Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định dù Bắc Kinh đã rót hàng tỉ USD đầu tư vào châu Phi nhưng “con đường cái quan” sẽ không thông thoáng như Bắc Kinh kỳ vọng.
Cảnh sát Nam Phi bắt giữ hai người quốc tịch Trung Quốc ở Kloof vì tội buôn bán heroin. Số hàng bị thu giữ trong đợt bắt ngày 26-6 trị giá gần 300.000 USD
Nguồn gốc ảnh: Reuters
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã tăng cường sự ảnh hưởng của mình ở châu Phi trong 10 năm qua. Trong chuyến công du Ethiopia, Nigeria, Angola và Kenya hồi tháng 5-2014 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương với các nước châu Phi lên 400 tỉ USD vào năm 2020 và đầu tư trực tiếp lên gấp bốn lần với tổng vốn 100 tỉ USD.
Thế nhưng một báo cáo của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc hôm 22-7 nhấn mạnh Mỹ và các quốc gia châu Âu có thể lợi dụng việc tăng cường hiện diện quân sự tại châu Phi để cản trở Trung Quốc tiến sâu hơn ở châu lục một khi quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu hay với Mỹ rơi vào trạng thái “cơm không lành canh không ngọt”. Báo cáo cho rằng Bắc Kinh chưa chuẩn bị kỹ để đối phó với tình huống trên.
Mỹ, Âu cũng ve vãn châu Phi
Báo cáo cảnh báo rằng sự phát triển của Trung Quốc ở châu Phi cũng có thể sẽ bị Mỹ kìm hãm khi Washington tăng cường viện trợ nhiều mặt cho khu vực này. Báo South China Morning Post dẫn lời ông Trương Hồng Minh, chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về châu Phi và Tây Á, nhận định: Trong những năm gần đây, Mỹ và một số nước châu Âu đang thắt chặt các mối quan hệ quân sự với châu Phi với lý do an ninh và chống khủng bố nhưng kỳ thực để ngăn chặn Trung Quốc, phòng khi hai bên không còn tin tưởng nhau và coi nhau như đối thủ chiến lược.
"Hiện tượng kinh doanh bẩn của một số doanh nghiệp Trung Quốc đang lan rộng ở châu Phi, trong đó bao gồm việc khai thác mỏ trái phép ở Ghana, săn trộm động vật quý hiếm ở Nam Phi và hối lộ quan chức địa phương nhằm giành những gói thầu xây dựng mà nhà thầu Trung Quốc xây dựng kém chất lượng"
Adams Bodomo (giáo sư nghiên cứu về châu Phi ở Đại học Vienna - Áo)
Bằng chứng, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh về châu Phi vào tháng tới ở Washington. Mỹ cũng tuyên bố thành lập một căn cứ điều phối máy bay không người lái ở Niger hồi tháng 1-2014. Căn cứ này sẽ cung cấp những dịch vụ hỗ trợ các lực lượng của Pháp ở Mali cũng như thu thập thông tin tình báo về những hoạt động khủng bố ở Bắc và Tây Phi.
Tương tự, Tổng thống Pháp François Hollande đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với đại diện 53 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi hồi cuối năm 2013. Một tín hiệu cho thấy Paris cũng đang có những tính toán an ninh ở khu vực châu Phi. Trước đó không lâu, Anh cũng có động thái như Pháp.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng dù những hội nghị này khoác lên mình mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề an ninh nhưng Bắc Kinh đang nghi ngại về các “nghị trình bí mật” nhằm kiềm chế Trung Quốc. Họ quan ngại những hành động quân sự của Âu - Mỹ ở châu Phi có thể được biến thành công cụ hiệu quả chống Trung Quốc tại khu vực này.
Trung Quốc làm hỏng hình ảnh
Đại sứ Trung Quốc ở Tanzania Lữ Hữu Khánh phải thốt lên rằng rất lo lắng vì “danh tiếng” của quốc gia này đang bị “tật xấu” của các doanh nghiệp, nhà kinh doanh và người mang quốc tịch Trung Quốc làm hỏng ở châu Phi. Đại sứ Lữ cảnh báo “những thói xấu” này đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với hình ảnh Trung Quốc ở châu Phi cũng như trên trường quốc tế.
Vị đại sứ này thừa nhận người Trung Quốc khi đến “làm ăn ở châu Phi” thường không đoàn kết, đánh nhau để giành mối làm ăn, buôn lậu ngà voi và thậm chí còn đút lót cho giới chức địa phương để được “ưu ái” trao tay các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Báo Đô Thị Phương Nam dẫn lời ông Lữ cho biết ông cũng nghi ngờ chất lượng của các dự án cơ sở hạ tầng do nhà thầu Trung Quốc xây dựng ở châu Phi đang có vấn đề vì giá dự thầu khá rẻ so với các nhà thầu quốc tế khác. “Tanzania có khoảng 70 đại sứ của các nước đang làm việc nhưng không ai trong số đó lo ngại bảo vệ sứ quán như chúng tôi vì sứ quán có thể bị người Tanzania tấn công bất cứ lúc nào. Chính phủ Tanzania đang cấm một số nhà thầu Trung Quốc dự thầu ở đây” - ông Lữ chua chát thừa nhận.
Ông dẫn chứng về sự tệ hại của các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà thầu Trung Quốc ở các nước lân cận Tanzania. Việc xây dựng cẩu thả đã làm hỏng quy hoạch đô thị của các nước này. “Khi tôi nhậm chức đại sứ năm 2012, mỗi kilômet đường ở đây trị giá nửa triệu USD nhưng các nhà thầu của chúng ta xây dựng với giá chỉ 300.000-400.000 USD. Điều gì sẽ xảy ra với những con đường này trong 3-5 năm nữa” - đại sứ Lữ nói.
MỸ LOAN// Theo Tuổi Trẻ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com