Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?

Tổng thống Pháp Francois Hollande

Tổng thống Pháp, Francois Hollande mới đây đã phát biểu rằng cuộc khủng hoảng nợ công vốn gây khó khăn cho khu vực này trong bốn năm qua, giờ đã chấm dứt. Đó sẽ là tin tốt cho cả thế giới một khi các số liệu không chống lại nhận xét đó.

Trong chuyến công du Nhật Bản tuần qua, tổng thống Pháp đã khẳng định với với các nhà lãnh đạo DN Nhật Bản là cuộc khủng hoảng ở Châu Âu đã đi qua.

 Tổng thống Pháp nói rằng cuộc khủng hoảng nợ đã phục vụ để thúc đẩy Châu Âu gắn kết hơn và tiến lên theo cách hiệu quả nhất. Ông Holland tin rằng cuộc khủng hoảng, vốn làm suy yếu khu vực Châu Âu, đã tăng cường sức mạnh nội khối. Theo tổng thống Pháp, giờ đây khu vực Châu Âu có tất cả các công cụ của sự ổn định và đoàn kết. Đã có một sự cải tiến trong quản lý kinh tế của khu vực Châu Âu như thiết lập một liên minh ngân hàng, xây dựng những quy định về các vấn đề ngân sách cho phép khu vực Châu Âu phối hợp tốt hơn và có một hình thức hội tụ sức mạnh.

Thời gian dài qua, các nước Châu Âu bị nạn thất nghiệp cao và suy thoái kinh tế hoành hành, ám ảnh. Gần đây nhất, vào tháng 4/2013, đã có những lo ngại về tương lai xấu hơn của đồng euro đối với các gói giải cứu Síp. Quốc gia nhỏ bé này của khu vực đồng euro đã được bảo đảm một gói cho vay trị giá 10 tỉ euro (13 tỉ USD) từ các nước đối tác thuộc Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Lúc đầu, một đề nghị về giải pháp nhằm đối phó tình hình bằng cách quyên góp tiền thông qua việc đánh thuế trên tất cả các khoản tiền (kể cả của tổ chức, cá nhân nước ngoài) gửi tại ngân hàng Síp đã gây hoảng loạn trên thị trường tài chính quốc tế và đã nhanh chóng bị thu hồi. Thay vào đó, quốc đảo này đã đồng ý tăng 13 tỉ euro thông qua một khoản thuế trên các món tiền gửi lớn và thông qua cải cách ngân hàng. Điều này đươc đưa ra sau các gói cứu trợ của Hy Lạp - hai lần - cũng như Ireland, Bồ Đào Nha, và một gói cứu trợ ngân hàng của Tây Ban Nha.

Tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực Châu Âu ở một mức cao kỷ lục - với 19,38 triệu người mất công việc. Và khối này đang nằm trong cuộc suy thoái dài nhất kể từ khi được thành lập vào năm 1999, hiện tại đang nằm trong thời kỳ sáu quý liên tiếp suy giảm. Ngay cả Pháp cũng có tỉ lệ thất nghiệp tháng này tăng lên mức cao nhất trong 15 năm. Gần đây, Ủy ban Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi Pháp cần thiết đưa ra cải cách kinh tế nếu không sẽ có nguy cơ tụt hậu so với một số nước láng giềng Châu Âu. Tổng thống Pháp đã cam kết thúc đẩy việc làm và tăng trưởng nhà ở, nhưng nhu cầu trong nước đã bị suy sụp bởi cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. 

Các khó khăn trước mắt với khu vực đồng Euro còn rất lớn và không ai trên thế giới dám tin tưởng là khủng hoảng nợ của khu vực Châu Âu đã kết thúc.

Về thâm hụt ngân sách, quy định của EU là các nước sử dụng đồng euro không được phép có mức thâm hụt hàng năm hơn 3% GDP, nhưng một số quốc gia đã thất bại trong việc tuân thủ theo quy tắc đó trong những năm gần đây. Đáng lưu ý là Đức, Ý và Pháp nằm trong số các quốc gia đầu tiên phá vỡ quy tắc Maastricht này trong thập kỷ qua, trong khi Tây Ban Nha và Cộng hòa Ai-len chi tiêu thặng dư trước khi cuộc khủng hoảng năm 2008 nổ ra. Từ năm 2008, các nền kinh tế ngoại vi như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã thâm hụt lớn, bởi vì nền kinh tế chậm phát triển, tạo ra doanh thu thuế ít hơn và đòi hỏi nhiều khoản thanh toán trợ cấp thất nghiệp. Ai-len đã trải qua mức thâm hụt đặc biệt lớn, tới 31% GDP trong năm 2010, chủ yếu do chi phí giải cứu các ngân hàng.

Đáng chú ý có một số thành viên khu vực đồng euro đã không bao giờ đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Maastricht là tổng nợ phải không quá 60% GDP.

Trong thực tế, yêu cầu được giảm xuống tại thời điểm năm 1999 để đảm bảo rằng Đức sẽ hội đủ điều kiện, cũng như cho phép chính phủ Ý, vốn bị nợ nặng nề tham gia được quá trình này. Hy Lạp đã giấu rất nhiều các khoản nợ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính, và từ năm 2008 chính phủ đã nỗ lực để những chi tiêu quá mức của nó được kiểm soát.

Phân tích như vậy để thấy rằng các khó khăn trước mắt với khu vực đồng euro còn rất lớn và không ai trên thế giới dám tin tưởng là khủng hoảng nợ của khu vực Châu Âu đã kết thúc cho dù tổng thống Pháp tuyên bố khủng hoảng nợ đã qua với Châu Âu. 81% độc giả của tạp chí The Economist cho rằng khủng hoảng nợ vẫn đang tiếp diễn, chỉ có 19% đồng ý là mọi việc đã qua. Chỉ có các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tăng năng suất lao động và khuyến khích xuất khẩu… mới giúp Châu Âu phát triển bền vững trong những năm tới.

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Chân dung bình dị của tân Giáo hoàng
  • Giá thuê văn phòng ở London đắt nhất thế giới
  • Bê bối ở ngân hàng lâu đời nhất thế giới
  • Tỷ lệ thất nghiệp eurozone lập mức cao mới