Ghe lưới của ngư dân khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu phải nằm bờ ngay trong thời kỳ cao điểm của mùa cá cơm. |
Các hoạt động khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều vùng biển của Bà Rịa-Vũng Tàu. Những hành vi khai thác như dùng thuốc nổ hóa chất độc hại, lưới cào… diễn ra trên biển, nên việc ngăn chặn của cơ quan chức năng liên quan cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của huyện Côn Đảo, trong 6 tháng đầu năm 2009, 481 tàu cá (chưa kể 50 tàu không biển số của Bình Thuận) thường xuyên hoạt động tại khu vực Côn Đảo. Trong đó có 168 tàu cào đôi, 115 tàu lưới; 140 tàu câu, 46 cào đơn… Hoạt động khai thác của lực lượng tàu này chủ yếu là dùng những phương pháp có tính hủy diệt như: Nghề cào, hoặc đánh bắt bằng cách pha đèn xúc cá cơm, dùng thuốc nổ, hóa chất độc hại... Cùng với Côn Đảo, khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu cũng có 23 tàu chuyên đánh cá bằng mìn diễn ra từ tháng 6 -9 âm lịch hàng năm. Đây là 2 địa phương có nhiều phương tiện, hình thức đánh cá theo kiểu huỷ diệt “nổi” nhất tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo phân tích của các chuyên gia thủy sản, đối với nghề cào, nếu không tuân thủ đúng qui định về mắt lưới thì sức hủy diệt nguồn lợi thủy sản rất cao. Phần lớn lưới cào của các tàu cá đều vi phạm. Một hình thức khai thác tận diệt khác đang được nhiều tàu cá áp dụng là dùng đèn pha công suất cao để làm cá bị mờ mắt. Theo qui định, các tàu câu mực chỉ được sử dụng cụm đèn chiếu sáng công suất đến 500W, song hầu hết các tàu lại sử dụng cụm chiếu sáng tổng công suất lên tới 24.000W. Khi sử dụng dàn đèn này, hầu hết các loài thuỷ sản tầng nổi bị ánh sáng đèn làm cho mất phương hướng và bị quét sạch. Ngoài ra các ghe tàu nắm rất rõ qui luật trú sóng, gió, mùa sinh sản.. cũng như nơi đi lại của tôm cá nên thường “phục lưới” tại những khu vực đó để khai thác tận thu. Khu vực Vườn quốc gia Côn Đảo vừa là khu vực tài nguyên đa dạng sinh học, vừa là bãi đẻ trứng, vừa là nơi kiếm ăn của một số loài thủy sản cần được bảo vệ. Mặc dù khu vực này đã được thả phao chỉ rõ ranh giới nghiêm cấm khai thác, song hoạt động khai thác hủy diệt vẫn diễn ra phức tạp.
Hiện nay khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu đang là mùa cá cơm nên tại vùng biển này luôn có một đội tàu khai khai thác thuỷ sản bằng phương pháp nổ mìn. Những ghe, tàu này được trang bị máy tầm ngư và hoạt động cách các bãi tắm khoảng từ 300m trở lên. Do khai thác bằng phương pháp hủy diệt nên hiện nay sản lượng cá cơm khai thác được ngày càng ít dần “Trước đây mỗi ngày những ghe lưới có thể đánh từ 1-3 tấn cá cơm, bây giờ ngày nào “hên” mới được vài chục ký” – ông Phan Hoàng Phái, một ngư dân có ghe lưới ven bờ tại Bãi Sau cho biết.
Theo ông Phạm Văn Lịnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, do đặc thù hoạt động trên sông nước nên các lực lượng chức năng rất khó kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đặc biệt, phương pháp dùng thuốc nổ đánh cá rất dễ phi tang tang vật. Cụ thể, ngày 26-8-2009 vừa qua, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản bắt ghe BV9178 vi phạm đánh bắt theo hiểu hủy diệt nhưng chỉ thu được lưới cào, còn thuốc nổ thì đã bị chủ ghe phi tang.
Trước nạn khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ngày càng phức tạp tại Côn Đảo và TP.Vũng Tàu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, truy quét mạnh mẽ và quyết liệt, với mục tiêu nhanh chóng chấm dứt những hành vi vi phạm.
(Theo Bài, ảnh: Nguyễn Quang/BRVT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com