Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2009

Trên 20% là mức tăng trưởng khá cao trong năm 2008 so với nhiều thị trường khác, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Mỹ năm 2009 được dự báo chỉ tăng khoảng 14% so với năm 2008. Với hàng loạt những khó khăn đang ngày càng bộc lộ sâu sắc, DN Việt Nam sẽ phải ứng phó thế nào để đẩy mạnh XK sang thị trường quan trọng, chiếm tới 21% tổng kim ngạch XK của cả nước.

Khó khăn rất nhiều

Cuộc khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ tác động tiêu cực tới hoạt động XK của Việt Nam từ nhiều tháng qua là rất rõ nét. Tuy nhiên, đi kèm những khó khăn đó là một số chính sách, qui định mới của Hoa Kỳ đối với một số mặt hàng NK vào Mỹ khiến cho tình hình XK của Việt Nam càng xấu đi.

Đạo luật Nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào ngày 18/6/2008. Mang số hiệu H.R. 6124, Farm Bill 2008 có tên đầy đủ là “Đạo luật quy định về việc tiếp nối các chương trình nông nghiệp và các chương trình khác của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tới năm tài chính 2012, và quy định một số vấn đề khác”, tên ngắn gọn là “Đạo luật về thức ăn, bảo tồn, và năng lượng năm 2008” (Food, Conservation and Energy Act of 2008). Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phạm vi điều chỉnh của Farm Bill 2008 rất rộng, chắc chắn sẽ tác động nhiều tới các hoạt động kinh doanh XNK các mặt hàng liên quan của Việt Nam với thị trường Mỹ, trong đó đặc biệt là đối với hai mặt hàng đồ gỗ và thủy sản. Ngoài ra, Farm Bill 2008 cũng chú ý đến việc sử dụng lao động trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp XK vào thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, nếu các DN không đảm bảo điều kiện lao động và sử dụng lao động vi phạm quy định quốc tế về sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức thì hàng hóa đó sẽ không được NK vào nước này.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng, với việc đắc cử Tổng thống mới của Hoa Kỳ là ông Barack Obama, chính quyền mới sẽ có xu hướng bảo hộ như truyền thống của đảng Dân chủ và điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với Việt Nam, nhất là trong tình hình Mỹ đang chịu sức ép về khủng hoảng tài chính như hiện nay. Tuy nhiên, đây còn là một vấn đề để ngỏ, còn cái hiện hữu trước mắt chính là các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp bảo hộ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ là rất rõ. Có khả năng ba mặt hàng XK chủ lực vào thị trường này là dệt may, đồ gỗ và thủy sản sẽ là những trường hợp đầu tiên bị áp dụng các biện pháp nói trên. Thêm vào đó, suy thoái kinh tế khiến cho nhu cầu tiêu dùng thủy sản chung của Hoa Kỳ đang chững lại. Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Michael Michalak, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định về việc ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ: “Về lý thuyết kinh tế vĩ mô, khi cầu giảm xuống và thị trường XK gặp vấn đề thì XK sẽ bị suy giảm. Xét về nguyên tắc chung thì hàng XK của Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu tác động tiêu cực”.

Mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) của Hoa Kỳ quyết định hạ lãi suất 0,75% xuống gần “kịch sàn” ở mức 0,25% sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động XK của các DN Việt Nam. Nhận định này không phải thiếu cơ sở, bởi nếu lãi suất của Hoa Kỳ và một số thị trường lớn như Nhật, EU… áp dụng như vậy thì chắc chắn giá thành hàng hóa của họ sẽ rẻ đi thêm nữa, điều này sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt đối với hàng NK, trong đó có hàng NK từ Việt Nam. Nhất là giá bán vốn là thế mạnh nhất mà hàng hóa Việt Nam có thể đem ra cạnh tranh giữa lúc cầu đang bị suy giảm nghiêm trọng. Vì thế, việc Ngân hàng Trung ương các nước hạ lãi suất có thể cứu nền kinh tế của họ, nhưng chưa chắc đã là lợi ích của XK Việt Nam xét trong ngắn hạn.

Cơ hội cũng không ít

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là XK của Việt Nam vào Hoa Kỳ hoàn toàn khó khăn. Ngay ông Michael Michalak cũng cho rằng, hiện có những hãng phân phối lớn ở Hoa Kỳ có những đơn hàng, hoặc nhu cầu NK lớn cung cấp cho những cửa hàng trung bình vì người dân nước này đang tiết kiệm chi tiêu hơn và họ không đi đến những cửa hàng đắt tiền nữa. Ví dụ, với hàng thủy sản, trước đây, các DN Việt Nam vẫn thường xuất tôm sú sang Hoa Kỳ, nhưng nay, người dân chuyển thói quen từ dùng tôm sú sang tôm chân trắng, do giá rẻ hơn... Với diễn biến như vậy, tùy từng ngành hàng, các DN xuất khẩu cần có khảo sát cụ thể để có chuyển hướng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước XK hàng thực phẩm nhiều và hàng hóa này không bị ảnh hưởng nhiều khi cầu giảm xuống như các hàng hóa khác. Cũng theo ông Michael Michalak, nếu các DN Việt Nam chọn đúng mặt hàng XK, trong đó chú ý đến nhóm mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như: nông, lâm, thủy, hải sản… với mức giá trung bình, chất lượng không được kém, không có sai sót và phải ổn định, như vậy sẽ giúp giảm bớt áp lực của khủng hoảng tài chính tác động đến Việt Nam.

Năm 2009, một số mặt hàng XK của Việt Nam cũng có những ưu thế nhất định. Ví dụ, đối với hàng dệt may, cùng với sự tăng trưởng trên 20% trong năm 2008, ngày 21/11 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tuyên bố kết quả rà soát lần thứ 3 đối với hàng dệt may NK từ Việt Nam. Đây là lần rà soát cuối cùng trong chương trình giám sát dệt may với Việt Nam trước khi Chính phủ Bush kết thúc.nhiệm kỳ. DOC kết luận rằng, không đủ bằng chứng để tiến hành việc điều tra chống bán phá giá. Vì thế nếu các DN Dệt may Việt Nam đảm bảo được 3 yếu tố chính là chất lượng, quan hệ lao động hài hòa và bảo vệ môi trường thì dệt may Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Hoa Kỳ ngày càng nhiều hơn.

Mặt hàng thanh long cũng đang hứa hẹn sự chinh phục tại thị trường rộng lớn này. Năm 2008, cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ đã phê chuẩn việc NK thương mại thanh long tươi từ Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam là quốc gia châu Á thứ ba sau Thái Lan và Aán Độ, được phép thực hiện việc chiếu xạ hoa quả tại nước mình trước khi NK vào Hoa Kỳ. Ngoài ra, một số mặt hàng như da giày, thủ công mỹ nghệ và nông sản cũng có lợi thế cần tập trung khai thác.

Trong bối cảnh XK sang Hoa Kỳ đang có nhiều khó khăn, Ông Lê Quốc Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) đã đưa ra một số khuyến nghị như: các DN Việt Nam nên đưa hàng hóa thông qua hệ thống siêu thị, bởi thị trường Hoa Kỳ được thâu tóm bởi mạng lưới phân phối, nên các nhà XK Việt Nam cần tạo quan hệ tốt với các nhà phân phối. Cụ thể, hiện có không ít người Việt Nam phân phối hàng hóa trên toàn Hoa Kỳ đối với một số ngành hàng riêng lẻ, nếu các DN đẩy mạnh các mối quan hệ này sẽ tạo thêm cơ hội cho hàng hóa của mình.

Một trong những yếu tố được xem là khá nhạy cảm nữa đó là việc Hoa Kỳ trao quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam. Nếu năm 2009 việc này hoàn tất thì các mặt hàng nhựa, nông sản, thủy sản… có cơ hội được hưởng mức thuế từ 0 đến 5%, đây quả là một lợi thế lớn để các DN, ngành hàng tận dụng chớp lấy thời cơ để tăng kim ngạch XK. Tuy nhiên, bên cạnh những lối mở như vậy, năm 2009 được xác định là năm cực kỳ khó khăn đối với hoạt động XK, nhất là XK sang Hoa Kỳ, nơi được gọi là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và chiếm tới 21% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, các cơ quan chức năng phải sớm đưa ra những đối sách kịp thời, định hướng và giúp cho các DN, ngành hàng có những giải pháp tối ưu, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xẩy ra, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ thị trường rộng lớn này.

(Theo Vinanet)

  • Thực hiện quyết liệt 5 nhóm giải pháp cấp bách trong năm 2009
  • Sản lượng cá tra sẽ giảm mạnh trong năm 2009
  • Kinh tế Việt Nam 2009: Bay thế nào trong thời tiết xấu?
  • Tổng nguồn vốn đầu tư năm 2009 lên tới 300 nghìn tỷ đồng
  • Năm 2009: Sản xuất xi măng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước
  • Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2009
  • Vào năm 2009: Lãi suất cho vay sẽ ở mức 6-7,5%/năm?
  • Giải pháp cho kinh tế Việt Nam 2009: Ưu tiên ổn định vĩ mô và tạo việc làm
  • Năm 2009: Dự báo sẽ dư thừa xi măng
  • Năm 2009: Vẫn có cơ hội cho xuất khẩu lao động
  • Năm 2009: Nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm
  • Năm 2009, TKV phấn đấu sản xuất 33,5 triệu tấn than
  • Hà Nội đề nghị chi thêm vốn đầu tư vào hạ tầng năm 2009
  • Triển vọng thị trường trái phiếu 2009?
  • Năm 2009, Việt Nam sẽ nhập 34.000 tá trứng gia cầm và 250.000 tấn muối