Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020

 
Xuất khẩu lao động cần được quan tâm nhiều hơn để có "thương hiệu" trên thị trường thế giới.

Đổi mới cơ chế tài chính là khâu đột phá cho công tác đào tạo nghề, theo đó ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ người học nghề bằng cách cho vay vốn.

Tuy nhiên phải có dự báo về nhu cầu học nghề hàng năm, tránh đầu tư dồn dập vào các cơ sở dạy nghề, dẫn tới tình trạng có trường nhưng không có người học, gây dư thừa trong mạng lưới đào tạo nghề, lãng phí cho xã hội. 

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị truyền hình trực tuyến về Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 tại 5 điểm cầu: Văn phòng Chính phủ; Tp. Hà Nội; Tp. Hồ Chí Minh; Tp. Đà Nẵng và Tp. Cần Thơ nhằm lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương.

Với tổng kinh phí dự kiến là 41.289,85 tỷ đồng, Đề án hướng tới mục tiêu giai đoạn 2009 -2020 dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người để bảo đảm vào năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%. 

Đến năm 2020, cả nước có 230 trường cao đẳng nghề và 310 trường trung cấp nghề. Giai đoạn 2009-2020 đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho 40.000 người để thành giáo viên dạy nghề. Đến năm 2020, 100% trường đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề được ban hành khung chương trình; 90% trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, 70% trung tâm dạy nghề và 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng... 

Đề án đề cập đến 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá là đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng, Đề án được triển khai trong thời gian tới sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực. 

Tuy nhiên, để Đề án đi vào cuộc sống thật sự hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội phải chú ý đổi mới quản lý tài chính gắn với đào tạo nghề đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo ra sự tương đồng về đào tạo nghề giữa hai bộ. Cần phải làm rõ ngân sách Nhà nước đầu tư như thế nào và đầu tư vào đâu. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Đề án cần quan tâm tới nội dung làm thế nào để xuất khẩu lao động Việt Nam trở thành một nội dung quan trọng và có thương hiệu trên thị trường thế giới. 

Về giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sơ kết cuộc vận động đổi mới nhận thức xã hội dạy nghề 2008 - 2010 và triển khai cuộc vận động mới cao hơn nữa cho giai đoạn sau. 

Phó Thủ tướng hoan nghênh Đề án đã đề ra phương hướng đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề, theo đó giai đoạn 2009-2015 tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chương trình khung dạy nghề làm cơ sở cho các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình dạy nghề; sau năm 2015 phải phủ kín chương trình khung. Trong dạy nghề lưu ý tiếp thu những công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào giảng dạy; lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính đột phá để phát triển.

(Theo Lý Hà // VnEconomy)

  • Quy hoạch 211 cảng cá, bến cá
  • Bình Thuận quy hoạch ngành nghề đến năm 2020
  • 100% đoàn tàu không gây ô nhiễm môi trường vào năm 2020
  • Sóc Trăng: Đầu tư hơn 100 tỉ đồng phát triển lâm nghiệp
  • KKT Đông Nam (Quảng Trị) vào quy hoạch phát triển đến năm 2020
  • 44.000 tỷ đồng xây dựng các nhà máy xử lý chất thải
  • Quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp Hà Nội đến 2020
  • 100% hộ gia đình được xem truyền hình số vào năm 2020
  • Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020
  • Cần có hoạch định một chiến lược cụ thể để trở thành nước xuất khẩu ca cao hàng đầu
  • Phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL lên 80%
  • Diện tích trồng bông vải sẽ tăng đến 76.000 ha vào năm 2020
  • Hơn 9.000 tỷ đồng phát triển thương mại nông thôn
  • Sẽ quy hoạch lại ngành xi măng
  • Hiện đại hóa hệ thống cảng biển Hải Phòng