Chính phủ đang lấy ý kiến cho gói kích cầu thứ hai để hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn chấm dứt vào cuối năm nay. Ảnh: Lê Toàn |
Chính phủ đang lấy ý kiến cho gói kích cầu thứ 2 dự kiến sẽ được đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi sau khi gói hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Có nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia xung quanh vấn đề này, tuy nhiên mong muốn chung là làm thế nào để việc hỗ trợ của Chính phủ đến đúng nơi cần hỗ trợ.
Giám sát gói kích cầu
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TPHCM, trong buổi tọa đàm do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức mới đây đã cho rằng hiện nay vẫn chưa có một kết luận rõ ràng nào về hiệu quả của gói kích cầu, chỉ thấy người được hưởng lợi rõ nhất đó là các ngân hàng. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế, vì thế đứng trên tổng thể quyền lợi quốc gia thì gói kích cầu thứ nhất đang thực hiện theo ông vẫn là rất tốt.
Về vấn đề có thực hiện gói kích cầu thứ hai hay không, ông Dương cho biết kích cầu là việc cần làm, ngay cả khi không khủng hoảng, nhưng làm thế nào, cách thức, liều lượng ra sao là điều cần bàn. “Quan trọng nhất là kiểm soát việc thực hiện gói kích cầu. Nếu Chính phủ có biện pháp kiểm soát được dòng tiền hỗ trợ này thì gói hỗ trợ lãi suất thứ hai là có thể thực hiện”, ông Dương nói.
Trong cuộc hội thảo về các chính sách tiền tệ thời hậu khủng hoảng do Ngân hàng Nhà nước chủ trì vào cuối tháng 8, rất nhiều diễn giả tham dự cũng đã đề nghị với Ngân hàng Nhà nước là nên có một cuộc điều tra về hiệu quả thực sự của gói kích cầu thứ nhất, để có cơ sở quyết định có hay không và triển khai như thế nào đối với gói kích cầu thứ hai.
Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, trong buổi hội thảo trên đã cho biết gói hỗ trợ lãi suất vừa rồi ít nhiều đã tạo ra hiện tượng các doanh nghiệp khai thác kẽ hở để có thể vay vốn với giá rẻ. Điều này có thể làm gia tăng nợ khó đòi và an toàn của hệ thống ngân hàng. Ông Phong cũng đề nghị nên có một cuộc điều tra về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đã vay vốn kích cầu để phần nào đánh giá được hiệu quả của việc cho vay hỗ trợ lãi suất.
Đứng ở góc độ ngân hàng, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng chưa bao giờ các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay như cho vay hỗ trợ lãi suất hiện nay. Hiện mỗi ngân hàng đều phải lập một đoàn giám sát các khoản vay hỗ trợ lãi suất và thanh tra Ngân hàng Nhà nước thì thường xuyên thanh tra việc thực hiện này. "Nếu ngân hàng nới lỏng việc cho vay khiến nợ quá hạn tăng lên, hơn 5% tổng dư nợ, lập tức sẽ bị kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước", ông nói. Trong khi đó, việc giám sát hiệu quả của các công trình đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước; giám sát các công ty, tập đoàn nhà nước trong việc sử dụng vốn vẫn chưa được quan tâm nhiều, vị phó tổng giám đốc trên nói.
Kích vào đâu và kích thế nào?
Có khá nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia đó là nên tiếp tục có một gói hỗ trợ lãi suất thứ hai sau khi gói hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động chấm dứt vào cuối năm nay. Việc hỗ trợ lãi suất sắp tới không nhất thiết phải là 4% mà có thể thấp hơn và đối tượng thụ hưởng được thu hẹp lại.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, không cần thiết phải có thêm một gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn mà điều cần thiết là tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ lãi suất trung dài hạn để giúp doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ hơn để tái cơ cấu hoạt động của mình. Hiện vốn giải ngân cho gói hỗ trợ này rất thấp mà theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc hỗ trợ vốn trung dài hạn chỉ được thực hiện cho các khoản vay giải ngân trong năm 2009.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương thì cho rằng nơi cần được sự hỗ trợ từ gói kích cầu đó là khu vực nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Cách thực hiện thì có nhiều cách như tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng hoặc chỉ cần hỗ trợ xây nhà cho công nhân, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp…
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong buổi tiếp xúc báo chí nhân hội nghị khách hàng của Ngân hàng ACB tuần trước, cho biết ông ủng hộ việc nên có gói kích cầu thứ hai và đã cùng các thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia kiến nghị Thủ tướng nên có một gói hỗ trợ đệm để cho doanh nghiệp có thể phục hồi một cách bền vững.
Ông nói Chính phủ đang cân nhắc và giao cho các cơ quan chức năng thiết kế gói hỗ trợ bổ sung để từ 2010 sẽ áp dụng sao cho đà phục hồi bền vững hơn, nhưng về cụ thể thì vẫn đang thảo luận. Ông cũng cho biết đã có cuộc họp với doanh nghiệp và ngân hàng TPHCM, trong đó nhiều ý kiến cho rằng gói thứ hai nên cân nhắc chọn lọc hơn gói thứ nhất về đối tượng, phạm vi, thời hạn và mức độ, từ đó sẽ đưa vào đề xuất để Chính phủ cân nhắc trong kỳ họp tháng 9 này.
Tuy nhiên, việc tiếp tục các gói kích cầu có thể sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách trong thời gian tới, theo nhận định của ông Robert Prior-Wandesforde, chuyên gia kinh tế phụ trách vùng châu Á của HSBC, khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Onlinetrong lần đến Việt Nam mới đây.
(Theo T.Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com