Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua việc giảm chỉ tiêu, tăng trưởng XK từ 13% xuống 3%. Đây là động thái cho thấy, XK VN đang lâm vào cảnh khó khăn. Vậy chúng ta cần phải làm gì để thoát khỏi tình cảnh này ? “Đau đầu” các nhà dự báo Trong điều kiện hiện nay, dự báo kinh tế nói chung và dự báo XK nói riêng là một thách đố đối với bất kỳ ai, kể cả các định chế tài chính quốc tế danh tiếng. Chẳng hạn, ở thời điểm tháng 10/2008, IMF cho rằng, giá dầu mỏ thế giới năm nay sẽ chỉ giảm nhẹ nhàng 6,3%, còn gía nguyên liệu phi dầu mỏ cũng chỉ giảm 6,2%, nhưng ngay trong thượng tuần tháng 11, tức là chỉ sau dự báo định kỳ ít ngày, định chế tài chính quốc tế danh tiếng này đã gián tiếp thừa nhận đó là sai lầm rất lớn, vì đã “quay ngoắt 180 độ” rằng, giá của loại vàng đen này sẽ rơi tự do 31,8%, còn giá nguyên liệu phi dầu mỏ cũng giảm tới 18,7%, còn cuối tháng 1 vừa qua cũng đã tiếp tục điều chỉnh các mức giảm này xuống 48,5% và 29,1%. Điều đó cho thấy, việc xuất hiện những kịch bản dự báo về XK của nước ta trong năm nay rất khác nhau cũng là điều bình thường. Cho tới thời điểm này, đã có những dự báo rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về tốc độ của “đoàn tàu XK” nước ta. Trước hết, phương án tích cực nhất, có lẽ cũng là được đưa ra sớm nhất và đã trở thành mục tiêu phấn đấu của nước ta trong năm nay là XK sẽ tăng 13%. Trong điều kiện XK giảm mạnh, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khả dĩ nhất, vấn đề đặt ra là phải tận dụng nguồn động lực thị trường trong nước và nuôi dưỡng, củng cố sức mua xã hội cũng đang suy yếu.
Còn nhớ, khi những thông tin về khủng hoảng tài chính toàn cầu mới lan truyền, một số ý kiến lạc quan cho rằng, do nền kinh tế nước ta chưa hội nhập sâu, cho nên sẽ ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống càng ngày càng cho thấy cảnh báo ngược lại hoàn toàn có lý, bởi XNK chính là “kênh dẫn” để khủng hoảng tài chính lan truyền, mà các kênh này của nền kinh tế nước ta lớn hơn bình thường rất nhiều.
Thế nhưng, theo kịch bản ngược lại, có lẽ cũng là tiêu cực nhất, do Ngân hàng Châu Á (ADB) công bố tháng 3 vừa qua, “đoàn tàu XK” của nước ta sẽ “chạy giật lùi” với tốc độ âm khủng khiếp 31,8%. Bởi lẽ, theo định chế tài chính này, tốc độ giảm XK chung trong năm nay của các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ là 10,3%, của khu vực Đông Nam Á cũng chỉ là 17,7%, thậm chí của khu vực Nam Á chỉ là 2,8%, của khu vực Đông Á cũng chỉ là 6,2% và duy nhất chỉ có khu vực Trung Á vốn phụ thuộc rất nặng nề vào XK dầu mỏ là có tốc độ giảm kỷ lục 36,9%.
Khác với cả hai kịch bản trái chiều nhau nói trên, cả ba kết quả dự báo của CIEM công bố tháng 4 vừa qua có thể xem là kịch bản trung gian, bởi theo cơ quan này, tốc độ giảm XK của nước ta trong năm nay sẽ ở các mức 7,2%; 12,2% và 25,5%. Như vậy, so với thực tế năm tháng đầu năm, nếu như kịch bản bi quan của ADB đã không sát thực tế, còn mục tiêu của chúng ta cũng rất khó thành hiện thực, thì những dự báo của CIEM dường như sẽ “đúng đường ray” nhất. Trước hết, các số liệu thống kê năm tháng đầu năm cho thấy, cho dù không khác gì cú sốc mất hầu như toàn bộ thị trường truyền thống năm 1991, nhưng tốc độ giảm XK của nước ta không bi quan như dự báo của ADB. Bởi lẽ, với kim ngạch ước tính 22,857 tỷ USD, tốc độ giảm XK trong năm tháng đầu năm nay là 6,8%, tức là chỉ giảm hơn 1/5 so với mức dự báo của ADB, còn nếu loại trừ yếu tố tăng đột biến trong XK nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm thì cũng chỉ giảm tới 17,1%. Thế nhưng, do đã giảm như vậy trong năm tháng đầu năm, việc đạt được mục tiêu tăng 13% trong năm nay cũng là điều vô cùng khó, bởi nếu vậy thì “đoàn tàu XK” của nước ta trong bảy tháng cuối năm sẽ phải tăng tốc vượt bậc 25,7%, còn nếu loại trừ phần tăng đột biến trong XK nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm như đã nói ở trên thì tốc độ tăng này còn phải lên tới 32,4%. Triển vọng đang hé mở Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, trong điều kiện cả “làng XK thế giới” đều lao đao, những kết quả XK của chúng ta như vậy đã có thể coi là thành công. Có thể nói, thành công này bắt nguồn từ ba lý do chủ yếu và cũng từ những lý do này, có thể hi vọng XK cả năm nay ít nhất cũng theo kịch bản lạc quan của CIEM đã nói ở trên.
Thứ nhất, là một quốc gia còn ở trình độ rất thấp và nông nghiệp vẫn còn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nông sản hiện còn chiếm trên 20% trong “rổ hàng hóa XK” của nước ta, mà đây nói chung đều là những mặt hàng mà người tiêu dùng không thể quay lưng lại cả trong điều kiện kinh tế quá khó khăn như hiện nay. Cho nên đây chính là nhóm hàng giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho XK của nước ta không rơi tự do trong thời gian qua.
Các số liệu thống kê của IMF bốn tháng đầu năm nay cho thấy, so với kỷ lục “mọi thời đại” tháng 7/2008, hàng lương thực, thực phẩm thế giới chính là nhóm hàng có mức giảm giá thấp nhất chỉ với 25,7%, trong khi hàng nguyên liệu phi dầu mỏ giảm 31,4%, còn giá dầu mỏ giảm kỷ lục 61,2%... Việc trong năm tháng qua một loạt mặt hàng nông sản XK chủ lực của nước ta như gạo, sắn và sản phẩm của sắn, hạt tiêu, chè đạt tốc độ tăng trưởng dương rất cao về khối lượng, thậm chí cả về giá trị XK đủ cho thấy điều đó.
Thứ hai, lợi thế không nhỏ về giá nhân công rẻ, cho nên nền kinh tế nước ta có sức chịu đựng trước sức ép giảm mạnh giá hàng hóa thế giới như hiện nay cao hơn hẳn so với các quốc gia ở trình độ phát triển cao. Việc tốc độ phát triển nhóm hàng dệt may trong năm tháng qua chỉ giảm 1,8%, cho nên đã vượt qua mặt hàng dầu thô và trở thành mặt hàng XK “đầu vị” của nước ta, hay nhóm hàng túi xách, ví , vali, mũ, ô dù cũng chỉ giảm 3,5% có lẽ là những thí dụ điển hình nhất.
Thứ ba, bên cạnh đó, điều quan trọng nhất hiện nay chính là ở chỗ, kinh tế thế giới dường như đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất và giá cả thế giới chính là yếu tố nhạy cảm nhất đón bắt được những tín hiệu này, cho nên chúng ta có thể hi vọng XK sẽ dần dần hồi phục.
Các số liệu thống kê của IMF cho thấy, sau ba tháng chỉ quanh quẩn ở mức đáy chỉ với 97,8 ĐPT tháng 12/2008, tức là đã giảm tổng cộng 55,25% so với kỷ lục “mọi thời đại” 219 điểm phần trăm (ĐPT) tháng 8/2008, giá thế giới tháng 3 đã nhích lên 99,9 ĐPT, còn tháng 4 vừa qua đã tăng khá mạnh lên 103,6 ĐPT, tức là chỉ còn giảm 52,7% so với mức đỉnh và đã tăng 5,93% so với mức đáy. Còn tháng 5, chắc chắn giá cả thế giới đã tiếp tục đạt được một bước tiến mới theo chiều hướng này.
Rõ ràng, trong điều kiện kinh tế thế giới vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất, niềm tin đã trở lại, giá cả thế giới sẽ tiếp tục nhích lên, điều này cũng đồng nghĩa với việc yếu tố chủ yếu khiến cho “đoàn tàu XK” của chúng ta tụt dốc sẽ biến mất, cho nên hi vọng về khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng dương trong năm nay do khối lượng hàng hóa XK của chúng ta vẫn tăng cũng có thể xảy ra như tính toán của Bộ Công thương mới đây.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan ?
Hiển nhiên, việc “đoàn tàu XK” tụt dốc ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, đối với một nền kinh tế như nước ta, điều đó không thể quyết định tất cả và càng không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Sở dĩ như vậy là bởi những lẽ sau đây:
Thứ nhất, lịch sử hơn hai thập kỷ đổi mới vừa qua đã từng cho thấy, ngay trong năm sự nghiệp đổi mới mới chỉ “chập chững những bước đầu tiên”, do sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khiến chúng ta mất hầu như toàn bộ khu vực thị trường truyền thống, sau ba năm tăng trưởng ngoạn mục 21,6-87,5%, XK năm 1991 đã rơi tự do 13,18% và cho đến nay vẫn là năm duy nhất XK tăng trưởng âm, nhưng với 5,81%, đây vẫn là năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước.
Chắc chắn, chúng ta không thể hi vọng lặp lại kịch bản quá đẹp này trong điều kiện hiện nay. Bởi lẽ, đó chính là thời điểm mà dân ta còn đói hàng, túi tiền tích cóp được vẫn còn “rủng rỉnh”, cho nên những hàng hoá phải “nhịn” tiêu dùng để dành cho XK bị ế đã rất nhanh chóng được tiêu thụ ở thị trường trong nước. Việc tốc độ tăng kỷ lục 75,52% của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm này đủ nói lên tất cả.
Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia lớn trong khu vực, thì thu nhập của dân cư nước ta hiện cũng chỉ mới bằng 12,1% của Malaysia; 23,2% của Thái Lan; 30% của Trung Quốc; 47,9% của Indonesia; 48,8% của Philippines..., tức là vẫn còn rất “khát tiêu dùng”, cho nên thị trường trong nước vẫn có thể giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Do vậy, để tận dụng được nguồn động lực này trong điều kiện thị trường XK bị “co lại”, vấn đề mấu chốt là “tái chiếm” và tiếp tục mở rộng thị trường này.
Thế nhưng, trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại quá nhiều và điều này đồng nghĩa với thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư cũng chỉ tăng chậm một cách tương ứng, vấn đề quan trọng là kiềm chế không để giá cả tăng. Bởi lẽ, đó chính là yếu tố làm triệt tiêu sức mua đang rất yếu của thị trường trong nước.
Thứ hai, cũng do đặc thù trình độ phát triển rất thấp của nước ta, ngay trong điều kiện XK tụt dốc tương đối mạnh hiện nay của chúng ta cũng đã bao hàm một phần tăng trưởng. Bởi lẽ, để hạn chế được tình trạng tụt dốc không quá mạnh, chúng ta vẫn có thể và cũng đã buộc phải chấp nhận tăng mạnh khối lượng để bù cho giá XK giảm và lợi nhuận chỉ tối thiểu. Điều này có nghĩa là, cho dù đang gặp vô vàn khó khăn, nhưng sản xuất vẫn tiếp tục phát triển.
Nói tóm lại, trong điều kiện XK giảm mạnh do những tác động không thể tránh khỏi của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khả dĩ nhất, vấn đề đặt ra không chỉ là duy trì và củng cố nguồn động lực đang bị suy yếu này, mà còn phải tận dụng nguồn động lực thị trường trong nước và nuôi dưỡng, củng cố sức mua xã hội cũng đang bị suy yếu.
(Theo Nguyễn Đình Bích/DDDN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com