Ngày 24-7, các quan chức Nga đồng loạt lên tiếng trấn an dư luận sau khi một cố vấn thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo đất nước đang đối mặt với nguy cơ cô lập về kinh tế.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, một trong những cố vấn quan trọng của Tổng thống Putin
Nguồn gốc ảnh: Telegraph
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Itar-Tass ngày 23-7, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, một trong những cố vấn kinh tế quan trọng nhất của ông Putin, khẳng định các thế lực bảo thủ ở Matxcơva đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để đẩy đất nước vào con đường cô lập.
“Bối cảnh chính trị của đất nước ta đã thay đổi nghiêm trọng. Chúng ta một lần nữa trở thành kẻ thù của phương Tây. Có những thế lực trong nước muốn sự cô lập. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước luận điệu chống phương Tây gay gắt đang trỗi dậy” - ông Kudrin nhận định.
Ông khẳng định tình trạng này sẽ làm tổn thương nghiêm trọng quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Nga. “Cộng đồng doanh nghiệp đang tỏ ra rất lo ngại với những gì họ nghe được trên tivi và đài truyền thanh. Các doanh nghiệp muốn đầu tư, xây dựng nhà máy, thúc đẩy thương mại” - ông Kudrin nhấn mạnh.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Kudrin rời chính phủ tháng 9-2011 và hiện là chủ tịch Ủy ban Sáng kiến dân sự, một tổ chức phi chính phủ. Tổng thống Putin vẫn gặp ông Kudrin ít nhất một tháng một lần để lắng nghe các tư vấn kinh tế của ông.
“Ông ấy rất trung thành với ông Putin nhưng luôn thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Việc Itar-Tass đăng tải bài phỏng vấn này cho thấy một số quan chức trong chính phủ muốn thay đổi hướng đi hiện tại của đất nước” - báo Financial Times dẫn lời cựu cố vấn điện Kremlin Igor Yurgens nhận định.
Ngay trong sáng nay, các quan chức chính phủ Nga đã lên tiếng trấn an dư luận sau cảnh báo của ông Kudrin. Theo Reuters, cố vấn kinh tế điện Kremlin Andrei Belousov khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây không có tác động kinh tế vĩ mô đối với Nga.
Bộ trưởng Thương mại Denis Manturov nhấn mạnh các biện pháp cấm vận của phương Tây không thể đẩy Nga vào thế cô lập như thời Liên Xô. “Khi một thị trường đóng cửa, thị trường khác sẽ mở cửa. Những gì xảy ra hôm nay chỉ là chuyện nhỏ so với thời Liên Xô”- ông Manturov đánh giá.
Điện Kremlin khẳng định GDP Nga năm 2014 sẽ đạt mức 1%. Tuy nhiên trước đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Nga năm 2014 chỉ đạt vỏn vẹn 0,2%. Nhiều nhà kinh tế cho rằng Nga có thể sẽ rơi vào suy thoái.
EU rạn nứt vì trừng phạt Nga
Nguồn tin báo Financial Times cho biết Liên minh châu Âu (EU) hiện đang bị chia rẽ sâu sắc về việc cấm vận Nga. Thủ tướng Anh David Cameron là người ủng hộ mở rộng cấm vận các ngành công nghiệp Nga, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Francois Hollande tỏ ra lo ngại nguy cơ cấm vận sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu.
Các chuyên gia kinh tế cho biết Đức và Ý sẽ là các nước thiệt hại nhiều nhất nếu EU cấm vận các ngành công nghiệp Nga. Ngược lại các lãnh thổ Anh sẽ là nước được hưởng lợi từ việc dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi thị trường Nga.
Đến nay EU mới chỉ ban bố các biện pháp cấm vận không quá mạnh mẽ như cấm thị thực và đóng băng tài sản các quan chức Nga. Dự kiến EU sẽ tiếp tục thảo luận cho đến ngày 29-7 về các biện pháp cấm vận Nga.
SƠN HÀ// Theo nTuổi Trẻ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com