBank đã điều chỉnh tăng thêm lãi suất tiền đồng, với mức tăng 0,15% - 1%/năm dành cho các kỳ hạn ngắn từ 1 tuần đến 12 tháng và tăng 0,1 - 0,25 %/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng. Xu hướng lãi suất tiền gửi VND tiếp tục tăng lên, nhất là ở các kỳ hạn ngắn ngày.

Chính xu hướng lãi suất huy động tiền đồng đang tăng dần, cộng với thời hạn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn bằng VND sắp kết thúc (ngày 31/12/2009) đã gây áp lực lên tâm lý của các nhà doanh nghiệp (DN) và lo ngại khả năng lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh tăng trở lại, dẫn đến chi phí vốn vay tăng. Vì vậy, các DN xuất khẩu bắt đầu tính đến việc bán ra ngoại tệ lấy tiền đồng trả nợ ngân hàng, tránh áp lực lãi vay tăng.

Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB, nhu cầu vay vốn ngoại tệ của DN đang gia tăng mạnh trở lại. Trong những ngày cuối tháng 8 và nhất là 3 tuần đầu của tháng 9/2009, dư nợ ngoại tệ tại các ngân hàng được cải thiện đáng kể. Theo bà Văn Thái Bảo Nhi, Giám đốc Khối khách hàng DN - Ngân hàng Eximbank, với sản phẩm cho vay "Tài trợ nhập khẩu cố định tỷ giá" - như một hình thức bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho khách hàng đã thu hút được nhiều DN vay vốn bằng ngoại tệ.

Nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ của DN tăng chính do lãi suất tiền đồng đang tăng lên thôi thúc DN chuyển hướng. Mặt khác, ông Đỗ Minh Toàn nhận định, nếu so sánh lãi vay tiền đồng 10%/năm, trong khi vay ngoại tệ hiện chỉ trả 4,5 - 5,5%/năm thì rõ ràng, áp lực lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn. Đặc biệt là những DN xuất - nhập khẩu, bởi họ tính toán thời gian được nhận hỗ trợ lãi suất còn lại là rất ít. Do đó, nếu vay ngoại tệ trong ngắn hạn sẽ có lợi hơn. Còn về dài hạn, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay là vay ngoại tệ phải có nguồn thu ngoại tệ.

… nhưng khó tránh rủi ro
Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, việc vay ngoại tệ trong lúc này cũng có những quan ngại và chỉ với DN có mặt hàng xuất khẩu mới vay USD. Đồng thời, với các ngân hàng, cho vay ngoại tệ lúc này cũng chỉ muốn cho vay ngắn hạn, vì như thế có thể kiểm soát được rủi ro biến động tỷ giá. Thực tế, tín dụng bằng ngoại tệ hiện nay chỉ phục vụ cho DN xuất khẩu có hàng hóa làm bằng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Khối kinh doanh vốn và ngoại tệ HSBC Việt Nam cho biết, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường hiện phần nào đã được cải thiện so với trước. Một phần, do Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cung ứng thanh khoản ngoại tệ cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu. Bên cạnh đó, lãi suất VND được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên nhanh trong thời gian gần đây buộc DN phải quay trở lại vay ngoại tệ. Thực tế, với DN xuất khẩu vốn vay chủ yếu bằng VND, nên khi chi phí tiền đồng tăng lên họ phải tính toán lại bài toán có nên giữ ngoại tệ để kỳ vọng tỷ giá tăng hay phải bán USD.

Chính dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng đã thôi thúc ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD. Trong đợt tăng lãi ngày 18/9, VietA Bank cũng điều chỉnh tăng lãi suất ngoại tệ trung bình 0,2 - 0,3%/năm cho các kỳ hạn gửi, lĩnh lãi cuối kỳ. Mức cao nhất là ở kỳ hạn 36 tháng đạt 3,3%/năm. VietBank cũng tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với tất cả các kỳ hạn.

Theo đó, kỳ hạn 3 tháng là 2,50%/năm, 6 tháng là 2,75%/năm, 9 tháng là 2,80%/năm, 12 tháng là 2,90%/năm, 24 tháng là 3,20%/năm, đặc biệt kỳ hạn 36 tháng lên tới 3,50%năm. Lãi suất huy động USD được điều chỉnh tăng 0,05 - 0,80%/năm.

Đối với lãi suất tiết kiệm USD, MB áp dụng mức lãi suất tăng từ 0,2%/năm đến 0,7%/năm ở tất cả các kỳ hạn từ không kỳ hạn đến 24 tháng. Mức lãi suất cao nhất áp dụng cho đồng USD hiện nay là 2,80%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Hiện Habubank là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ cao nhất trên thị trường, với 4,15%/năm.

Thế nhưng, theo đánh giá của ông Hải, vay ngoại tệ là một bài toán mà DN nên thận trọng. "Mặc dù thị trường đã ổn định hơn, nhưng không thể chắc chắn tương lai sẽ ổn định. Như vậy, cách quản lý tốt nhất là DN phải tự biết đánh giá rủi ro, xem số lượng ngoại tệ cần mua bán, chiến lược quản lý rủi ro như thế nào, cộng thêm tư vấn của phía ngânhàng. Ngay cả khi các DN không sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá, cũng nên phân tích và lượng hóa rủi ro của mình", ông nói và cho biết, tốt nhất DN phải luôn cẩn trọng đối với việc vay ngoại tệ và cân nhắc kỹ về rủi ro tỷ giá.

Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận định, chính yếu tố tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng, nên người có ngoại tệ muốn găm giữ lại. Đồng thời, với cơ chế hỗ trợ lãi suất chỉ hỗ trợ cho người vay VND, do đó người nhận hỗ trợ thấy vay tiền đồng có lợi hơn nên chỉ chọn vay VND, sau đó tìm cách USD để tránh được rủi ro về tỷ giá. Song gần đây, nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của DN có dấu hiệu tăng trở lại, vì Chính phủ cam kết ổn định thị trường ngoại tệ nên vay USD cũng không quá lo ngại về rủi ro biến động tỷ giá.

Tuy nhiên, dư nợ ngoại tệ có tiếp tục tăng lên hay không còn phụ thuộc vào diễn biến của tỷ giá, chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng - ngoại tệ, nhưng chắc chắn, DN sẽ không đổ dồn vào vay ngoại tệ, bởi nếu nhìn dài hạn, nắm giữ và vay tiền đồng vẫn có lợi hơn USD.

(Theo Thùy Vinh // Báo đầu tư )

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Dồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • TPHCM: Cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 80.000 tỉ đồng
  • Có cần gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn thứ hai?
  • Ra mắt sản phẩm Bảo hiểm y tế toàn cầu
  • Lần đầu tiên có bảo hiểm với mức trách nhiệm tới 8 triệu USD
  • "Nóng" lãi suất ngoại tệ
  • Khai thác tốt vốn vay để khắc phục khủng hoảng
  • Ngân hàng tăng "lo"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!