Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải pháp cho kinh tế Việt Nam 2009: Ưu tiên ổn định vĩ mô và tạo việc làm

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này có sức lan tỏa nhanh và mạnh, theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam đầu tiên là khu vực xuất khẩu và đầu tư, qua đó sẽ ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Bài toán đặt ra cho Việt Nam lúc này là gì? Các chuyên gia kinh tế đã có những nhận định và đưa ra các giải pháp tại hội thảo kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2009 diễn ra sáng 22-12, tại TP.HCM.

Kích cầu phải đúng chỗ

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, để lái nền kinh tế vượt qua thách thức trong năm 2009 cần phải ưu tiên hàng đầu trực tiếp hiện nay là ổn định vĩ mô và tạo việc làm. Việt Nam cần duy trì tăng trưởng nhưng việc làm, thu nhập của nhóm người nghèo, lòng tin và sự ổn định của xã hội còn quan trọng hơn. Giai đoạn vừa qua lạm phát có giảm đi, Chính phủ cũng bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng về đại cục, ổn định vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu. Việc nới lỏng nếu quá mức sẽ chứa đựng nguy cơ làm lạm phát có thể bùng phát trở lại. Vì thế, nới lỏng chính sách tiền tệ mà không kiểm soát được trong điều kiện hiện nay là rất nguy hiểm.

Theo ông Thiên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang yếu, bất ổn cả ở vĩ mô lẫn “sức khỏe” của doanh nghiệp và được ví như con rắn đang lột xác. Vì thế, rất dễ bị tổn thương khi có các tác động từ bên ngoài nhưng nếu vượt qua được thì sẽ phát triển bền vững. Các nút thắt ảnh hưởng đến phát triển cần phải tháo gỡ như: hạ tầng, điện, khu vực nông nghiệp - nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là những khu vực vừa tạo việc làm vừa tăng trưởng và tạo ổn định xã hội. Phải chú trọng đến tiền lương, cơ cấu lại chi tiêu ngân sách và phải tính lại vấn đề tỷ giá hối đoái. Về gói kích cầu của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng cần phải kích đúng chỗ, nếu không sẽ tác động ngược lại càng có thể tạo nguy cơ cho nền kinh tế. Phải có thời gian để soạn ra một cái chuẩn để rót nguồn vốn này, nếu không anh mạnh sẽ tiếp cận được, còn anh yếu thì không thể.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lo ngại: Nếu đồng tiền nào được chi ra từ Chính phủ mà không nhận lại được càng làm tăng thêm thâm hụt cho ngân sách. Kích cầu phải tạo ra được giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ông Anh cho rằng: Ưu tiên số 1 cho gói kích cầu là phải tạo công ăn việc làm, từ đó tạo niềm tin trong xã hội, cải thiện an sinh cho khu vực nông thôn. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy, ví von: “Phải xem gói kích cầu như nước mồi của máy bơm để kích hoạt hoạt động của nó”. Còn ông Trương Đình Tuyển lại ẩn dụ gói kích cầu như một “bộ khuếch đại” và các doanh nghiệp đừng “chăm chăm” vào đó.

Phải chiếm lĩnh được thị trường nội địa

Năm 2009, DN Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gay gắt về giá cả và nỗi lo hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc... Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Tuyển thì vẫn có những thuận lợi và các DN cần phải chớp thời cơ. Đó là lãi suất đang giảm xuống, cơ chế thỏa thuận giữa ngân hàng và DN sẽ tạo điều kiện tốt hơn để kinh doanh. Cơ chế bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa thông qua ngân hàng chính sách. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực cải cách trong đầu tư xây dựng cơ bản... Tiềm năng của đất nước trong trung hạn và dài hạn cũng rất sáng sủa. Về thị trường phải cố gắng duy trì ở thị trường truyền thống và chú ý mở rộng thị trường mới ở châu Phi và khu vực Trung Đông. Ông Tuyển nhấn mạnh: “DN phải chú ý khai thác thị trường nội địa, phải đứng vững trên thị trường này trước đã thì mới cạnh tranh được ở nước ngoài. Phải xem thị trường nội địa là cơ sở phát triển và thị trường nước ngoài là quan trọng. Đồng thời, phải giữ cho được công nhân, chủ doanh nghiệp phải chia sẻ cùng công nhân thì khi có cơ hội trở lại mới kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trả lời câu hỏi của DN về việc thời điểm này đã nên vay ngân hàng để tiếp tục đầu tư sản xuất hay chưa, ông Lê Đức Thúy cho rằng: mỗi doanh nghiệp phải xem thực lực của mình như thế nào, đầu tư ra sao. Nếu theo tính toán với mức lãi suất hiện nay đã có lời thì DN nên đầu tư, không nên tiếp tục ngồi chờ cho ngân hàng tiếp tục giảm nữa. Bởi, đợi đến lúc lãi suất thấp, nhiều DN cùng vay vốn đầu tư thì sự cạnh tranh lại khốc liệt hơn và chưa chắc đã cạnh tranh được với DN khác.

Theo ông Thúy, năm 2009 nên theo đuổi kịch bản với mức tăng trưởng trên dưới 5%. Đồng thời, tập trung nguồn lực để gia cố nền tảng, đừng vì ngắn hạn mà ảnh hưởng đến lâu dài. Phải ngăn chặn việc đình đốn sản xuất và nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng, không chỉ đơn giản là việc hạ lãi suất. Chính phủ phải tăng chi tiêu để làm mồi nên sẽ bội chi ngân sách, do đó cần trình quốc hội chấp nhận bội chi hơn 5% trong ngắn hạn... Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, lãi suất hiện nay chưa đủ giúp DN cải thiện tình hình và nên áp dụng cơ chế bỏ lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước ban hành, hãy để cho chính ngân hàng tự quyết định điều chỉnh. Đồng thời, phải có Ủy ban Quốc gia về dự báo kinh tế để chủ động đối phó khi có tác động đối với nền kinh tế...

(Theo báo Bình Dương)

  • Thực hiện quyết liệt 5 nhóm giải pháp cấp bách trong năm 2009
  • Sản lượng cá tra sẽ giảm mạnh trong năm 2009
  • Kinh tế Việt Nam 2009: Bay thế nào trong thời tiết xấu?
  • Tổng nguồn vốn đầu tư năm 2009 lên tới 300 nghìn tỷ đồng
  • Năm 2009: Sản xuất xi măng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước
  • Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2009
  • Vào năm 2009: Lãi suất cho vay sẽ ở mức 6-7,5%/năm?
  • Giải pháp cho kinh tế Việt Nam 2009: Ưu tiên ổn định vĩ mô và tạo việc làm
  • Năm 2009: Dự báo sẽ dư thừa xi măng
  • Năm 2009: Vẫn có cơ hội cho xuất khẩu lao động
  • Năm 2009: Nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm
  • Năm 2009, TKV phấn đấu sản xuất 33,5 triệu tấn than
  • Hà Nội đề nghị chi thêm vốn đầu tư vào hạ tầng năm 2009
  • Triển vọng thị trường trái phiếu 2009?
  • Năm 2009, Việt Nam sẽ nhập 34.000 tá trứng gia cầm và 250.000 tấn muối