Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và viễn cảnh kinh tế Việt Nam một vài năm tới

Bối cảnh kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sâu đã gây bất ngờ và nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà kinh tế. Mặc dù những dấu hiệu của suy thoái bộc lộ rất sớm và giới quan sát đã nhận thức được vấn đề đó nhưng vẫn lạc quan cho rằng GDP toàn cầu đang tăng trưởng dương. Nhưng thực tế diễn ra không như họ mong muốn, các đầu tàu kinh tế thế giới đều suy thoái nặng nề mặc dù một số nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc, ấn Độ, Nga, Brazin... vẫn tăng trưởng ở mức độ cao năm 2008 nhưng GDP toàn cầu dự báo năm 2009 sẽ âm hơn 1% và đã chạm đáy của giai đoạn suy thoái để bước sang giai đoạn phục hồi vào năm tới. Bảng 1 là những số liệu phản ánh hiện trạng nền kinh tế toàn cầu.

Với đà suy thoái này kinh tế toàn cầu chưa thể chạm đáy vào cuối năm 2009. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu khả quan cho rằng năm 2009 là đáy của suy thoái, kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục vào năm 2010. Song qua số liệu cho chúng ta thấy các đầu tàu lớn của kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Khu vực đồng tiền chung châu âu đều suy thoái nặng nề nhưng chưa tới mức trầm trọng, khả năng còn tiếp tục suy thoái và mới đây các tập đoàn lớn ở những nước đó tiếp tục sa thải ồ ạt công nhân. Tập đoàn sản xuất thiết bị y tế hàng đầu của Mỹ thông báo sẽ cắt giảm từ 1500 tới 1800 công nhân; Tập đoàn bưu chính Mỹ (USPostal Service) cho biết sẽ cắt giảm 25000 lao động trong năm 2009; Hãng sản xuất ôtô lớn nhất Mỹ General Motor quyết định đóng cửa 245/705 đại lý bán hàng ở Canada sau khi đóng cửa 1100 đại lý tại Mỹ. Mức giao dịch thương mại toàn cầu tiếp tục giảm mạnh. Mặc dù chỉ số tiêu dùng ở Mỹ đã tăng trong vài tháng qua nhưng chỉ số mất việc làm đã tăng vọt lên tới 15,8% trong tháng 4/2009. Tuy gói kích cầu cầu do chính phủ Mỹ thực hiện bước đầu có tác dụng nhưng gói kích cầu này chưa đủ độ và tác động vào chi tiêu cá nhân của người Mỹ là thấp. Số người thất nghiệp rất lớn, chiếm tới 8,9% lực lượng lao động. Do đó những tháng tới của năm 2009, chỉ số tiêu dùng không tăng hoặc tăng rất thấp và nhu cầu chưa tăng đột biến nên chưa thể thúc đẩy sản xuất và chặn đà suy thoái kinh tế Mỹ. Cũng vì thế chẳng những không chặn được suy thoái của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản mà còn làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế ở hai khu vực này. Theo số liệu mới nhất thì quý I/2009 GDP của Nhật Bản giảm 4% so với quý trước và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2008. Xuất khẩu của Nhật cũng giảm 26% so với quý trước. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy vấn đề này, các quốc gia vẫn tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chính sách kinh tế của mình mà trọng tâm là tăng cường kích cầu và sử dụng hiệu quả các gói kích cầu. Mặc dù đã dốc vào thị trường hàng chục ngàn tỷ USD nhưng như thế vẫn chưa đủ, với hiện trạng kinh tế thế giới thì nửa cuối năm 2009 cũng phải hàng chục ngàn tỷ USD nữa tung vào thị trường mà chủ yếu vẫn là ba đầu tàu lớn ở trên thì kinh tế thế giới mới có thể phục hồi.

Như vậy kinh tế thế giới còn tiếp tục suy thoái tới quý I và bắt đầu phục hồi vào quý II năm 2010 để rồi bước vào một chu kỳ mới cũng đầy đột biến.

  

Tác động vào kinh tế Việt Nam

Trước khi rơi vào giai đoạn suy giảm, kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng lạm phát cao tới hơn 20% năm 2008 và do ba loại lạm phát tích hợp thành là lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cầu kéo và lạm phát tiền tệ. Lạm phát chi phí đẩy cơ bản từ bên ngoài (kinh tế thế giới) tác động vào do nạn đầu cơ dầu mỏ khí đốt và do một số vật tư chủ yếu nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế lạm phát đã đẩy giá nhập khẩu tăng cao kéo theo giá đầu vào cho sản xuất trong nước tăng lên dẫn đến tăng giá đầu ra. Lạm phát cầu kéo do nền kinh tế nước ta phát triển quá nóng, tới mức vượt quá giới hạn tiềm năng của nền kinh tế, nguồn tài nguyên vật chất không thoả mãn đủ nhu cầu phát triển vì vậy đã kéo giá thị trường tăng cao. Lạm phát tiền tệ, do trong quá trình phát triển, lượng tiền mặt tung vào lưu thông quá lớn, khả năng quản lý lại yếu kém dẫn tới mất cân đối quan hệ Tiền - Hàng. Đó là những vấn đề thực chất của lạm phát nước ta năm 2008.

Năm 2009 kinh tế Việt Nam rơi vào suy giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhu cầu nhập khẩu hàng của Việt Nam từ các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản và EU hầu như không còn, nếu còn cũng là lượng rất nhỏ, đây thật sự là một thử thách lớn đối với nền kinh tế định hướng vào xuất khẩu của nước ta. Những ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, điện tử, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng, đồ gỗ... bị đình đốn kéo theo nhiều ngành sản xuất khác đã giảm mạnh tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vì có tới 60% GDP được tạo ra từ các ngành sản xuất xuất khẩu.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn ảnh hưởng thu hút vốn FDI của Việt Nam. Do nhu cầu của thị trường thế giới sút giảm nên lượng vốn FDI vào Việt Nam cũng giảm sút. Giải ngân vốn đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài do phần lớn vốn đầu tư là vốn đi vay, các nhà đầu tư sẽ thận trọng trong tiếp cận với vốn ngân hàng. Thực tế cho thấy vốn FDI vào Việt Nam đăng ký tới hết tháng 2/2009 là 5,1 tỷ USD, vốn thực hiện hết tháng 1/2009 chỉ đạt 200.000.000 USD, giảm 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán năm 2009 lượng vốn này giảm tới 70% so với 2008.

Kiều hối và Du lịch của Việt nam cũng chịu ảnh hưởng của khủng hoảng. Lượng kiều hối hàng năm từ 8 tới 10 tỷ USD là lượng vốn lớn và ổn định nên tác động không nhỏ vào nền kinh tế nước ta. Kiều bào ta ở nước ngoài đều là những người làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ nên thu nhập thấp. Do vậy sẽ là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của khủng hoảng nên không có tiền gửi về nước như những năm trước đó.

Ngoài ra Du lịch cũng chịu ảnh hưởng của khủng hoảng. Do thu nhập bị thiếu hụt, khách du lịch quốc tế không còn tiền đi du lịch nữa mà tập trung lo tìm kiếm việc làm, lo duy trì sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sẽ giảm đi nhiều. Nguy cơ Du lịch Việt Nam sẽ mất khách ở các thị trường truyền thống như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... nếu không có giải pháp thích hợp.

Những tác động trên đã hạ thấp GDP của Việt Nam từ 6,25% năm 2008 xuống 3,1% quý I/2009 (so với 7,4% quý I/2008 là rất thấp) và 4,8% năm 2009 là điều chúng ta không mong muốn.

Qua giải trình chúng ta thấy khủng hoảng kinh tế thế giới đã giảm lạm phát ở Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi. Khủng hoảng tác động mạnh nhất vào lạm phát cầu kéo, năm 2008 chúng ta đã phải áp dụng những giải pháp hạn chế sự phát triển quá nóng của nên kinh tế, giảm tốc độ tăng GDP từ 8,2% xuống 6,5%. Đối với lạm phát chi phí đẩy, khủng hoảng tác động lại không mạnh mặc dù nó làm giảm giá hàng loạt mặt hàng trên thị trường thế giới, nhất là một số vật tư chiến lược như dầu mỏ từ hơn 140 USD/thùng xuống xấp xỉ 50 USD/thùng, sắt thép, xi măng, thiết bị máy móc, lương thực thực phẩm... Theo dự báo của Ngân hàng thế giới năm 2009 chỉ số giá nhiều loại mặt hàng giảm so với 2008. (Bảng 2)

 

Mặc dù giá cả trên thị trường thế giới giảm đáng kể nhưng giá cả thị trường nội địa giảm rất ít, thậm chí có loại lại tăng lên và nhìn chung thị trường trong nước có giá cao hơn thị trường thế giới do có sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và có sự thay đổi cơ chế thực hiện giá. Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp tự xác định giá theo giá cả thị trường thế giới kể cả những mặt hàng thuộc vật tư chiến lược như xăng dầu, sắt thép, phân bón... trong khi thị trường hiện đang thuộc độc quyền của nhóm doanh nghiệp, vì lợi ích cục bộ mà các công ty đó đã thoả thuận nhau khống chế giá thị trường có lợi cho họ gây thiệt hại cho nền kinh tế và cho xã hội. Vì vậy tác động giảm lạm phát chi phí đẩy là rất thấp.

Khủng hoảng kinh tế lần này không tác động hạ thấp lạm phát tiền tệ của nền kinh tế nước ta và một số nền kinh tế khác, trái lại làm tăng thêm nguy cơ lạm phát bởi lẽ hàng chục nghìn tỷ USD được tung ra thị trường cứu nguy cho thị trường tài chính. ở nước ta cũng vậy, với gói kích cầu hỗ trợ lãi suất lượng tiền tung vào lưu thông tiếp tục tăng lên. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số dư cho vay thực hiện hỗ trợ lãi suất tính đến hết ngày 21/5/2009  là 301.000 tỷ đồng. Chính phủ còn có chủ trương thực hiện gói kích cầu sắp tới với 8 tỷ USD tương đương khoảng 170000 tỷ VND sẽ được đưa vào hỗ trợ và lượng tiền lớn hơn sẽ được tung vào thị trường. Như vậy khủng hoảng kinh tế đã tăng lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế nước ta. Kinh tế Việt Nam suy giảm do giảm lạm phát cầu kéo trong khi vẫn hàm chứa các yếu tố của lạm phát tiền tệ và lạm phát chi phí đẩy. Một vấn đề quan trọng nữa mà chúng ta không thể không quan tâm là khi nền kinh tế vượt qua suy giảm sang tăng trưởng, nguy cơ tăng trưởng nóng lại xuất hiện và lạm phát cầu kéo tiếp tục hiện diện, khi ấy kinh tế nước ta rơi vào vòng xoáy lạm phát nguy hiểm khó bề kiểm soát.

Một số giải pháp chống suy giảm và loại trừ lạm phát

Từ những phân tích trên kinh tế Việt Nam vừa phải chống suy giảm trước mắt vừa phải loại trừ những yếu tố lạm phát, bảo đảm kinh tế phát triển lành mạnh. Dưới đây là một số nhóm giải pháp điều chỉnh đối với nền kinh tế Việt Nam:

Thứ nhất, tiếp tục kích cầu trong ngắn hạn mà trước hết là tăng cường chi tiêu của Nhà nước. Chính phủ cần tập trung chi tiêu cho đầu tư hạ tầng theo kế hoạch phát triển kinh tế, có điều thực hiện sớm và vốn được huy động từ trái phiếu. Cần đầu tư có trọng điểm, ưu tiên cho xây dựng bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông, bến cảng, kho bãi, cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Rà soát lại những công trình dở dang của Trung ương cũng như địa phương, tháo gỡ khó khăn để những công trình đó khởi động trở lại và sớm hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng. Ngoài ra cần đầu tư phát triển năng lượng, nhất là điện, dầu khí, than... nhằm tăng thực lực nền kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển với tốc độ cao. 

Khuyến khích đầu tư trong các khối doanh nghiệp, tranh thủ thời gian đổi mới và hoàn thiện công nghệ, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật chuẩn bị tốt cho giai đoạn sản xuất kinh doanh mới. Khuyến khích những doanh nghiệp có điều kiện và những cơ sở dạy nghề đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động nhằm nâng cao kỹ năng tay nghề phục vụ xuất khẩu lao động hoặc phục vụ cho việc liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trong những năm tới.

Thứ hai, bằng những giải pháp phù hợp hỗ trợ những doanh nghiệp đang đứng vững trong suy giảm, đang kinh doanh tốt bao gồm các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và trên các lĩnh vực. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp mà đưa ra biện pháp và mức độ hỗ trợ. Trong giai đoạn này cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, khuyến khích tiêu dùng tư nhân vì dân ta trải qua thời kỳ dài chiến tranh và nhân dân ta có truyền thống tiết kiệm lâu đời, nhất là khu vực nông thôn. Dù sao trong mấy năm gần đây kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn cũng phát triển, ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Khuyến khích tiêu dùng nói chung và khu vực nông thôn nói riêng từ hàng tiêu dùng cá nhân thông thường tới hàng cao cấp, vật liệu xây dựng và xây dựng cơ bản là cần thiết trong giai đoạn này. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường về nông thôn. Cần hạ giá hàng hoá, nhất là đối với hàng tồn kho, hàng chậm tiêu thụ nhằm thu hồi vốn cải thiện thị trường tài chính.

Thứ tư, kiểm tra đánh giá lại một số dự án, công trình chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng, những dự án, công trình không còn tính khả thi hoặc không mang lại hiệu quả cần đình chỉ thực hiện.

Cũng nhân dịp này kiểm tra lại những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả và mạnh dạn giải thể hoặc tạo cơ chế chuyển nhượng trước khi giải thể nhằm tăng sức đề kháng của nền kinh tế.

Thứ năm, cần hướng giá thị trường trong nước theo sát giá thị trường thế giới, nhất là đối với những mặt hàng vật tư chiến lược như xăng dầu, sắt thép, kim loại quý, xe cộ, thiết bị... Tránh để các doanh nghiệp móc ngoặc khống chế giá trong nước gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Thứ sáu, đổi mới và hoàn thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư trong giai đoạn này như hạ thấp giá thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về thủ tục xin giấy phép. Chuẩn bị sẵn các Dự án sử dụng vốn ODA, nếu cần có thể triển khai Dự án sớm hơn bằng vốn đối ứng... Bảo đảm thu hút nhanh vốn ODA của các nước tài trợ và thu hút nhiều vốn FDI của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ bảy, tăng cường quản lý ngoại tệ, nhất là những ngoại tệ mạnh như USD, EURO... chống ngoại tệ hoá nền kinh tế, tạo cơ chế để VND lưu hành bên ngoài biên giới. Như vậy sẽ tránh được sự sụt giảm giá trị của VND và duy trì được quan hệ tỷ giá giữa VND và USD có lợi cho nền kinh tế. Tạo môi trường thông thoáng hơn cho thị trường bất động sản và thị trường vàng, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia và cần có chính sách cụ thể phù hợp với từng địa phương. Kiểm tra lại các sàn giao dịch vàng, rà soát lại quy chế và Nhà nước cần có những văn bản pháp quy trong lĩnh vực này để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư. Nhanh nhạy hơn nữa trong xuất nhập khẩu vàng bạc, đá quý nhằm mang lại nguồn thu cho Nhà nước và hiệu quả cao cho nền kinh tế.

Thứ tám, triển khai và sử dụng có hiệu quả gói kích cầu sắp tới của Chính phủ, bảo đảm dúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, kịp thời và có trọng tâm trọng điểm.

Thứ chín, khi nền kinh tế có dấu hiệu chấm dứt suy giảm chuyển sang tăng trưởng cần từng bước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, áp dụng ngay những giải pháp chủ yếu như tăng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, tăng lãi suất huy động vốn vay, giải quyết nợ xấu của các ngân hàng...

Trên đây là những nhóm giải pháp vừa chống suy giảm cho nền kinh tế nước ta hiện nay đồng thời cũng loại trừ nguy cơ lạm phát đang hàm chứa trong đó. Nếu chúng ta nhận thức và hành động kịp thời quyết liệt thì nền kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng vào quý I năm 2010 và tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt từ 7,5 tới 8% năm 2010, từ 9 tới 9,5% năm 2011. Khi đó kinh tế Việt Nam lại rơi vào tình trạng phát triển quá nóng./.

( Theo Lưu Văn Nghiêm // Báo Kinh tế và Dự báo )

Bài thuộc chuyên đề: Dự báo kinh tế Việt Nam 2010

  • Tăng trưởng GDP 2009 thấp nhất trong 10 năm
  • Giữ vững ổn định kinh tế, ngăn ngừa lạm phát
  • 9 tháng đầu năm, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 74% dự toán
  • Thực hiện Các giải pháp kích cầu của Chính phủ:Cơ hội tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh
  • Đề án công nghiệp nông nghiệp nông thôn: Quá khó
  • Đánh giá mới nhất của ANZ Bank: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh nhưng vẫn còn nhiều thách thức
  • Ứng phó cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu
  • Quý III/2009: Chỉ số niềm tin kinh doanh tăng 6 điểm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi