Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm 2009: Cơ hội quay trở lại đầu tư

100 nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã đến tham dự hội nghị khách hàng của Tập đoàn VinaCapital diễn ra vào hai ngày 10 và 11/11. Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam thở phào: "Tôi sợ người ta không đến, ở nhà để giải quyết những khó khăn từ thị trường nước họ". Số lượng nhà đầu tư tham dự hội nghị khách hàng của một trong những đơn vị quản lý quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam nói trên đã cho thấy mức độ quan tâm của nhà ĐTNN đến TTCK Việt Nam. Chỉ có quan tâm thật sự họ mới đến cập nhật thông tin về thị trường mới nổi như Việt Nam, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới đang diễn ra.

Ông Andy Ho, Giám đốc Quỹ đầu tư VOF (thuộc VinaCapital) nhận định, TTCK Việt Nam có tiềm năng lớn. Năm 2009 là cơ hội để nhà ĐTNN quay trở lại Việt Nam sau khi nhiều nhà đầu tư đã bán ra phần lớn cổ phiếu do lo ngại khủng hoảng tài chính thế giới tác động xấu đến thị trường và sức ép giữ tiền mặt để tăng tính thanh khoản.

Theo ông Andy Ho, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hòa đồng và thấp hơn so với nhiều thị trường khác. Chỉ số P/E trung bình của TTCK Việt Nam hiện là 10 lần, trong khi của Singapore là 11,4 lần, Hàn Quốc 11,6 lần, Malaysia 12,2 lần, Trung Quốc 12,6 lần, Hồng Kông 13,4 lần, Nhật Bản 14 lần, Indonesia 14,9 lần…

Lãi suất vay vốn đang giảm và cần có thời gian để lãi suất giảm thấp hơn. Mức lãi suất vay vốn 14 - 15%/năm chỉ đáp ứng nhu cầu cần vốn ngắn hạn của doanh nghiệp. Lãi suất giảm xuống 10%/năm mới đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Thời gian để lãi suất thấp hơn nữa là trong vòng 6 tháng tới. "Với chính sách nới lỏng tiền tệ đang được thực hiện thì Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn", ông Andy Ho nói.

Trưởng nhóm phân tích CTCK Vina Secuirities Adrian F.Cundy cho rằng, TTCK Việt Nam đem lại cơ hội tốt và tích cực hơn nếu so sánh với thị trường lân cận như Thái Lan hay Malaysia. Sản xuất công nghiệp ở Việt Nam vẫn có chi phí lao động rẻ, với mức tăng trưởng ấn tượng 5 - 6% so với mức tăng trưởng bình quân 3% của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt bởi Chính phủ. Tín hiệu tích cực là nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản mong muốn đến Việt Nam đầu tư sản xuất - kinh doanh. Kinh tế Việt Nam có thể dựa vào tiêu dùng nội địa để phát triển.

Thời gian qua, VinaCapital không phải là ngoại lệ trong làn sóng bán ra nhiều cổ phiếu niêm yết, nhưng hành động này được lý giải là thực hiện chiến lược đầu tư giá xuống, ưu tiên giữ tiền mặt và tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Chiến lược đầu tư trong bối cảnh hiện nay của VinaCapital cũng như nhiều nhà ĐTNN khác là thận trọng. "Chúng tôi vẫn giữ danh mục đa dạng, song chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế như tiêu dùng, y tế, hạ tầng, viễn thông di động. Các công ty nhỏ nhưng có triển vọng kinh doanh tốt cũng có sức hút rất lớn", ông Andy Ho nói và cho biết, trong những cơ hội trên thị trường hiện nay, có nhiều công ty Việt Nam do thiếu tiền mặt dự phòng nên gặp khó khăn, phải kêu gọi vốn từ các quỹ ĐTNN, nhưng thường thì quỹ đầu tư sẽ đề phòng các công ty này do quan niệm những người điều hành công ty đã tỏ ra kém năng lực khi để công ty rơi vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc VinaCapital, thời điểm này giá cả nhiều loại chứng khoán đã thấp hơn giá trị thực, nhà đầu tư có thể mua được nhiều tài sản với giá rẻ. Ông Chí cho rằng, nền kinh tế mặc dù còn khó khăn trong 1 năm nữa, nhưng chứng khoán ở Mỹ hay ở Việt Nam bao giờ cũng phục hồi sớm hơn sự phục hồi của nền kinh tế, vì ai cũng muốn đón mua trước khi thị trường tăng trở lại.

Ông Adrian F.Cundy nhận định, sẽ có rất ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng 5 - 6% trong năm 2009. Ông cũng đánh giá rằng, theo chu kỳ phát triển, triển vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2010 là rất tích cực trong mối tương quan chung với các nền kinh tế khác. "Theo tôi, chỉ cần đến quý III, quý IV/2009 sự tích cực của nền kinh tế Việt Nam sẽ được thấy rõ và khi kinh tế đã ổn định thì cơ hội trên TTCK còn lớn hơn", ông Adrian F.Cundy nói. Còn ở thời điểm này, ông Adrian F.Cundy đánh giá, chỉ số P/E trung bình của quý IV/2008 có thể thấp hơn hiện tại một chút và tăng trưởng P/E của thị trường năm 2009 là từ 5 - 10%.

      

(Theo ĐTCK)

  • Những giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2009
  • Mục tiêu, kế hoạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2009
  • Kinh tế 2009: Vẫn nặng nỗi lo lạm phát
  • Chứng khoán 2009: Lo ngại sức cầu
  • Năm 2009: Cơ hội quay trở lại đầu tư
  • Lạm phát năm 2009 sẽ không ở mức 12%-14%
  • Lạm phát năm 2009 sẽ xuống một con số ?
  • Năm 2009: Việt Nam vẫn là tâm điểm thu hút FDI
  • Năm 2009 đẩy mạnh huy động trái phiếu chính phủ
  • Năm 2009: Thị trường bất động sản sẽ hồi phục
  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009: Phấn đấu GDP tăng trưởng 6,5%
  • Đề nghị xây dựng lại phương án thu ngân sách năm 2009
  • Năm 2009 cần nhập khẩu 3,5 triệu tấn phân bón
  • Lào Cai và vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp): Tiếp tục hợp tác sâu 3 lĩnh vực quy hoạch đô thị, du lịch và nông nghiệp giai đoạn II (2009 – 2012)
  • Diễn biến thị trường phân bón năm 2008 và dự báo năm 2009