Kiểm tra thiết bị tại Trạm biến áp 110kV Thạch Thất. Ảnh: Ngọc Hà |
- Chỉ còn ít ngày nữa là năm 2009 kết thúc. Một năm khó khăn với các doanh nghiệp, nhất là với ngành kinh tế chủ lực cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Khép lại một năm khó khăn, đồng thời khép lại chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển - quãng thời gian không dài nhưng đủ để cho ngành điện nhìn lại quá khứ để vươn lên; một thời gian không ngắn đủ có cơ hội thay đổi tư duy để đáp ứng thị trường.
Vươn lên từ nghèo nàn, lạc hậu
Với cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu tiếp quản từ chế độ thực dân Pháp, cán bộ, công nhân viên ngành điện vừa sửa chữa máy móc để duy trì sản xuất điện phục vụ cho công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, vừa khẩn trương xây dựng các công trình nguồn, lưới điện mới như Nhà máy điện Vinh (8MW), Lào Cai (8MW), Việt Trì (16MW), Thái Nguyên (24MW), Hà Bắc (12MW), Uông Bí (48MW) cùng hàng trăm kilômét đường dây, hàng chục trạm biến áp (TBA) truyền tải... Đến năm 1965, thời điểm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công suất nguồn điện của nước ta đã gấp 5, 6 lần so với năm 1954, sản lượng tăng 11,7 lần, đạt tốc độ tăng trưởng 31,35%/năm. Năm 1975, đất nước thống nhất, lại một lần nữa ngành điện phải chuẩn bị lực lượng tiếp quản, quản lý điều hành lưới điện miền Nam. Cuối năm 1975, tổng công suất các nguồn điện trong cả nước đạthơn 1.326 MW; sản lượng điện phát gấp 24 lần năm 1954. Đặc biệt, từ năm 1995 đến nay, ngành điện đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt nhân dân...
Nỗ lực phát triển
Do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên tăng trưởng phụ tải của năm 2009 có diễn biến khác biệt giữa hai nửa của năm. 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm chỉ tăng 8%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP là 3,9%. 6 tháng cuối năm, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, trong đó có tác động tích cực từ các gói kích cầu của Chính phủ, kéo theo sự tăng trưởng nhanh hơn của nhu cầu điện. Theo đó, năm 2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bảo đảm cung cấp với lượng điện thương phẩm đạt 74,3 tỷ kWh, tăng 12% so với năm 2008, trong đó, điện sản xuất của EVN là 57 tỷ kWh. Cũng trong năm nay, EVN đã thu xếp nguồn vốn đầu tư với tổng giá trị hơn 47.700 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay) bằng việc chủ động và đẩy mạnh phát hành trái phiếu, bán vốn cổ phần, tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các dự án nguồn, lưới điện, tạo điều kiện bảo đảm tiến độ các dự án theo Quy hoạch điện VI và các dự án cấp điện cho khu vực nông thôn, nhất là dự án cấp điện thôn buôn 5 tỉnh Tây Nguyên, cấp điện cho đồng bào Khmer ở Sóc Trăng và Trà Vinh. Việc hoàn thành kế hoạch tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn tại hơn 2.900 xã trên cả nước đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân nông thôn từ việc được hưởng chính sách giá điện.
Xóa thế độc quyền
Những năm gần đây, ngành điện đã nỗ lực xóa bỏ tình trạng độc quyền và đã có những bước tiến rõ rệt. Không chỉ ở đô thị, mà đến nay ở cả khu vực nông thôn, người dân sử dụng điện đã được hưởng lợi từ các dịch vụ trong ứng dụng hoạt động từ các tổng đài giải đáp thắc mắc liên quan đến hoạt động điện lực và sử dụng điện. Như vậy, bất cứ khách hàng nào cũng đều có thể báo sửa chữa điện, yêu cầu giải đáp thắc mắc hoặc đề nghị tư vấn suốt 24/24h. Khách hàng có thể kết nối mạng internet đến các địa chỉ trang web của các công ty điện lực, EVN để tra cứu thông tin về lịch cắt điện, biểu giá bán điện hiện hành, chi phí lắp đặt cấp điện, thủ tục xin cấp điện, số lượng điện tiêu thụ hằng tháng của khách hàng… Ngoài ra, ngành điện đã gửi hàng triệu thư xin ý kiến khách hàng, từ đó có thông tin hai chiều để cải tiến chất lượng dịch vụ; thường xuyên báo cáo với các ngành liên quan để nghe ý kiến phản ảnh của người dân, từ đó khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu dùng điện của khách hàng.
Để tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực, EVN đã xây dựng dự án đấu nối lưới điện khu vực các nước ASEAN. Hiện, EVN đã bán điện cho một số vùng của Lào, Campuchia và mua điện từ Trung Quốc. Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2010 mục tiêu chính của Tập đoàn là tập trung nỗ lực bảo đảm cung ứng điện phát triển kinh tế - xã hội, đón đầu phục hồi nền kinh tế với việc sẽ đưa một số công trình quan trọng vào vận hành, như Nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Thủy điện Bản Vẽ, tổ máy đầu tiên của Thủy điện Sơn La…; triển khai các dự án Nhiệt điện Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Thủy điện Lai Châu, cụm nhiệt điện Ô Môn… để bảo đảm điện cho những năm tiếp theo. EVN cũng sẽ quyết liệt hơn trong việc thực hiện chương trình tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tăng năng suất lao động từ 7% đến 10%, tiết kiệm chi phí 5% so với định mức được duyệt...
(Theo Thanh Mai // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com