Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự báo thị trường BĐS Hà Nội năm 2010: Cân bằng cung-cầu

Cuối năm 2009, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội liên tục đón nhận hàng loạt dự án mới, đặc biệt là đô thị sẽ phát triển cả hai bên sông Hồng. Theo nhận định của các công ty quản lý, kinh doanh BĐS, có thể từ năm 2010 trở đi, nguồn cung tăng mạnh sẽ tạo nên sự cân bằng cung - cầu cho thị trường BĐS Hà Nội.

Khu đô thị mới Việt Hưng. Ảnh: Nguyệt Ánh

Hàng loạt dự án mới

Những ngày cuối năm, nhiều dự án khu nhà ở, khu đô thị mới (KĐTM) ở Hà Nội đã đồng loạt khởi công. Tại KĐTM Việt Hưng (quận Long Biên), Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã khởi công xây dựng gần 1.000 căn hộ trên lô đất có ký hiệu CT17. Dự án này có tên gọi Green House, gồm 2 tòa nhà 17 tầng, 2 tòa nhà 14 tầng, 2 tòa nhà 5 tầng và một số biệt thự song lập, nhà liền kề. Dự kiến, cuối năm 2012 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cũng nằm trên địa bàn quận Long Biên, Liên danh Berjaya-Handico 12 đã chính thức giới thiệu dự án Thạch Bàn Garden city, khu đô thị phức hợp gồm nhà vườn, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, trung tâm y tế và trường quốc tế đầu tiên ở khu vực Bắc sông Hồng. Nằm dọc đường Vành đai 3, nối với cầu Thanh Trì, không chỉ có lợi thế về giao thông, hạ tầng, dự án này đang trở nên hấp dẫn nhờ mặt bằng giá khá hợp lý, chủ yếu hướng tới đối tượng có mức thu nhập trung bình. Ngay sau khi khai trương dự án, chủ đầu tư đã bán Khu chung cư Canal Park, gồm 2 tòa nhà 11 tầng, với 148 căn hộ từ 86m2 đến 227m2. Dự kiến, Canal Park hoàn thành trong 24 tháng từ ngày khai trương.

Ở phía Bắc sông Hồng, thị trường còn tiếp nhận thông tin mới. Đó là việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội công bố, bàn giao quy hoạch chi tiết KĐTM Nam Hồng (Đông Anh), do Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) làm chủ đầu tư. Khu đô thị này có quy mô khoảng 305ha, dân số 13.970 người. Trong khi đó, địa bàn phía Tây TP cũng có 1 dự án của Công ty TNHH Hi Brand (Hàn Quốc) mới được khởi công. Với số vốn đầu tư lên đến 660 triệu USD, dự án nằm trong KĐTM Văn Phú (Hà Đông), trên diện tích 65.000m2, gồm 15 tòa nhà chung cư, cung ứng cho thị trường hơn 4.650 căn hộ cùng các dịch vụ cộng đồng.

Sông Hồng là trục không gian chính

Theo đánh giá của giới kinh doanh BĐS, việc nhiều nhà đầu tư chọn phía Đông TP (bờ bắc sông Hồng) là do giá đất phía Tây TP thời gian qua tăng quá nóng. Nhất là sau khi nhiều dự án "xả hàng", giá đất ở khu vực này được cho là đã lên "đỉnh"; mặt khác tỷ lệ giao dịch giảm mạnh do nhiều nhà đầu cơ đã đạt mức lợi nhuận và ngừng "bơm" tiền vào thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án ở phía Đông TP còn phù hợp với thông tin, trong tương lai sông Hồng được quy hoạch trở thành trục không gian chính và đô thị trung tâm, sẽ được phát triển mạnh ở cả hai bên sông Hồng. Cùng với khu vực đô thị cũ, địa bàn quận Long Biên, một phần huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh hay Hà Đông... được đô thị hóa nhanh để trở thành khu vực "lõi" của Thủ đô Hà Nội mở rộng.

Hiện tại, cùng với những cây cầu lớn vượt sông Hồng như Thanh Trì, Vĩnh Tuy vừa hoàn thành đưa vào sử dụng, hệ thống hạ tầng giao thông qua sông Hồng được cải thiện rõ rệt. Khả năng tiếp cận khu trung tâm TP được rút ngắn rất nhiều. Trong tương lai không xa, nhiều dự án hạ tầng kết nối 2 bên sông Hồng hay phát triển mạng lưới giao thông khu vực Long Biên, Đông Anh (như đường 5 kéo dài, cầu Đông Trù...) sẽ tiếp tục được đưa vào khai thác; cùng với đó quy hoạch hai bên bờ sông Hồng do TP Xơ Un (Hàn Quốc) giúp đỡ cũng được hoàn thiện, sẽ là cơ sở quan trọng để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực này. Nếu nhìn kỹ, không phải lúc này nhà đầu tư mới "đổ bộ" vào khu vực phía Đông TP. Trên quy hoạch, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn như Tổng Công ty HUD, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico), hay Berjaya Leisure Ltd (Malaixia)... đã nghiên cứu, xây dựng các KĐTM Việt Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá, Thạch Bàn Garden city...

Trong một vài năm tới, nguồn cung thị trường sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nhiều dự án hoàn thành, theo quy luật sẽ tạo nên sự cân bằng cung - cầu; hạn chế dần tình trạng đầu cơ, làm giá, góp phần đưa thị trường BĐS phát triển lành mạnh, đúng hướng.

 

(Theo Gia Khánh/HNM)

  • Xuất khẩu lao động 2010: Tìm thị trường mới
  • Năm 2010 sẽ là cơ hội vàng của du lịch Việt Nam
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 2)
  • Dự báo xu hướng ICT Việt Nam năm 2010
  • Dự báo thị trường BĐS Hà Nội năm 2010: Cân bằng cung-cầu
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 1)
  • Thế giới nhận định và dự báo kinh tế Việt Nam 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Thận trọng với nguy cơ lạm phát cao
  • Định hướng phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2010-2020
  • 2010 - "năm vàng" cho các nước xuất khẩu gạo
  • Năm 2010 thừa 20 triệu tấn ximăng?
  • Năm 2010 sẽ hình thành quỹ kích thích kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế 2010: Lượng hay chất?
  • Phân bổ ngân sách trung ương năm 2010: Ưu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương