Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguy cơ "khát" điện do khô hạn

Hiện tượng khô hạn chưa từng có đã và tiếp tục xảy ra ở miền Bắc không những ảnh hưởng lớn đến vụ Đông Xuân 2010 mà còn đặt ra bài toán khó đối với ngành Điện trong việc đảm bảo cung ứng điện.

Sông Hồng đoạn qua cầu Chương Dương cạn trơ đáy - Ảnh chụp ngày 23/12/2009 (Ảnh Chinhphu.vn/Hoa Viết Cường)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hàng năm, thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, miền Bắc mới chính thức bước vào cao điểm mùa khô. Nhưng tại thời điểm tháng 12/2009, lượng nước đổ về sông Hồng đã thiếu hụt rất lớn.

Số liệu quan trắc suốt tháng 10 và 11 vừa qua ở đoạn sông Hồng qua Hà Nội thường xuyên ở ngưỡng 1,3 m, trong khi mực nước trung bình hàng năm của tháng 10 là 3 - 5 m và tháng 11 là 2,5 - 4 m, có ngày, mực nước xuống còn 0,76 m, thấp chưa từng có, thậm chí có đoạn trên sông Hồng tại Hà Nội người dân còn đi lại, đá bóng… Việc khô hạn chưa từng có này sẽ ảnh hưởng lớn không những đối với vụ Đông Xuân 2010 mà còn gây khó khăn cho việc sản xuất và cung ứng điện đối với khu vực phía Bắc.

Ngày 23/12/2009, Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc đảm bảo cung ứng điện mùa khô.

PV: Xin ông cho biết lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện miền Bắc hiện nay?

Ông Đặng Hoàng An: EVN đang tính toán các phương án để vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô 2010

Ông Đặng Hoàng An: Năm 2009, tình hình thời tiết miền Bắc diễn biến hết sức bất thường. Mùa mưa ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ kết thúc sớm hơn bình thường hàng năm khoảng 1 tháng. Lượng mưa khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ đạt thấp, tổng lượng mưa 11 tháng tại 64 trạm đo thuộc Bắc Bộ chỉ đạt 86% lượng mưa cùng kỳ hàng năm, kể cả trong tháng 7, tháng 8 là giai đoạn chính của mùa mưa. Trên các sông suối ở Bắc Bộ không xuất hiện lũ lớn. Từ tháng 9 trở lại đây, miền Bắc hầu như không có mưa, lưu lượng nước về trên các sông, suối rất thấp.

Do diễn biến thời tiết bất thường như trên, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc trong mùa lũ và thời gian sau mùa lũ năm 2009 suy giảm mạnh so với trung bình nhiều năm (TBNN) và so với năm 2008.

Số liệu thủy văn cho thấy lượng nước về hồ Hòa Bình trong các tháng 8, 9, 10 chỉ đạt từ 57-77% so với TBNN, hồ Thác Bà chỉ đạt từ 50-60% so với TBNN, hồ Tuyên Quang chỉ đạt 41-48% so với TBNN.

Trong tháng 11 lưu lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 43% so với TBNN, 23% so với 2008, hồ Thác Bà đạt 35% TBNN, 13% so với 2008, hồ Tuyên Quang chỉ đạt 44% TBNN. 3 tuần đầu tháng 12, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 63% so với TBNN, 60% so với 2008, hồ Thác Bà đạt 58% TBNN, 39% so với 2008, hồ Tuyên Quang chỉ đạt 61% TBNN.

Tính chung giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11, tổng lượng nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 83%, Thác Bà đạt 68%, Tuyên Quang đạt 79% so với TBNN. Vì vậy, đến thời điểm tháng 12/2009, lượng nước trữ trong các hồ thủy điện đều thấp hơn nhiều so với thiết kế

Các hồ thủy điện nếu không được điều tiết hợp lý sẽ thiếu nước cho phát điện mùa khô.

PV: Trước mắt các hồ thủy điện miền Bắc phải xả nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, việc sản xuất điện sẽ gặp khó khăn như thế nào?

Ông Đặng Hoàng An: Tình hình khô hạn như đã nêu trên có ảnh hưởng lớn đến việc tích nước các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang trong thời gian sau mùa lũ nhằm chuẩn bị cho mùa khô năm 2010. Theo dự kiến, ở thời điểm 31/12/2009, mức nước hồ Hòa Bình có thể đạt trên 116 m (mực nước dâng bình thường 117 m), Thác Bà 51 m/58m, Tuyên Quang 103,71 m/120 m. 

Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2010 ở đồng bằng Bắc Bộ trong điều kiện dự báo có thể xảy ra khô hạn nghiêm trọng, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo và giải pháp kịp thời.

Ngày 23/11/2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chỉ thị 3818/CT-BNN-TL về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2009-2010 ở các tỉnh Bắc Bộ. Ngày 16/12/2009, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 2101/CT-TTg về việc triển khai một số biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cuối năm 2009, đầu năm 2010.

Căn cứ trên những chỉ đạo này, EVN đã làm việc Cục thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch xả nước các hồ thủy điện phục vụ tưới tiêu và đổ ải.

Theo đó, EVN sẽ phối hợp với Cục thủy lợi điều phối việc xả nước 3 hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang trong 3 đợt phù hợp lịch lấy nước và gieo cấy ở các địa phương. Đợt 1 sẽ diễn ra trong 9 ngày từ 26/1-3/2/2010, đợt 2 kéo dài 7 ngày từ 7/2-13/2/2010 và đợt 3 kéo dài 4 ngày từ 22/2-24/2. Tổng lượng nước xả dự kiến ở mức 2,8-3,5 tỷ m3 nước.

Việc xả nước các hồ thủy điện vào thời gian tháng 1, tháng 2/2010 sẽ gây một số khó khăn trong cung ứng điện vào giai đoạn cuối mùa khô (tháng 5, tháng 6). Tuy nhiên, ý thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo kết quả thắng lợi vụ Đông Xuân, EVN đang tính toán các phương án để vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô 2010.

Dự kiến, phụ tải 6 tháng mùa khô năm 2010 có thể đạt 46,92 tỷ kWh, tăng 6,44 tỷ kWh (16,04%) so với mùa khô 2008 (kịch bản cơ sở) hoặc 48,28 tỷ kWh, tăng 7,53 tỷ kWh (19,42%) so với mùa khô 2008 (kịch bản cao).

Căn cứ theo các tính toán hiện nay, về cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nêu trên nếu không xảy ra các sự cố nguồn lớn, kéo dài và các nguồn điện mới vào vận hành ổn định.

(Theo Minh Huệ // Chính phủ)

  • Quy hoạch phát triển điện năng: Còn nhiều bất cập
  • Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Những con số khả quan
  • Giải bài toán tăng thu - giảm chi năm 2010
  • Doanh nghiệp nghĩ gì về môi trường kinh doanh 2009?
  • Hơn 80% Doanh nghiệp chê hạ tầng Việt Nam kém
  • Nâng cao hiệu quả của DN cấp nước Việt Nam : Quản lý giá theo thị trường
  • Kinh tế, thương mại hải đảo: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
  • Cân bằng ổn định và tăng trưởng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi