Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đến năm 2020, ngành thuỷ sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT: Trong tháng 4/2009, xuất khẩu thuỷ sản đạt 300 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 1,05 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2020 sản lượng sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD.

Việt Nam là một trong số 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Năm 2008 xuất khẩu thủy sản đã đem lại cho đất nước 4,562 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu thuỷ sản quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật và Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2009, mặt hàng cá tra, basa xuất khẩu tăng khoảng 1,5% với 116.600 tấn với tổng giá trị xuất khẩu đạt 265 triệu USD. Ngoài ra, sản lượng cá ngừ xuất khẩu đạt 8.870 tấn với giá trị đạt 28,4 triệu USD. Mặt hàng tôm (đông lạnh và chế biến) xuất khẩu đạt 27.800 tấn, đạt giá trị 234 triệu USD. Nhật Bản là thị trường chính tiêu thụ mặt hàng tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 34,77% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước.  
Để đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho việc phát triển ngành thủy sản, tại Đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu hàng hoá giai đoạn 2009 - 2010”, Bộ Công Thương đã xác định khó khăn chủ yếu mà các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang gặp phải, đó là áp lực từ các hành vi bảo hộ thương mại, các hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và thường xuyên ban hành các tiêu chuẩn mới hơn về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản hiện nay đang thiếu nguyên liệu trong nước để sản xuất trong khi thuế nhập khẩu ở mức cao 10% - 20%, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động được khoảng 70% công suất do thiếu nguyên liệu chế biến.
Các chuyên gia ngành Thuỷ sản cho biết, thời gian qua, ngành Thủy sản Việt Nam phát triển còn mang đầy những yếu tố rủi ro cao và không bền vững. Trong khai thác hải sản, số đơn vị thuyền nghề thua lỗ, hòa vốn chiếm tới 3/4. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh song nhiều nơi vẫn còn tình trạng tự phát và luôn trong tình trạng “được mùa thì rớt giá”. Trong khi đó, chế biến thuỷ sản xuất khẩu phát triển mạnh nhưng tính cạnh tranh chưa cao, đang có sự mất cân đối, cân bằng, thiếu hài hòa giữa các ngành nghề, giữa chủ thể và các môi trường trong quy trình sản xuất - kinh doanh- dịch vụ thủy sản. Bên cạnh đó, sự liên kết và phân công sản xuất còn nhiều vấn đề, việc xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới gần như mới bắt đầu; nguồn nguyên liệu chưa ổn định. 
 
Không những thế, hiện tượng quy hoạch treo vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương; quy hoạch thiếu căn cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn; quy hoạch chi tiết ở các địa phương thường tiến hành trước các quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng. Khi quy hoạch đã được xây dựng thì phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch. Mặt khác, công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch ở nhiều nơi không được thực hiện, hoặc có thực hiện cũng chiếu lệ không đủ cơ sở để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế sản xuất. 
 
Để phát triển ngành Thuỷ sản một cách bền vững, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT đều đưa ra ý kiến cần phát triển ngành đi liền với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với nhu cầu của thị trường, hướng mạnh về xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Cơ cấu sản phẩm thương mại phải có bước chuyển mạnh từ các mặt hàng nguyên liệu thô sang các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, sản phẩm ăn liền, thực phẩm chức năng với ngày càng nhiều mặt hàng có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.  
 
Với hướng đi này, trước mắt trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, ngành Thuỷ sản đặt mục tiêu sản lượng tăng bình quân 2,66%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 3,71%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, tăng trên 55% so với mức thực hiện năm 2008.

(Theo Vinanet)

  • Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7 tỉ USD vào năm 2020
  • Đến năm 2020, ngành thuỷ sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD
  • Hơn 4.700 tỉ đồng dành hỗ trợ lao động xuất khẩu
  • 2.000 tỷ đồng cho Đề án đào tạo nguồn nhân lực KH-CN hạt nhân Việt Nam
  • Đề án an ninh lương thực quốc gia đến 2020: Chấm dứt thiếu đói và nâng cao chất lượng lương thực
  • 5 lĩnh vực trọng tâm, tập trung đầu tư
  • Đầu tư ngành thép: "Đừng phó mặc cho nước ngoài"
  • Đến năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ có 39 khu công nghiệp
  • Bình Định phấn đấu đến 2020 có nền công nghiệp hiện đại
  • Hội thảo chiến lược phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam đến năm 2020
  • Năm 2020, Việt Nam thừa 35 triệu tấn xi măng
  • Trước năm 2010: Cần Thơ trở thành thành phố cấp quốc gia
  • Định hướng quy hoạch hệ thống Hàng không và đường thuỷ TP.HCM 2020
  • Đến năm 2020, vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đóng góp 6,5-7% GDP cả nước
  • Đến năm 2020: Phấn đấu đạt 39-41 triệu tấn thóc/năm