Từ ngày 1-10, thời điểm thông tư 122 về quản lý giá của Bộ Tài chính có hiệu lực, nhiều người kỳ vọng một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu sẽ không còn tình trạng tăng giá tùy tiện như trước đây
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại liệu thông tư này khi đi vào cuộc sống có bắt kịp diễn biến đa dạng của thị trường?
Đăng ký kê khai giá
Ông Nguyễn Quốc Chiến - trưởng ban vật giá tài chính Sở Tài chính TP.HCM - cho biết theo chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc triển khai theo thông tư 122, từ ngày 15-8 cơ quan này đã gửi yêu cầu đến các cơ quan ban ngành để thống kê, rà soát danh mục các doanh nghiệp và đại lý kinh doanh các ngành hàng thuộc diện quản lý giá nhằm lập dữ liệu tên các đơn vị đăng ký giá. Sau đó, sở mới gửi hướng dẫn cách thức thực hiện kê khai đăng ký giá đến các doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc Công ty Hanco Food (một doanh nghiệp kinh doanh sữa), cho biết đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc kê khai đăng ký giá sẽ không gặp khó khăn vì phần lãi từ trước đến nay của các doanh nghiệp kinh doanh sữa nội là không cao. “Chi phí phân bổ của chúng tôi khá hợp lý nên việc kê khai tương đối đơn giản” - ông Châu cho biết.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh sữa, trước khi có thông tư 122, những nơi này đã đăng ký giá bán với Cục Quản lý giá Sở Công thương và Cục Quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đăng ký chỉ dừng ở giá bán ra. Với quy định mới, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thuộc diện kiểm soát giá phải giải trình chi tiết cách tính các khoản mục chi phí cấu thành sản phẩm khi bán sản phẩm lần đầu hoặc trước khi điều chỉnh giá sản phẩm trên thị trường.
Một điểm mới trong thông tư 122 là các doanh nghiệp kinh doanh sữa nhập khẩu dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai chi tiết cơ cấu giá thành sữa nhập như giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, giá vốn nhập khẩu, chi phí bằng tiền khác, giá bán dự kiến... khi muốn điều chỉnh giá. Theo đại diện Abbott, đơn vị có khoảng 12 nhãn hàng với 32 sản phẩm chịu tác động đăng ký giá và sẵn sàng đăng ký kê khai khi có yêu cầu.
Quản ra sao?
Theo Cục Quản lý giá, cục không phải là nơi tiếp nhận tất cả mà việc tiếp nhận đăng ký giá, kê khai giá được phân cấp cho 63 tỉnh thành. Có mặt hàng Sở Tài chính tiếp nhận, có mặt hàng các sở thương mại, các cơ quan khác tại địa phương tiếp nhận. Các cơ quan này có trách nhiệm rà soát cơ cấu, yếu tố hình thành giá. Bộ Tài chính sẽ công bố tên các doanh nghiệp nằm trong diện đăng ký giá sữa theo quy định tại thông tư 122.
Trước đây, theo thông tư 104, trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ trên thị trường của mặt hàng tăng bình quân từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động thì Nhà nước sẽ thực hiện việc bình ổn giá. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lách và tăng giá vô tội vạ như thời gian qua.
Vì vậy, Cục Quản lý giá cho biết khi thông tư 122 có hiệu lực, doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá phải gửi bảng đăng ký kê khai cấu thành giá sản phẩm đến cục hoặc cơ quan chức năng. Nếu giải trình hợp lý thì nơi này mới cho phép điều chỉnh. Mới đây, cục đã từ chối một công ty phân bón tăng giá bán sau khi kiểm tra các cơ cấu giá thành và thấy rằng việc tăng giá chỉ nhằm tăng lợi nhuận chứ không phải do chi phí đầu vào.
Mức phạt trong quy định mới cũng nghiêm khắc hơn so với thông tư cũ. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết khi phát hiện mức đăng ký trong biểu mẫu đăng ký giá của doanh nghiệp có các yếu tố hình thành giá không hợp lý, cơ quan chức năng tiếp nhận có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình mức giá đăng ký và thực hiện lại việc đăng ký giá.
Trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện đúng yêu cầu của thông tư sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định hoặc có thể bị đình chỉ việc thực hiện giá hàng hóa, thu phần chênh lệch mà doanh nghiệp định giá cao hơn so với các yếu tố hình thành giá vào ngân sách nhà nước. Cơ quan kiểm soát giá cũng có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, điều e ngại nhất không phải là không dám kê khai cơ cấu chi phí sản phẩm mà chính là quy trình thực hiện và sự chính xác trong việc kê khai giá. Thực tế đối với mặt hàng sữa, cơ cấu chi phí trong vận chuyển, nhân lực, chi phí lưu kho bãi... nơi cao nơi thấp, trong khi cấp sở ở địa phương khó biết doanh nghiệp đăng ký giá như vậy nhưng thực tế có bán đúng giá hay không.
(Tuổi trẻ online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com