Ngân hàng trong nước sẽ đối diện với cạnh tranh từ ngân hàng nước ngoài và nguy cơ pha loãng cổ phiếu |
Việc NHNN yêu cầu các NHTM hạn chế cho vay đã hiện thực hóa yêu cầu giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2009 chỉ ở trong khoảng 25 - 27%. Cho dù kết quả kinh doanh quý 2/2009 được các ngân hàng công bố khá tốt nhưng việc áp dụng hạn mức tín dụng như trên sẽ phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của ngành ngân hàng.
Về mặt nào đó, quyết định trên của NHNN có thể phần nào giúp các NHTM hạn chế việc cho vay dưới chuẩn trong bối cảnh kinh tế chung chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn như hiện nay, đồng thời, ngăn ngừa lạm phát tăng cao trở lại. Tuy nhiên, dưới góc độ nhà đầu tư, động thái này cũng gây ra không ít quan ngại về kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nửa cuối năm 2009.
Lợi nhuận từ tín dụng giảm
Nếu như trong hai tháng đầu năm 2009 hoạt động tín dụng gần như đóng băng từ cả phía ngân hàng lẫn người đi vay khi cầm chừng ở mức tăng trưởng ở mức dư nợ cho vay chỉ ở khoảng 0,5% so với thời điểm đầu năm. Bắt đầu từ tháng 3, đặc biệt là trong quý 2/2009, khi Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kích cầu, so với cuối năm 2008, dư nợ cho vay đã bắt đầu tăng tốc từ mốc 2,6% lên mốc 14,9% vào cuối tháng 5. Tính trung bình, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tăng nhanh chóng, đều đạt mức tăng trưởng trên 4% từ tháng 3. Mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (tăng 17,7%) nhưng xét trong bối cảnh kinh tế suy thoái, mức tăng trưởng này là một dấu hiệu tốt. "Chúng tôi cho rằng với mức tăng hiện nay, dư nợ toàn hệ thống có khả năng tăng vượt mục tiêu tăng trưởng 25% của NHNN" - Bà Ngô Bích Vân - Chuyên viên phân tích Cty Chứng khoán Kim Eng nhận định.
Chính sức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thật sự phục hồi đã đặt ra những quan ngại về khả năng bùng nổ tin dụng và rủi ro nợ xấu. Tuy tính đến cuối tháng 5, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống vẫn thấp hơn 5% mức cho phép của NHNN khi dừng ở con số 3,85% trên tổng dư nợ toàn hệ thống. Nhưng, con số này đã cao hơn thời điểm cuối năm 2008 đến 30%.
Hướng chính trong quyết định thắt chặt tín dụng của NHNN trong thời điểm này chính là hai "mũi nhọn" tăng trưởng trong thời gian qua là Bất động sản và Cho vay đầu tư chứng khoán. Trong 6 tháng đầu năm 2009, hoạt động cho vay bất động sản tăng 10,5%, trong khi đó cho vay đầu tư chứng khoán tăng 28%, vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 17% so với cuối 2008. Bên cạnh đó, mới đây, các ngân hàng cũng đã bắt đầu siết chặt cho vay tiêu dùng. Việc hạn chế các lĩnh vực tín dụng vốn có mức lãi suất cho vay cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Trong khi đó, số liệu từ Kim Eng cho biết, trong những tháng đầu năm 2009, huy động vốn tại các ngân hàng tăng nhanh nhưng vẫn chậm hơn so với hoạt động cho vay. Luồng tiền chuyển dần sang các kênh đầu tư hấp dẫn khác như thị trường vốn và bất động sản thay vì gửi tiết kiệm. Để cạnh tranh với hai thị trường trên, nhiều ngân hàng buộc phải nâng lãi suất huy động từ 6,9% trong tháng 1 lên 8,8% trong tháng 5, thậm chí trên 10,0% trong hai tuần cuối tháng 6. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại có xu hướng giảm nhẹ, làm cho tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động cho vay của các ngân hàng có nguy cơ giảm sút. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của nhóm NHTM NN đang phổ biến từ 8,5 - 10%/năm, trung và dài hạn 10 - 10,5%/năm. Lãi suất cho vay của VND của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đang ở mức từ 10 -10,5%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến từ 12 - 16,5%/năm.
Áp lực cạnh tranh
Theo Kim Eng, cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại VN sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn. Tính đến thời điểm hiện nay, năm ngân hàng nước ngoài được cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại VN theo cam kết gia nhập WTO. Lần đầu tiên, các ngân hàng nước ngoài với tổng tài sản chiếm gần 10% tổng tài sản của cả hệ thống, có thể cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng trong nước. Việc xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài làm tăng áp lực cạnh tranh đối với ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, thách thức này sẽ diễn ra trong tương lai xa hơn là trong vòng 3-5 năm sắp tới.
Sự cạnh tranh trong nội bộ ngân hàng Việt cũng hiện hữu hơn bao giờ hết khi khả năng hợp nhất hoặc giài thể các ngân hàng nếu không tăng đủ số vốn an toàn tối thiểu. Động thái trên có thể dẫn đến việc hợp nhất hoặc giải thể đối với những ngân hàng không đủ năng lực cạnh tranh. Cuối năm 2008, 9 ngân hàng nhỏ đã phải đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động do vốn điều lệ thấp hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng này sau đó đã kịp tăng vốn điều lệ lên vừa mức quy định để tiếp tục hoạt động. Trong năm nay sẽ có khoảng 21 ngân hàng với mức vốn thấp hơn 2.000 tỷ đồng buộc phải gấp rút tăng vốn để đạt được mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Nhiều khả năng, các cổ đông của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng của "sự pha loãng" trong thời gian tới khi mà hơn 50% ngân hàng buộc phải nâng mức vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo điều kiện hoạt động an toàn. Ngay cả những ngân hàng quốc doanh với vốn điều lệ cao hơn hẳn yêu cầu cũng phải tăng vốn nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn 8% vào năm 2010".
(Theo Phạm Lan // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com