Ngày 21/7/2014, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - là ngân hàng đầu mối thực hiện dự án Tài chính nông thôn III (TCNT III) - đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết thúc Dự án nhằm tổng kết các thành tựu cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bà Victoria Kwakwa cùng đại diện các bộ ngành liên quan và 30 định chế tài chính tham gia.
Dự án TCNT do WB tài trợ cho Việt Nam, lần đầu từ năm 1996. Đánh giá Việt Nam là quốc gia triển khai thành công nhất mô hình Dự án TCNT trên thế giới. Trước khi Dự án TCNT II kết thúc, WB đã quyết định để Việt Nam tiếp tục triển khai Dự án TCNT III "Đây là một tiền lệ chưa từng xảy ra đối với các dự án của WB", một quan chức của WB nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Dự án TCNT II trước đây.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại lễ tổng kết
Dự án TCNT III nằm trong chuỗi 3 dự án TCNT có tổng trị giá 548 triệu USD, trong đó riêng Dự án TCNT III là 200 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, NHNN là Cơ quan chủ quản và BIDV là ngân hàng đầu mối bán buôn. Nguồn vốn của dự án nhằm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam như Xây dựng nông thôn Mới, Xóa đói Giảm nghèo, và hỗ trợ thực hiện các Chương trình có mục tiêu tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người nghèo, đặc biệt là người nghèo nông thôn. Dự án cũng góp phần thực hiện Đề án cơ cấu lại Hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ
Dự án TCNT III được triển khai từ năm 2009 theo mô hình “Ngân hàng bán buôn”, thông qua một ngân hàng thương mại làm đầu mối là BIDV, và do NHNN làm cơ quan chủ quản, với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của 30 định chế tài chính là 21 ngân hàng thương mại và 9 Quỹ tín dụng Nhân dân.
Thành công quan trọng nhất của dự án là việc đạt được toàn bộ các mục tiêu phát triển đã thống nhất được giữa Chính phủ Việt Nam và WB.
Tính đến ngày 31/12/2013, toàn bộ khoản tín dụng 200 triệu USD của WB đã được giải ngân hoàn toàn, góp phần tăng cung ứng nguồn vốn trung, dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế nồng thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông thôn, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, hỗ trợ đắc lực chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam.
Cơ quan thực hiện tặng quà cho những cá nhân đóng góp trực tiếp vào thành công của Dự án
Qua 5 năm triển khai Dự án, cùng với nguồn vốn bổ sung từ các định chế tài chính và đóng góp của người vay cuối khi tham gia dự án, nguồn vốn dự án đã tạo ra tổng mức đầu tư tại khu vực nông thôn lên đến 487 triệu USD (tương đương 9.800 tỷ đồng), trong đó khoảng 90% là đầu tư trung và dài hạn. Như vậy, ước tính mỗi đồng vốn vay từ WB đã tạo ra 2,62 đồng đầu tư vào nền kinh tế nông thôn. Hơn 135.000 người dân và doanh nghiệp khu vực nông thôn, trong đó có hơn 70.000 hộ gia đình nghèo đã tiếp cận được với nguồn vốn của dự án. Dự án TCNT III đã tạo ra trên 140.000 việc làm mới ở khu vực nông thôn. Bình quân khoảng 65 triệu đồng đầu tư tạo ra 1 việc làm mới cho thấy nguồn vốn dự án được đầu tư vào phân khúc thị trường có hệ số tạo việc làm cao.
Với thiết kế mở rộng hơn về thành phần tham gia ngoài các ngân hàng thương mại còn có các Quỹ Tín dụng Nhân dân cơ sở. Qua đó nâng cao một bước khả năng tiếp cận vốn của đông đảo tầng lớp nông dân tại các vùng xa xôi hẻo lánh, đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đỡ cho nhiều người vay là nữ giới thoát nghèo bền vững.
Trong khuôn khổ của Dự án TCNT III, trên 500 khóa đào tạo với gần 17.700 lượt cán bộ định chế tài chính, 09 gói thầu tư vấn quốc tế lớn góp phần quan trọng giúp các bên tham gia tăng cường năng lực, hoạt động hiệu quả; Hỗ trợ cho Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN tăng cường chức năng giám sát các tổ chức tài chính qui mô nhỏ.
Tỷ lệ nợ quá hạn trung bình từ người vay cuối cùng đến các ngân hàng tham gia giải ngân ở mức rất thấp, chỉ 0,40%. Đặc biệt, 51% khoản vay nhỏ của Dự án đã cấp cho người vay là phụ nữ.
Bên cạnh đó, yếu tố phát triển bền vững đặc biệt được chú trọng gắn kết chặt chẽ các qui định về bảo vệ môi trường với các hoạt động cho vay qui mô nhỏ ở khu vực nông thôn đã góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một bước tiến mới trong hoạt động cho vay tín dụng ở khu vực nông thôn mà các ngân hàng có thể mở rộng áp dụng cho những khoản vay thông thường khác.
Phát biểu tại hội nghị, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói: “Những gì mà chúng tôi nhìn thấy ở dự án này là các PFI đã đóng góp nguồn lực của chính họ vào dự án cũng như họ phải quản lý dự án và điều này làm tăng thêm công việc cho họ và đảm bảo với họ rằng: đây là những hoạt động kinh doanh sinh lợi và có ý nghĩa, vì vậy họ có thể làm tốt công việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và thu được lợi nhuận và họ có thể làm hết sức thông minh và phù hợp chiến lược kinh doanh của họ”.
Chuỗi dự án TCNT gồm 03 Dự án TCNT I, II và III lần đầu được triển khai tại Việt Nam từ năm 1996, tính đến nay đã thu hút 37 định chế tài chính là 28 ngân hàng thương mại (chiếm gần 70% tổng số ngân hàng thương mại tại Việt Nam) và 9 Quỹ Tín dụng Nhân dân giải ngân. Với tổng nguồn vốn 548 triệu USD của các dự án đã tạo ra tổng mức đầu tư ở khu vực nông thông lên đến 2,1 tỷ USD (tương đương 44.000 tỷ VNĐ), tài trợ cho khoảng 1,7 triệu khoản vay, trong đó có trên 0,6 triệu khoản vay cho những hộ gia đình thu nhập thấp, hộ nghèo tạo ra trên 410.000 việc làm mới, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Chuỗi dự án cũng triển khai sáng kiến Xe ngân hàng Lưu động (402 xe được mua bằng nguồn vốn Dự án) đã cung cấp dịch vụ trực tiếp đến với người nghèo vùng sâu vùng xa, nơi chưa có chi nhánh ngân hàng hoạt động. Nguồn vốn của chuỗi dự án TCNT cũng đã tài trợ cho trên 1.600 khóa đào tạo cho trên 50.000 cán bộ các định chế tài chính, và 17 gói thầu tư vấn hỗ trợ kỹ thuật lớn giúp các định chế tài chính tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển và phát triển nguồn nhân lực.
Dự án TCNT III nói riêng và chuỗi dự án TCNT nói chung đã kết thúc giai đoạn rút vốn giải ngân vào cuối năm 2013, song nguồn vốn sẽ tiếp tục được cho vay đến năm 2033 sẽ tạo ra tổng mức đầu tư toàn xã hội ước dự kiến lên gần 5 tỷ USD từ các quỹ quay vòng do BIDV quản lý. Như vậy, trong hàng chục năm tiếp theo, lợi ích của dự án sẽ vẫn tiếp tục được gia tăng mạnh mẽ cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Lê Tùng//Theo Petrotimes
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com