Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các kỹ năng tiếp thị hiệu quả (47 ): Marketing toàn cầu

 Thương mại toàn cầu ngày càng phát triển trên quy mô rộng lớn. Năm 2004, chỉ riêng Mỹ đã xuất khẩu hơn 1,1 nghìn tỉ đô la hàng hóa, dịch vụ và nhập khẩu gần 1,8 nghìn tỉ đô la. Thương mại toàn cầu cũng có thể đem lại lợi nhuận.


Chẳng hạn, các công ty Mỹ đã thu về 315 tỉ đô la lợi nhuận từ nước ngoài trong năm 2004, theo Phòng Phân tích Kinh tế Mỹ. Con số này tăng 26% so với năm 2003 và có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với các hoạt động quốc nội.


Sự phát triển trong thương mại toàn cầu được tạo điều kiện thuận lợi bởi các phương tiện truyền thông ngày càng tốt hơn và rẻ hơn, phương tiện vận chuyển hàng hóa cải tiến hơn, thu nhập ngày càng tăng của các khu vực nghèo trước đây, nhiều rào cản thương mại được loại bỏ và mức sản xuất tăng ở những quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc. Quả thật, ngành công nghiệp thép phát triển vũ bão của Trung Quốc đã tạo ra nhu cầu tương ứng về nguyên vật liệu thô khiến các mỏ quặng sắt ở bắc Minnesota - cách các lò luyện kim tới nửa vòng trái đất - đã hồi sinh sau hàng thập niên suy thoái.


Khi muốn tham gia vào thương mại toàn cầu, công ty cần phải dựa trên những nghiên cứu và phân tích vững chắc để trả lời những câu hỏi sau:


* Có cần thiết phải marketing ra thị trường nước ngoài không?


* Thị trường nước ngoài nào hấp dẫn nhất?


* Những phân khúc nào trong các thị trường đó khả thi nhất căn cứ vào những điểm mạnh hiện tại của công ty? Những phân khúc này ổn định hoặc đang trên đà phát triển?


* Khi marketing ra thị trường nước ngoài, công ty có thể sẽ gặp những rủi ro gì?


* Sản phẩm sẽ được phân phối như thế nào?


* Có thể điều chỉnh, thay đổi sản phẩm để thỏa mãn và phù hợp với thị hiếu của khách hàng địa phương không?


* Có thể giao tiếp hiệu quả với những người thuộc các nền văn hóa khác nhau không?


Marketing toàn cầu là một chủ đề lớn. Do đó, mục tiêu của chúng ta ở đây là nghiên cứu một số vấn đề mà bất kỳ công ty nào cũng phải đối mặt khi xem xét việc marketing ra nước ngoài, bằng cách dùng marketing hỗn hợp như một hướng dẫn đáng tin cậy.


Chương trước đã mô tả bốn chữ P trong marketing hỗn hợp - đó là Product (sản phẩm), Place (phân phối), Price (giá), và Promotion (hỗ trợ bán hàng) - như các công cụ mà doanh nghiệp dùng để theo đuổi các mục tiêu của mình trong những thị trường mà họ nhắm đến. Những công cụ này hữu ích trong cả thương mại toàn cầu lẫn thương mại nội địa. Chương này sẽ đề cập lại các yếu tố của marketing hỗn hợp và thảo luận vai trò của chúng trong marketing toàn cầu.

Theo First News và NXB Tổng hợp TPHCM