Nhưng phải 11 năm sau, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar, cuộc đấu tranh giành độc lập của Venezuela mới về đến đích, với chiến thắng Ca-ra-bô-bô ngày 24-7-1821. Sau đó, quân đội của Bolivar đã giải phóng thêm nhiều vùng đất lập nên nước Ðại Colombia, bao gồm Venezuela, Colombia, Ecuador và Panama ngày nay. Ðến năm 1830, Venezuela tách ra thành lập một quốc gia riêng. Ngày 19-4-1810 đã đi vào lịch sử như một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân Tây Ban Nha ở Venezuela và mở ra thời kỳ mới đấu tranh giành độc lập trên khắp châu Mỹ.
Tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng vì độc lập, tự do và lý tưởng cao đẹp của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar, sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước năm 1999, Tổng thống Hugo Chavez đã phát động cuộc cách mạng nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công, xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ và đưa đất nước tiến theo con đường "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21". Trước khi Tổng thống Cha-vết lên nắm quyền lãnh đạo, Venezuela ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc. Ðó là hậu quả của chủ nghĩa tự do mới và chính sách chiếm đoạt của cải và tham nhũng của các chính phủ tiền nhiệm. Mặc dù là một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu mỏ, với sản lượng đứng thứ sáu và xuất khẩu đứng thứ năm trên thế giới, nhưng kinh tế Venezuela đình đốn, kém phát triển: nợ nước ngoài chiếm gần 40% ngân sách Nhà nước; 30 triệu ha đất nông nghiệp chưa được canh tác và phải nhập khẩu 70% lượng lương thực, thực phẩm; tỷ lệ người nghèo chiếm 75% dân số, tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 20%, bán thất nghiệp khoảng 50%. 80% đất canh tác nằm trong tay điền chủ, phân hóa giàu nghèo diễn ra gay gắt.
Hơn mười năm qua, cuộc cách mạng do Tổng thống Hugo Chavez lãnh đạo, đã mang lại cho Venezuela nhiều đổi thay quan trọng, tích cực. Chính phủ thực hiện nhiều cải cách chính trị, kinh tế, xã hội sâu rộng: thông qua Hiến pháp mới (tháng 12-1999), một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ nhất trong lịch sử Venezuela, quy định các quyền cơ bản cho nhân dân lao động, nhất là người nghèo. Tiến hành cải cách, chia lại ruộng đất cho nông dân; quốc hữu hóa các ngành kinh tế mũi nhọn như dầu mỏ, xi-măng, luyện kim, điện lực, viễn thông... thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm; sử dụng các nguồn lợi lớn từ dầu khí đầu tư cho các chương trình xã hội: xóa nạn mù chữ, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở, cải tạo nhà ở cho người nghèo, mở thêm nhiều trường học và các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, cải tạo môi trường sống... Các chính sách của Tổng thống Hugo Chavez đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thế lực thù địch và giới chủ, người giàu, nhưng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân Venezuela. Sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn của những năm đầu cầm quyền, kinh tế Venezuela liên tục tăng trưởng cao trong những năm vừa qua: năm 2005, đạt mức tăng trưởng 9,1%; năm 2006, đạt 9,6%, mức cao nhất khu vực Mỹ la-tinh; năm 2007 đạt hơn 8,4% và năm 2008 đạt gần 5%. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2009 đạt 357,6 tỷ USD, đứng vị trí 33 thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt 13.100 USD.
Nhờ phát triển kinh tế và các chính sách xã hội tiến bộ, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt: tỷ lệ người nghèo giảm từ 50,4% xuống còn 33,07%; tỷ lệ tử vong của trẻ em giảm từ 2,14% xuống 1,39%; thất nghiệp giảm từ 16,6% xuống 6,3%. mức lương tối thiểu tăng từ 100 nghìn Bolivar lên 614 nghìn (tương đương 286 USD) mức cao nhất khu vực Mỹ la-tinh; sức mua trong dân tăng 400%, và mức lạm phát trung bình 18,4% so với 59,4% trước khi Tổng thống Cha-vết lên nắm quyền. Với sự giúp đỡ của Cu-ba, Venezuela đã hoàn thành chương trình xóa nạn mù chữ và đang phấn đấu phổ cập tiểu học. Nhà nước dành cho ngân sách giáo dục 20% tổng chi ngân sách. Học sinh các cấp đến trường không phải đóng học phí, kể cả bậc đại học. Hàng triệu lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí. Vai trò của phụ nữ được đề cao trong hoạt động kinh tế, xã hội, khi về hưu ngoài lương theo chế độ, mỗi tháng còn được Chính phủ trợ cấp thêm 200 USD.
Venezuela thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết khu vực Mỹ la-tinh vì những mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và bảo vệ độc lập dân tộc; mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, trước hết là các nước trong khu vực và các nước đang phát triển; tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế và khu vực như LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và Cộng đồng các nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê. Venezuela và Cu-ba khởi xướng, thúc đẩy sáng kiến "Sự lựa chọn Bolivar cho châu Mỹ" (ALBA) và các chương trình hợp tác năng lượng khu vực "Dầu khí châu Mỹ" (PETROAMERICA), Dầu khí Nam Mỹ (PETROSUR); Dầu khí Ca-ri-bê (PETROCARIBE) nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở đoàn kết hữu nghị, chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau. Sáng kiến ALBA và các chương trình hợp tác năng lượng do Venezuela khởi xướng phát triển mạnh, thu hút nhiều nước trong khu vực tham gia và bước đầu mang lại những kết quả quan trọng giúp nhiều nước Mỹ la-tinh bảo đảm nguồn an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống chính trị xã hội. Thông qua các chương trình hợp tác kinh tế nói chung và năng lượng nói riêng, Venezuela đã và đang nỗ lực hành động nhằm tập hợp, liên kết các nước trong khu vực hướng tới một Mỹ la-tinh đoàn kết, thống nhất theo lý tưởng của Simon Bolivar.
Phát huy những thành tựu đạt được, hiện nay Chính phủ Venezuela tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng Bolivar và đưa đất nước tiến theo con đường "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21". Chủ nghĩa xã hội mà Venezuela hướng tới là "một xã hội bình đẳng, công bằng, một xã hội hòa bình, hòa bình với chính mình và hòa bình với các dân tộc trên trái đất, nơi mọi người dân đều được quan tâm, không có nghèo đói, bất công".