Đã có 34 vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp được Cục Quản lý nhập khẩu thuộc Cơ quan quản lý thương mại Mỹ khởi xướng trong năm 2009, tăng tới 79% so với năm 2008.
Số lượng các vụ điều tra liên quan đến các nền kinh tế phi thị trường chiếm khoảng 1/3 số lượng các vụ mà Cục này tiến hành.
Sự gia tăng kể trên cho thấy, chính phủ Mỹ đang rất quyết tâm tăng cường áp dụng các công cụ pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Động lực cho những thay đổi trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ chủ yếu là do quan niệm: Thắt chặt hơn pháp luật về phòng vệ thương mại sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 26/8/2010, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo họ đang tiến hành các bước nhằm thắt chặt hơn nữa pháp luật về phòng vệ thương mại hay còn gọi là "Gói thực thi Luật Thương mại". Gói này sẽ bao gồm một loạt các đề xuất thay đổi trong quy định của Bộ Thương mại Mỹ nhằm tăng cường pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Theo đó, DOC quyết định bỏ thông lệ chấm dứt lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với các bị đơn riêng lẻ mà có kết quả không bán phá giá trong 3 lần rà soát hành chính liên tiếp. Điều này có nghĩa là cuộc rà soát "hoàng hôn" (rà soát cuối kỳ) định kỳ hàng năm là cách duy nhất để được loại bỏ lệnh áp thuế. Nhiều chuyên gia nghi ngờ quyết định này vi phạm Điều 11.1 của Hiệp định về chống bán phá giá của WTO.
Chưa kể quyết định tăng cường sử dụng phương pháp "chọn mẫu ngẫu nhiên" trong việc lựa chọn các bị đơn bắt buộc thay vì chọn nhà xuất khẩu lớn nhất để điều tra như trước. Quyết định này gâyra rất nhiều khó khăn cho các bị đơn, vì các nhà xuất khẩu lớn có thể sẽ không còn được hưởng mức thuế suất riêng nữa, điều này sẽ không khuyến khích họ loại bỏ phá giá. Việc DOC không tiến hành rà soát đối với tất cả các công ty có yêu cầu rà soát sau một chu trình điều tra chống bán phá giá là một phần trong đơn kiện của Việt Nam đối với Mỹ trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Theo đó, phía Việt Nam cáo buộc Mỹ đã vi phạm điều 11.1 và 11.3 và 9.3 của Hiệp định ADA.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ thương mại cho hay, hàng loạt các thay đổi của DOC đã tác động mạnh tới các nước có kim ngạch xuất khẩu với Mỹ, trong đó có Việt Nam. Mới đây ngày 15/9, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 6 về việc áp thuế đối với cá tra Việt Nam tiêu thụ tại thị trường nước này, trong giai đoạn từ 1/8/2008 đến 31/7/2009. DOC sẽ áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 20/10/2010 là thời hạn cuối cùng để nộp các bản phản biện cùng ý kiến của các bên, dự kiến kết quả cuối cùng sẽ có vào tháng 3/2011. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang thu thập và cung cấp tư liệu cho DOC, nhằm thuyết phục DOC thay đổi khi ra quyết định cuối cùng.
Theo người đại diện Hãng luật Winston & Strawn, cần phải thường xuyên có các khiếu kiện như vậy lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ để chấm dứt tình trạng chuyên quyền của DOC khiến các biên độ phá giá ngày càng bị thổi phồng lên. Ông này cũng khuyên các doanh nghiệp Việt Nam "Không nên sợ hãi mà hãy bình tĩnh tìm đến các chuyên gia trong nước và nước ngoài để đối phó với các vụ kiện".
(Báo điện tử Kinh tế & Đô thị)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com