Nền kinh tế VN vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên. |
4 nhân tố để một quốc gia vươn lên
Suốt 200 năm qua, nền kinh tế của các nước Á châu bị đặt trước sự tác động, thúc ép và đô hộ của các thế lực chính trị kinh tế từ các nước phát triển phương Tây. Những nước thức thời như Nhật Bản và chậm hơn là những con rồng Châu Á (Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore) và sau đó là Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam... đều theo con đường chuyển nguy cơ thành thời cơ để công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Mức thành tựu của các nước hoàn toàn lệ thuộc vào các yếu tố:
- Thời điểm nắm bắt cơ hội sớm hay muộn.
- Lãnh đạo đất nước có chọn được đường lối chiến lược phát triển quốc gia đúng đắn. Xây dựng được lực lượng lãnh đạo tiếp theo giữ được phẩm chất yêu nước, trong sạch, có trí tuệ, và có đủ bản lĩnh nắm bắt các thời cơ mới hay không? Có ở mức độ nào?
- Xây dựng nền tảng dân chủ, pháp quyền và một bộ máy quản lý hành chính phục vụ dân đến đâu?
- Đề ra được một chiến lược phát triển kinh tế ưu việt phù hợp từng thời kỳ phát triển quốc gia. Đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội bền vững lâu dài.
Đây là bốn yếu tố cơ bản nhất để thúc đẩy một đất nước vươn lên từ một trạng thái lạc hậu, bị thực dân đô hộ hay nguy cơ mất nước. Và cũng từ 4 yếu tố cơ bản trên làm phương tiện kiểm tra thực trạng một nền kinh tế nào đó, tìm ra nguyên nhân vì sao một đất nước loạt vào tình cảnh chậm phát triển hơn các nước khác. Đây là vấn đề rộng lớn và sâu xa để chúng ta suy ngẫm.
Nhận dạng kinh tế Việt Nam
Đối với nước ta, trong phạm vi bài viết này chúng ta chỉ xem yếu tố chiến lược phát triển kinh tế gần đây trong hơn 30 năm qua, từ đó thử đề ra hướng phát triển chiến lược trong tương lai.
Phải thừa nhận rằng sau ngày nước ta hoàn toàn thống nhất và giành được độc lập, tự chủ, chọn phương thức xây dựng đất nước, chúng ta đã cố gắng xây dựng nền kinh tế theo mục tiêu công nghiệp hóa.
Tình trạng kinh tế lúc bấy giờ (1975) có những khu vực đã phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng kinh tế đã khá phát triển so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nền tảng cơ sở đó nếu xét một cách nghiêm túc thì vẫn chỉ là cơ sở của một nước nông nghiệp được khai thác nguyên liệu và sức lao động giản đơn là chính.
Con đường nào cho Việt Nam vượt khó? Ảnh minh họa: TTXVN |
Ta có thể nhận dạng như sau:
a/- Hệ thống giao thông đường bộ của nước ta phần lớn được xây dựng trong thời kỳ Pháp đô hộ và thời kỳ chiến tranh. Do đó chỉ mang tích chất khai thác tài nguyên, nguyên liệu thô của các ngành nông lâm ngư nghiệp, đồng thời còn mang tính khống chế các vùng về mặt an ninh. Và từ đó hình thành nên các khu dân cư tập trung dọc tuyến và các thị trấn, khu đô thị ở các giao điểm.
Đối với một đất nước trải dài gần 2000 km như nước ta, thì đường bộ của chúng ta như một liên tỉnh lộ liên tiếp nhau kết nối các tỉnh từ Bắc tới Nam (như xương con rắn). Do đó ta chưa có một hệ thống quốc lộ như bộ xương của nền kinh tế công nghiệp hiện đại (bộ xương của chim đại bàng sẵn sàng bay lên).
b/- Dân ta còn sống trong thói quen của nền kinh tế nông nghiệp, cơ chế tổ chức xã hội làng xã gắn liền với mảnh vườn mảnh ruộng nên thói quen đó được triển khai ra hiện nay là dân cư sống bám sông rạch, đường giao thông, nhà ở chọn mặt tiền đường, nơi ở nơi kinh doanh sản xuất không tách bạch ra, người và hàng hóa cùng trên một phương tiện vận chuyển, người đi bộ xe cá nhân, xe tải, xe tốc hành cùng di chuyển chung một tuyến đường v.v.... Do đó an toàn giao thông không được đảm bảo, tốc độ giao thông bị hạn chế.
Sự phân bố dân cư tự phát theo chuỗi đường giao thông làm cho công việc đầu tư cho y tế, vệ sinh, bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, và họat động văn hóa v.v...rất khó khăn và tốn kém.
c/- Cơ chế quản lý kinh tế gắn liền với quản lý hành chính lãnh thổ. Đồng thời được chỉ đạo theo hàng dọc từng cấp, tỉnh thành, quận huyện, phường xã, làm cho vận hành kinh tế phải qua nhiều tầng nhiều nấc. Do đó thủ tục rất rờm rà, rào cản hành chính đã làm cho chi phí phi kinh tế gia tăng.
d/- Luật lệ đảm bảo cho việc vận hành nền kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, thiếu ổn định. Khi thay đổi điều luật thường không có thời gian chuyển tiếp hoặc và thiếu cơ chế tài hỗ trợ tài chính để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Kế hoạch phát triển kinh tế từng địa phương bị tản |
Hơn nữa, hiện nay đại bộ phận người lãnh đạo địa phương được chọn từ người địa phương. Và sự điều hành kinh tế địa phương quá lệ thuộc vào nhiệm kỳ của người lãnh đạo. Do đó khó có thể thực thi một kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn cho địa phương.
e/- Tổng hợp các yếu tố bất cập trên và cộng thêm yếu tố mới là chưa có được một phương án qui hoạch phát triển kinh tế dài hạn hoàn thiện trên cả nước, được xây dựng trên cơ sở điều kiện thế mạnh địa lý thiên nhiên của từng vùng. Do đó kế hoạch phát triển kinh tế từng địa phương tỉnh thành bị tản mạn.
Điều này làm chậm quá trình chuyên đổi cơ cấu kinh tế quốc gia theo hướng công nghiệp hóa. Đồng thời rất khó có một chính sách xuyên suốt để bảo vệ được môi trường, bảo vệ được lợi ích lâu dài cho người lao động.
Con đường phía trước
Để khắc phục tình trạng trên, chúng ta phải bắt đầu các công việc sau:
a/- Qui hoạch phân vùng kinh tế trên phạm vi cả nước, trên cơ sở mục tiêu chiến lược phát triển tổng hợp của quốc gia. Trên cơ sở thế mạnh của từng vùng xây dựng kế hoặch phát triển kinh tế xã hội vừa thực hiện chức năng phát triển kinh tế địa phương vừa thể hiện chức năng hỗ tương liên kết vùng chung quanh và vai trò vị trí địa kinh tế vùng của cả nước.
b/- Xây dựng lại hệ thống giao thông mới, xác định các tuyến trục quốc lộ, đường cao tốc giao thông bộ, đường săt, sân bay, bến cảng cho cả nước và cho khu vực. Nhằm phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Các tuyến đường hiện có gắn vào hệ thống mới này (hiện nay ta đang xây dựng tuyến đường mới gắn vào hệ thống cũ, nên rất chắp vá và bất cập).
c/- Bố trí lại dân cư; từng bước chuyển dân cư sống dọc tuyến giao thông vào các cụm dân cư mới, trên cơ sở cơ cấu kinh tế mới và tuyến giao thông mới. Từ đó cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cơ sở hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, viễn thông v.v. được mở ra...(Ta chỉ cần ban hành qui định các trục lộ mới không cho phép xây nhà hay cấp phép kinh doanh hàng quán dọc tuyến).
d/- Xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở bảo vệ và tái tạo môi trường thiên nhiên.
e/- Xây dựng một số công trình trọng điểm cấp quốc gia cho từng vùng kinh tế làm đòn bẩy cho kế hoạch phát triển địa phương.
f/- Xây dựng hệ thống luật pháp và thực hiện triệt để khâu cải cách hành chính nhằm bảo đảm chiến lược phát triển kinh tế theo 5 nội dung trên.
Nội dung chiến lược phát triển nêu trên chỉ là mục tiêu và ý tưởng phương hướng phát triển. Nếu được chấp thuận ta có thể triển khai ra thành những phương án nghiên cứu kỹ thuật nhằm đề ra những đề án khả thi nhất.
Đây là một chiến lược phát triển kinh tế quốc gia thực hiện trong vài chục năm và cần một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, do đó cần có sự đầu tư của mọi nguồn lực trong cũng như ngoài nước.
Tuy nhiên, để có được nguồn vốn khổng lồ đó, ta phải đề ra những dự án khả thi nòng cốt và nhà nước đầu tư vào những đề án mang tính nền tảng nhằm thể hiện ý chí, lòng quyết tâm của lãnh đạo quốc gia. Từ đó tạo dựng niềm tin cho những nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.
Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, mọi nước đều gặp phải những khó khăn cần phải giải quyết. Nhưng đây cũng là một thời cơ nếu ta đưa ra được một chiến lược phát triển hợp lý, thì cơ hội này sẽ giúp nước ta vươn lên với sức mạnh của thời đại toàn cầu hóa hiện nay
(Theo VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com