Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Gam màu” sáng từ cuối quý I/2010

Với những thông tin hiện hữu, những “gam mầu” tươi sáng trong ngắn hạn (đến quý 1/2010) chưa rõ ràng. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế có thể có những thay đổi vào cuối quý I/2010 hoặc khi bước sang quý II/2010.

 

Thâm hụt thương mại và tỷ giá hối đoái

Đến tháng 11/2009, nhập siêu của Việt Nam đạt 10,42 tỷ USD, con số này có khả năng sẽ tăng tiếp vào tháng 12, thậm chí là tháng 1-2/2010 vì gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu vào giai đoạn cuối năm, đặc biệt là cuối năm âm lịch.

Gia tăng nhập siêu tương ứng sẽ gia tăng áp lực lên nhu cầu ngoại tệ, do đó trong thời gian tới Việt Nam có lẽ sẽ phải tiếp tục đối mặt với vấn đề tỷ giá.

Vừa qua, NHNN đã “bơm” USD để nhằm bình ổn thị trường ngoại hối. Tỷ giá liên ngân hàng đã giảm nhiệt từ 19.500-19.800 VND/USD xuống 18.800 VND/USD và hiện tại đang dao động quanh mốc 19.000

VND/USD.

Thị trường ngoại tệ hiện nay được đánh giá là trầm lắng do một số nguyên nhân:

Thứ nhất, do NHNN có động thái “bơm” USD để duy trì chính sách thay đổi vừa qua, các NHTM cũng đang chờ đợi sự thay đổi.

Thứ hai, bản thân các NHTM cũng chỉ làm môi giới chứ không phải là một nhà đầu tư, do đó tỷ giá sẽ do cung cầu trên thị trường quyết định, và điều này lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi cán cân xuất nhập khẩu.

Thứ ba, các NHTM trong năm cũng đã thu được được khá nhiều lợi nhuận khi tỷ giá biến động một cách bất thường, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tăng mạnh, do đó cũng sẽ có động thái “nghỉ giải lao”, ít nhất là đến hết năm dương lịch.

Động thái bình ổn thị trường ngoại hối của NHNN là hết sức cần thiết, tuy nhiên theo đánh giá của chúng tôi, sẽ xảy ra 2 kịch bản.

Kịch bản 1 là NHNN cung đủ ngoại tệ cần thiết để làm cho tỷ giá niêm yết và tỷ giá tự do xích lại gần nhau.

Kịch bản 2 là NHNN không đủ lượng USD để cung ra thị trường và tỷ giá sẽ lại sớm quay trở lại “đường đua”.

Theo ước tính trước đây của NHNN thì lượng ngoại tệ các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước gửi tại các tổ chức tín dụng là 10 tỷ USD, trong khi đó đợt kiểm tra vừa qua thì đến 30/11 con số này chỉ là 1,9 tỷ USD.

Theo một số ý kiến, việc nâng tỷ giá vừa qua sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ bán lại cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu tỷ giá niêm yết và tự do còn có sự chênh lệch lớn thì các doanh nghiệp sẽ còn kỳ vọng ở mức tỷ giá lớn hơn.

Với nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, thì dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục có những biến động tăng mạnh trong thời gian tới vì: (i) cầu về ngoại tệ tăng khi nhu cầu nhập hàng để bán và sản xuất tăng mạnh vào cuối năm; (ii) cung ngoại tệ giảm vì: FDI, ODA cũng đã giải ngân một số lớn trong năm, cuối năm sẽ giảm bớt; kiều hối năm nay không nhiều như năm ngoái; doanh nghiệp xuất khẩu không chịu bán ngoại tệ, chỉ có các tập đoàn chịu chi phối của Chính phủ.

Mặt khác, ngay khi tỷ giá có xu thế biến động tăng, thì người dân sẽ có xu hướng dồn tiền để mua USD dự trữ, điều này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác như: chứng khoán, bất động sản, vàng.

Đồng thời, tâm lý bi quan đối với sự mất giá của đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng xấu đến TTCK.

Thâm hụt ngân sách và chính sách tài khoá

Trong năm 2009, tổng thu NSNN khoảng 390 nghìn tỷ đồng trong khi đó tổng chi NSNN ước tính khoảng 533 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bội chi NSNN 2009 khoảng 143 nghìn tỷ đồng.

Điều này một phần do chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam được triển khai trong năm 2009: vừa hỗ trợ lãi suất, tăng chi tiêu cho đầu tư; vừa giảm thuế để kích thích đã làm cho thâm hụt ngân sách của Việt Nam tăng mạnh, nếu như năm 2008 mức thâm hụt chỉ là 4,1% GDP thì đến 2009 con số này tăng lên gấp 2 lần.

Chính vì thâm hụt ngân sách tăng quá nhanh và mạnh, nên dư địa để cho Chính phủ tiếp tục sử dụng chính sách tài khoá trong năm 2010 là rất hạn chế, nếu tiếp tục kích thích mạnh thì thậm chí sẽ có những phản ứng phụ khi nợ Chính phủ tăng quá cao.

Do đó, các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ ít nhất là đến quý 1/2010 sẽ khó có khả năng đưa ra.

Lạm phát và lãi suất

Tính đến tháng 11/2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,07% so với tháng 12/2008 và sẽ có khả năng đạt ở mức 6% - 6,2% trong năm nay.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có thể thấy chỉ số này biến động tăng mạnh trong một vài tháng tới, do một số nguyên nhân sau:

Việc NHNN thay đổi tỷ giá niêm yết VND/USD 5,44% sẽ làm cho giá cả nguyên vật liệu, hàng hoá nhập khẩu tăng giá.

Về mặt lý thuyết, đây là cơ hội để cho hàng nội địa cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, nhưng trong thực tế điều này cũng là cơ hội để cho hàng nội địa tăng giá tương ứng. Chính vì thế, sẽ tạo nên một sức ép rất lớn đối với chỉ số CPI trong tháng 12/2009 và tháng 1-2/2010, khi Tết nguyên đán đang đến gần.

Càng về cuối năm thì giá cả của hàng hoá, dịch vụ càng tăng mạnh do nhu cầu của người dân chuẩn bị đón 2 kỳ tết trong năm

Mức so sánh đã bị thay đổi: nếu như năm 2009 ta so sánh với năm 2008, trong khi đó năm 2008 Việt nam đã chịu một mức tăng giá rất cao, với một nền giá cao như thế thì CPI năm 2009 thấp là điều đương nhiên.

Năm 2010 thì hoàn toàn ngược lại: nền giá 2009 sẽ được sử dụng để tính cho CPI 2010, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sẽ làm cho giá cả nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ tăng trở lại.

Lạm phát của Việt Nam không chỉ do các biến động từ nhập khẩu mang lại, một trong những nguyên nhân quan trọng là tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Năm 2009, ước tính tốc độ này khoảng 40%, theo một số nghiên cứu thì độ trễ giữa tăng trưởng tín dụng và CPI khoảng 6 tháng, như thế có thể nói là sức ép lên lạm phát năm 2010 là hiện hữu.

Tuy nhiên, không phải cứ tăng trưởng tín dụng là gây sức ép lên lạm phát cao mà vấn đề là tín dụng như thế nào mới làm gia tăng lạm phát. Nếu như tăng tín dụng, tăng tiền lưu thông nhưng đồng thời cũng tăng hàng hoá, dịch vụ tương ứng thì sẽ hạn chế sự xuất hiện của lạm phát, vì bản chất lạm phát là sự mất cân đối giữa tiền và hàng.

Tình hình tín dụng cuối năm 2009 không khả quan khi tốc độ tăng trưởng vượt qua mục tiêu cho phép (30%), đồng thời trong thời gian này nhiều NHTM xuất hiện tình trạng “khan vốn”. NHNN song song với biện pháp thay đổi tỷ giá, đã tiến hành nâng tỷ lệ lãi suất cơ bản nhằm tháo gỡ tình trạng này, tuy nhiên trong tháng 11, 12/2009 thị trường vốn biến động mạnh, các NHTM đua nhau nâng lãi suất huy động lên mức trần cam kết (10,5%/năm) nhưng vẫn không huy động được nguồn vốn cần thiết, việc giải ngân cho vay cũng đã hạn chế nhiều so với vài tháng trước đây.

Với tình hình lạm phát đe doạ ngay từ những tháng đầu năm, do tháng 1-2/2010 là những tháng áp tết âm lịch, nhiều khả năng thời điểm này cũng có đợt thay đổi về lãi suất để nhằm mục đích hạn chế cho vay những dự án không hiệu quả, huy động tốt hơn nguồn vốn đầu vào góp phần kiềm chế lạm phát.

Nhiều nhà phân tích, đầu tư kỳ vọng vào việc khởi động năm 2010 sẽ có một hạn mức tăng trưởng tín dụng mới, sẽ làm cho thị trường vốn sôi động trở lại, các khoản cho vay cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra trong năm 2009 thì có khả năng NHNN sẽ có những biện pháp hạn chế tốc độ tăng ngay từ đầu năm để đảm bảo cho sự ổn định bền vững.

Tăng trưởng kinh tế

Năm 2009, với sự tác động của gói kích thích kinh tế, GDP Việt Nam có khả năng cao sẽ vượt mức kế hoạch đưa ra là 5%.

Tháng 12 cũng là tháng cuối cùng của năm, các công trình xây dựng sẽ đi vào mùa quyết toán, các dự án khác theo kế hoạch cũng sẽ thúc đẩy tiến độ để hoàn thành kế hoạch. Do đó, chúng ta sẽ không quá bất ngờ về những gì đạt được trong năm 2009.

Tuy nhiên, bước sang năm 2010 với những khó khăn trước mắt, Chính phủ khó có thể thực thi ngay những chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy mạnh tăng trưởng. Đồng thời quý I thường là quý có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong năm do chịu nhiều ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết.

Tuy nhiên, về dài hạn thì kế hoạch tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010 là có thể thực hiện được, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Kết luận

Trong tháng 12/2009 và tháng 1-2/2010, chúng ta sẽ không đón nhận nhiều tin tích cực về kinh tế vĩ mô, tin tích cực nhất có lẽ sẽ là việc hoàn thành kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP 2009, nới lỏng tín dụng một chút khi bắt đầu của năm tài chính mới 2010.

Ngược lại, chúng ta sẽ liên tục đón nhận những thông tin không mấy tốt đẹp về CPI, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách, chính sách thuế (thuế sẽ quay lại để đảm bảo nguồn thu), tỷ giá hối đoái,…

Tuy nhiên, Việt Nam là một nền kinh tế trẻ, dễ tổn thương nhưng cũng rất nhanh phục hồi, có lẽ sẽ rất nhanh có những thay đổi, đặc biệt những thay đổi từ chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Những dự báo trên có thể sẽ nhanh chóng bị thay đổi khi có sự tác động của chính sách mới, mặc dù vậy, với những thông tin hiện hữu thì chúng ta có thể chưa thấy được những “gam mầu” tươi sáng trong ngắn hạn (đến quý I/2010), nhưng điều này có thể sẽ có thay đổi vào cuối quý I/2010 hoặc khi bước sang quý II/2010.

Số liệu được tổng hợp và nhận định bởi ABS, chỉ mang tính tham khảo

(Đầu Tư)

 

  • Năm 2020, thu nhập của người sản xuất lúa gạo cao gấp 2,5 lần
  • Nguy cơ "khát" điện do khô hạn
  • Quy hoạch phát triển điện năng: Còn nhiều bất cập
  • Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Những con số khả quan
  • Giải bài toán tăng thu - giảm chi năm 2010
  • Doanh nghiệp nghĩ gì về môi trường kinh doanh 2009?
  • Hơn 80% Doanh nghiệp chê hạ tầng Việt Nam kém
  • Nâng cao hiệu quả của DN cấp nước Việt Nam : Quản lý giá theo thị trường
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi