Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long |
Trên phạm vi cả nước, chúng ta đã bảo đảm an ninh lương thực (ANLT), song với tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, tình trạng thiếu lương thực (LT) cục bộ vẫn xảy ra ở các hộ nghèo vào từng thời điểm trong năm, nhất là hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai... Để bảo đảm ANLT bền vững, một đề án về vấn đề này đã được Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT dự thảo với tầm nhìn đến 2020.
Thực trạng: chưa hài hòa
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, nước ta đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng vẫn còn một bộ phận dân cư thiếu gạo ăn. Chất lượng, vệ sinh an toàn một số loại LT, thực phẩm (TP) chưa cao và đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Hệ thống chế biến, bảo quản LT còn nhiều bất cập, hệ thống kinh doanh LT hoạt động với hiệu quả chưa cao. Cơ cấu dùng LT còn chưa hợp lý, gạo chiếm chủ lực trong khẩu phần ăn, tỷ lệ các loại TP khác còn thấp. Bảo đảm ANLT chưa kết hợp hài hòa với phát triển bền vững.
Dân số nước ta tiếp tục tăng đòi hỏi tăng nguồn cung LT, TP. Năm 2007, dân số toàn quốc trên 85,1 triệu người, theo dự báo dân số nước ta tiếp tục tăng bình quân khoảng 1,0-1,2%/năm trong vài thập niên tới. Đến năm 2020, dân số nước ta khoảng 100 triệu người và ổn định khoảng 120 triệu người sau năm 2030. Bình quân LT đầu người giai đoạn 1996-2001 tăng từ 430,3 kg/năm lên 501,1 kg/năm (tăng 3,29%), giai đoạn 2002-2006 tăng từ 540,5kg/năm lên 551,2 kg/năm (tăng 1,95%)...
Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất và nước đang từng ngày tác động đến ANLT quốc gia. Các nghiên cứu của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPPC) và Ngân hàng Thế giới đã dự báo: Việt Nam là một trong 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng nước biển dâng cao và sẽ gây ngập lụt hoặc nhiễm mặn cho hàng triệu ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế tạo ra nhiều cơ hội phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu đa dạng về tiêu dùng LT nhưng cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước.
Mục tiêu đề án: phát triển bền vững
Theo số liệu Tổng cục Thống kê được ông Ngọc dẫn chứng tại hội nghị triển vọng thị trường ngành nông nghiệp 2009 thì, cả nước hiện có khoảng 6,7% số hộ thiếu đói LT, trong đó khu vực nông thôn chiếm 8,7% và thành thị là 2,2%. Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, dự thảo đề án cũng đưa ra mức phấn đấu chấm dứt tình trạng thiếu đói LT vào năm 2012. Đồng thời, nâng cao mức độ ANLT cho các nhóm có nguy cơ thiếu LT; cải thiện tình trạng dinh dưỡng hướng tới cân đối dinh dưỡng và nâng cao mức tiêu thụ calo bình quân hàng ngày lên 2.600 - 2.700 Kcalo. Song song đó, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn dưới 5%; cải thiện cơ cấu và chất lượng tiêu dùng LT, phấn đấu đạt mức tiêu thụ bình quân/người vào năm 2020: Mức tiêu dùng gạo giảm xuống còn 100 kg/người/năm và bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng LT cho người tiêu dùng.
Một ngân hàng dữ liệu về ANLT và dinh dưỡng trên quy mô quốc gia và các địa phương cũng được đề nghị xây dựng trong dự thảo. Đồng thời, củng cố và kiện toàn hệ thống thông tin về giám sát dinh dưỡng bao gồm tiêu dùng LT, TP và tình trạng dinh dưỡng trên phạm vi quốc gia, hệ thống dự báo và giám sát mùa màng, hệ thống thông tin thị trường LTTP... Đặc biệt, còn chú ý phát triển khoa học công nghệ để thúc đẩy ANLT. Triển khai đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp, trọng tâm là áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, bảo quản, chế biến lúa ngô. Đi đôi đó là phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển lúa gạo, nâng cao chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn TP...
(Theo Trung Đồng - báo điện tử Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com