Cải cách TTHC về thuế, hải quan, giấy phép kinh doanh... là những lĩnh vực then chốt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong Báo cáo môi trường kinh doanh khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2010 do Ngân hàng thế giới (WB) mới công bố, Việt Nam đứng thứ 93/181 nền kinh tế trên thế giới được xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh.
Với 10 tiêu chí thành phần, chỉ có 3 lĩnh vực nước ta đạt được vị trí khá cao, tăng hơn năm ngoái, như đăng ký tài sản (37/181), thực thi hợp đồng (40/181), vay vốn tín dụng (43/181), còn lại đều tụt hạng so với năm ngoái. Trong đó tiêu chí thành lập doanh nghiệp (DN) tụt 7 bậc từ 109 xuống 116; đóng thuế từ 140 xuống 147; sử dụng lao động từ 100 xuống 103...
Một trong những lý do khiến môi trường cạnh tranh của Việt Nam bị giảm là do thủ tục hành chính (TTHC) còn rườm rà, sách nhiễu. Kiến nghị của cộng đồng các DN nước ngoài tại Việt Nam gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều cho thấy, gần như trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đang tồn tại những thủ tục không hợp lý, cần được sửa đổi.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã mất khoảng 30% ưu thế cạnh tranh do hệ thống quản lý hành chính không hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cần cải cách mạnh hơn để cải thiện môi trường kinh doanh. Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Kazuhiro Ohira cho rằng, Việt Nam cần có một hệ thống pháp luật thống nhất, dễ thực thi và các quy định quan trọng phải được nêu rõ trong nghị định chứ không phải là thông tư hay các văn bản cấp thấp hơn... Ông Hong Sun, Thư ký Hiệp hội các DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, năm 2008 mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều DN Hàn Quốc vẫn muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định pháp luật thay đổi quá nhanh khiến DN lúng túng. Ông đưa ra một ví dụ về dự án của các ông dù đã được nhận giấy phép đầu tư từ 4 năm trước (năm 2005) và đã hoàn thành các thủ tục pháp lý một năm sau đó, nhưng phải mất gần 2 năm sau mới có quyết định đền bù giải phóng mặt bằng. Thời gian kéo dài, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi, kinh phí ban đầu bị đội lên, ảnh hưởng đến việc đầu tư dự án. Bên cạnh đó, nhiều DN nước ngoài cũng phàn nàn về lĩnh vực thông quan của ngành hải quan.
Trong đợt rà soát TTHC ưu tiên của Đề án đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30), VCCI được giao rà soát mảng TTHC về thuế, hải quan, giấy phép kinh doanh và quan hệ lao động. Đó là những lĩnh vực then chốt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm thu hút đầu tư. Trong đó, lĩnh vực tài chính có tới 840 TTHC được thực hiện tại các cấp có liên quan thiết thực đến người dân và DN như thuế, phí, lệ phí, hải quan, tài chính DN, quản lý giá... Theo VCCI, nếu chi phí hành chính ngày càng cao, chi phí ngoài lề ngày càng lớn sẽ khiến DN bị giảm năng lực cạnh tranh. Vì vậy, việc cắt bỏ hơn 1.000 TTHC trong giai đoạn 1 của Đề án 30 đã được thực hiện theo hướng thuận lợi, hiệu quả hơn cho người dân và DN; đồng thời đề cao vai trò giám sát quá trình văn bản đi vào cuộc sống của người dân và DN.
Bên cạnh đó, mục tiêu của Chính phủ thể hiện trong đề án này còn là nhằm xây dựng môi trường kinh doanh của Việt Nam cạnh tranh nhất trong khu vực. Do đó, để chuẩn bị tốt cho việc triển khai rà soát TTHC của đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương phải đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành thông qua việc loại bỏ quy định không cần thiết, không hợp lý; hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quy định về TTHC... Việc này phải kết thúc trước 31-5-2010. Hy vọng đến khi đó những TTHC rườm rà sẽ được loại bỏ, góp phần đưa các tiêu chí xếp hạng về môi trường kinh doanh sẽ đạt được thứ hạng cao, nhằm thu hút đầu tư để phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.
(Theo HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com