Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới nhận định và dự báo kinh tế Việt Nam 2010

Dự báo của Tập đoàn Goldman Sachs ( Hoa Kỳ)

Tập đoàn Goldman Sachs (Hoa Kỳ) - Tinkinhte.comTập đoàn Tài chính - Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) vừa công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam, trong đó đưa ra dự báo năm 2009 Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,1%, và con số này được nâng lên mức 8,2% trong năm 2010.

Theo Goldman Sachs, sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam từ quý 2 năm 2009 tới nay là kết quả chủ yếu của nhu cầu nội địa. Nhờ chương trình kích cầu và chính sách tiền tệ nới lỏng, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi tương đối tốt với những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ở chính sách tài khóa, Goldman Sachs cho rằng, mặc dù một phần của chính sách tài khóa mở rộng hiện nay sẽ còn tiếp tục sang năm 2010, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Việt Nam so với GDP năm tới sẽ không tăng. Về chính sách tỷ giá, Goldman dự báo, Việt Nam sẽ duy trì sự giảm giá dần của VND so với USD, trừ trường hợp tình hình cán cân thanh toán xấu đi.

Goldman Sachs cũng chỉ ra một số thách thức mang tính chu kỳ mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt ở thời điểm hiện nay. Thứ nhất là áp lực lạm phát có chiều hướng tăng. Thứ hai là tình hình thâm hụt cán cân thanh toán của Việt Nam. Tuy nhiên, Goldman Sachs tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ có đủ khả năng để kiểm soát những rủi ro liên quan tới cán cân thanh toán.


Ngân hàng Standard Chartereddự báo về biến động lãi suất

Theo Standard Chartered, từ đầu năm 2009 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã gặp nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng Việt Nam. Nguyên nhân là do thiện chí và khả năng tham gia vào thị trường sơ cấp của các nhà đầu tư đã giảm đáng kể bởi tính thanh khoản thị trường bị thắt chặt (kết quả từ việc phục hồi hoạt động cho vay mạnh mẽ của các ngân hàng) và lãi suất chung cuộc tại các phiên đấu giá đã xuống thấp dưới mức thị trường thứ cấp.

Ngân hàng standard-chartered - tinkinhte.comDù kế hoạch ban đầu phát hành khoảng 55 - 75 nghìn tỷ đồng (một số báo cáo đề cập mục tiêu có thể lên tới 126 nghìn tỷ đồng), nhưng đến nay, kho bạc Nhà nước mới chỉ có thể phát hành trên 22,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, với việc chọn hình thức phát hành tín phiếu kho bạc Nhà nước cùng trái phiếu bằng đồng Việt Nam và USD trên thị trường cho thấy các khoản nợ ngoại tệ được ưa chuộng hơn.

Ngoài việc giảm lượng phát hành tại thị trường sơ cấp, một số đợt phát hành đã đến kỳ đáo hạn trong năm vừa qua. Thực tế, quy mô của các đợt phát hành trái phiếu và tín phiếu Chính phủ bằng đồng việt Nam đã giảm từ 123,7 nghìn tỷ xuống 100,4 nghìn tỷ kể từ đầu năm 2009.

Do đó, theo nhóm nghiên cứu, nhân tố cung là nguyên nhân gây nên quan ngại về nhu cầu vốn của Chính phủ nhằm tài trợ cho chương trình kích cầu trị giá 8 tỷ USD, đã chuyển biến ngược lại, gây nên xu hướng tăng trên thị trường lãi suất trong nước.

Theo nhóm nghiên cứu, do thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài (xuất phát bởi những quan ngại xung quanh vấn đề đồng nội tệ và thiếu dòng tiền hai chiều trên thị trường), thị trường lãi suất trong nước sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các nhân tố nội tại. Những động lực trong nước vẫn chỉ ra xu hướng đi lên của lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Trong khi đó, thị trường sơ cấp vẫn có sức hút đối với các ngân hàng, đồng thời lãi suất sẽ vẫn giữ nguyên nếu như kho bạc Nhà nước tiếp tục đưa ra lãi suất chung cuộc (SOR) thấp hơn mức thị trường thứ cấp, bất chấp sự tăng lên gần đây của lãi suất tín phiếu kho bạc Nhà nước kỳ hạn 364 ngày từ 8,4% lên 9%.

Thực tế, Chính phủ vẫn tập trung vào tăng trưởng kinh tế bằng việc giữ lãi suất chung cuộc ở mức thấp nhằm tránh việc rót thêm vốn cho phục hồi trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, các đợt phát hành trên thị trường sơ cấp giảm đi sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường sơ cấp và khiến nhà đầu tư phải ngần ngại tham gia đầu tư dài hạn.

Đồng thời, với sự hỗ trợ tài chính từ các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế (như khoản vay 1 tỷ USD mới đây từ Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản), nhu cầu Chính phủ về khai thác thị trường vốn trong nước sẽ bị giảm đi. Do đó, nhu cầu điều chỉnh thị trường để đạt mức lãi suất chung cuộc cao hơn sẽ bị hạn chế, ít nhất là trong trung và ngắn hạn.

Thêm vào đó, giá cả dường như đang tăng trở lại với lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 công bố ở mức 3,0% so với cùng kỳ năm trước (và so với mức 2,4% trong tháng 9). Điều này sẽ làm giảm hơn nữa sự hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ trong bối cảnh thiếu những biện pháp bảo hộ chống lại lạm phát bởi các sản phẩm trái phiếu.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng duy trì CPI dưới 8% trong năm 2010 theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Như vậy, để giảm áp lực lạm phát trong điều kiện phục hồi kinh tế và tăng trưởng tín dụng nóng, nhóm nghiên cứu cho rằng nên bắt tay vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Standard Chartered dự đoán, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế sự hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trước khi thực thi điều chỉnh nâng mức lãi suất. Khuyến nghị của nhóm nghiên cứu là Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra những điều chỉnh vào quý 2 năm 2010.

Nhận định của CitiBank

Ông Brett Krause, Tổng giám đốc CitiBank tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế 6% trong những năm tới, một tỷ lệ cao so với toàn cầu. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng những lợi thế về cơ cấu để thu hút đầu tư, ví dụ như ổn định chính trị, mặt bằng chi phí thấp, những yếu tố nhân khẩu học thuận lợi và việc thực hiện dần dần các cải cách cơ cấu theo tiến trình gia nhập WTO”.

Tuy nhiên, ông Brett Krause cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đưa con số tăng trưởng trở lại gần với mức cao lịch sử, ví dụ như cải thiện hệ thống ngân hàng hoặc đấy nhanh tiến trình cải cách…

Nhận định của Ngân hàng Credit Suisse ( Thụy Sĩ )

Nhận định của ông Kai Nargolwala - Tổng Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Credit Suisse:

Dự đoán về nền kinh tế

Ngân hàng Credit Suisse - Tinkinhte.comTheo như các nghiên cứu của chúng tôi thì Việt Nam đang vượt qua cơn suy thoái. Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2009 của Việt Nam lên 5,3% trong năm 2009 và trong năm 2010 sẽ là 8,5%. Chúng tôi khá lạc quan khi đưa ra những con số này trong khi dự đoán của chính phủ Việt Nam về tốc độ tăng trưởng chỉ là từ 6-6.5% năm 2010. Tiêu thụ trong nước và dự đoán phục hồi về đầu tư và xuất khẩu là lý do chính cho sự lạc quan của chúng tôi. Chính sự bão hòa của nguy cơ gia tăng rủi ro chứ không phải những bất ngờ về khả năng tăng trưởng là nguyên nhân sâu xa khiến chúng tôi đưa ra những nhận định lạc quan hơn.

Dựa trên nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi cho rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực phát triển chính. Hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xuất khẩu sẽ đạt được hiệu quả từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giầy sẽ thu lợi khi nguồn cầu toàn cầu phục hồi. Các ngành công nghiệp khác như sản xuất thiết bị điện gia dụng, đồ điện tử cũng hứa hẹn sẽ phát triển nhanh trở lại khi có nhiều dòng sản phẩm mới ra đời cũng như nguồn cầu tăng trở lại. Các ngành sẽ phát triển trở lại khác bao gồm dầu thô (khi giá quốc tế ở mức ổn định), và các sản phẩm nông nghiệp, khi giá lương thực phục hồi.

Trong nước, thị trường bán lẻ cũng sẽ phát triển tốt. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì tổng sản lượng bán lẻ trong 8 tháng đầu năm 2009 tăng 18,4%  so với cùng kỳ năm trước, tăng 742,7 nghìn tỉ đồng (41.67 triệu USD). Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc đầu tư trung và dài hạn vào bất động sản trong thời gian này, trong khi đó ngành du dịch có thể bị suy yếu do tác động của suy thoái toàn cầu kéo dài.

Đánh giá về các chương trình cổ phần hóa và thị trường chứng khoán

Chúng tôi tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ với tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, cũng dễ hiểu là chính phủ sẽ không muốn bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước ở mức giá quá thấp. Đồng thời, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đang phải đối mặt với các vấn đề họ gặp phải ở nước họ do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, và vì thế, việc đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ hạn hẹp hơn. Chúng tôi cho rằng quá trình cổ phần hóa cần có thời gian để hoàn thiện, tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ về điều này.
 

Chỉ số Index của sàn Hồ Chí Minh tăng gần 79% từ đầu năm, đạt 566,42 điểm ngày 7/10, và Sàn giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh được xếp hạng một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trên toàn cầu năm 2009. Thị trường hiện nay vẫn hoạt động tốt điều đó có nghĩa là cổ phiếu vẫn có giá trị cao. Cuộc đua tăng tín dụng của các ngân hàng sôi động kể từ tháng 4, nhưng chúng tôi hy vọng Ngân hàng Trung ương thắt chặt cho vay để chống lại các nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản  trong thời gian tới.

Về lâu dài, Việt Nam cần phải xem xét tiếp tục cải cách cơ cấu, chẳng hạn như, việc giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đồng đô la Mỹ, thúc đẩy tư nhân hoá và tự do hóa quá trình mở tài khoản và giới hạn sở hữu nước ngoài để phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu của thị trường chứng khoán non trẻ của mình.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào 2010, cao thứ hai trong khu vực Đông Á mới nổi (gồm 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan), chỉ sau Trung Quốc.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nói: “Chúng tôi xin chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi có thể đánh giá tích cực như vậy là do kết quả của các biện pháp chính sách nhanh chóng và mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ADB, khi những dấu hiệu phục hồi kinh tế nhìn thấy ở một vài nơi trong nền kinh tế thế giới, thì những quan ngại cũng dần gia tăng, đặc biệt đối với Việt Nam. Đã có những dấu hiệu về sự trở lại của lạm phát có thể phát sinh từ giá tiêu dùng thế giới cao hơn do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, và mặt khác là sự gia tăng nhanh của cung tiền.

Ông Konishi cho biết, ADB đánh giá cao “việc các cơ quan chức năng về tiền tệ đã bắt đầu các biện pháp để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, và giảm những kỳ vọng về phá giá”.

ADB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần cố gắng giữ cân bằng giữa việc thúc đẩy phát triển thông qua các biện pháp kích cầu, với giám sát sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

ADB mong rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt đầu chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ cho tới cuối năm 2009, và hướng tới chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong năm 2010 để bảo vệ đồng tiền Việt Nam và giải quyết các sức ép về lạm phát.


Dự báo của Grant Thomton Việt Nam

Ngày 17/11, Grant Thomton Việt Nam đã công bố kết quả cuộc khảo sát tháng 11/2009 mang tên “Private Equity (đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết) tại Việt Nam - quan điểm và triển vọng đầu tư”, lấy ý kiến từ hơn 200 đại diện các nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn đầu tư tại Việt Nam.

Các kết quả này cho thấy 59% số người được hỏi có cái nhìn tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới.

Kết quả này là một sự gia tăng đáng kể so với cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4/2009, khi đó chỉ có 36% ý kiến đưa ra cái nhìn tích cực. Thêm vào đó, 67% người trả lời đã tỏ ra tin tưởng rằng Việt Nam hiện đang là điểm đầu tư hấp dẫn hơn các điểm đầu tư khác.

Ông Kenneth Atkinson, Tổng giám đốc Grant Thomton Việt Nam nhận xét, ngày càng nhiều nhà đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết tìm kiếm cơ hội mua lại cổ phần chiến lược trong các công ty Việt Nam như một phần trong danh mục đầu tư của họ.

Mặt khác, sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế quốc nội trong giai đoạn đầu tư bất ổn toàn cầu hiện nay cho thấy Việt Nam đang cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư mà các nền kinh tế khác không thể cung cấp.

Những lĩnh vực mà các nhà đầu tư đánh giá hấp dẫn là y tế, dược phẩm và bán lẻ.

Tuy vậy, cuộc khảo sát tiếp tục chỉ ra những trở ngại liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam, trong đó 95% nhà đầu tư coi những hạn chế về cơ sở hạ tầng là một vấn đề.

77% số ý kiến cũng cho biết việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn còn là một khó khăn trong môi trường hiện nay./.


Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)

Ông Simon Andrews - Chủ tịch khu vực, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, kết quả điều tra từ 291 doanh nghiệp về cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam 2009 cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2009 tích cực hơn 2008.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn năm nút thắt lớn ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp. Đó là: cơ sở hạ tầng; tham nhũng; yếu kém trong thực thi luật, năng lực cán bộ, quy trình thực hiện; thủ tục hành chính; nguồn nhân lực.

Theo ông Simon, trong khi doanh nghiệp trong nước cho biết vẫn bị ảnh hưởng bởi tệ quan liêu, giấy tờ, nhũng nhiễu và việc diễn giải pháp luật theo ý chủ quan của công chức nhà nước thì doanh nghiệp nước ngoài cho rằng tham nhũng là thách thức lớn nhất.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham)

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) - ông Thomas Siebert khẳng định, tham nhũng là thách thức lớn của Việt Nam và là mối lo ngại hàng đầu của 70% doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Theo vị này, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã phát động phong trào chống tham nhũng từ năm 2004 nhưng trong suốt 5 năm qua hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Theo ông Thomas Siebert, các hệ thống kiểm soát hiện nay của Việt Nam chưa đủ để ngăn chặn các quan chức tham nhũng, biển thủ các khoản tiền dành cho công trình công cộng, đặc biệt là công trình hạ tầng.

Thực tế, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cho vay số lượng lớn để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn vốn vay đã bị hạn chế bởi tính thiếu hiệu quả và tham nhũng.


Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham)

Còn theo ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham), những vấn đề về hải quan trong thời gian gần đây đã gây phiền hà cho nhiều doanh nghiệp Châu Âu.

Cụ thể như: thời gian thông quan kéo dài; chưa có sự đối xử bình đẳng với mọi hàng hóa; hàng hoá bị hư hại trong quá trình làm thủ tục hải quan...

“Ngành bán lẻ cũng vậy. Mặc dù đã mở cửa để các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tham gia kể từ 1-1-2009, nhưng việc thiết lập các Cty 100% vốn nước ngoài trong ngành dịch vụ vẫn chịu các rào cản hành chính và thủ tục rườm rà” - ông Alain Cany nói.

Phòng Thương mại Canada (Cancham)

Ông Alexandre Legendre - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Canada (Cancham) khuyến nghị, để chống tham nhũng, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập một lực lượng chống tham nhũng tương tự như Ủy ban tư vấn cải cách thủ tục hành chính (ACAPR) để thúc đẩy việc thực hiện và tăng cường thực thi pháp luật trong mọi lĩnh vực.

Trước ý kiến của các đại biểu tham dự diễn đàn, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhất là tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tham nhũng nhằm hoàn thiện và hướng tới môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Khi nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới, đa số các doanh nghiệp (61,87%) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn; 32,73% doanh nghiệp cho biết nền kinh tế Việt Nam sẽ không thay đổi; 5,4% doanh nghiệp nhìn nhận bi quan, cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể tồi tệ hơn.

( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)

  • Xuất khẩu lao động 2010: Tìm thị trường mới
  • Năm 2010 sẽ là cơ hội vàng của du lịch Việt Nam
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 2)
  • Dự báo xu hướng ICT Việt Nam năm 2010
  • Dự báo thị trường BĐS Hà Nội năm 2010: Cân bằng cung-cầu
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 1)
  • Thế giới nhận định và dự báo kinh tế Việt Nam 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Thận trọng với nguy cơ lạm phát cao
  • Định hướng phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2010-2020
  • 2010 - "năm vàng" cho các nước xuất khẩu gạo
  • Năm 2010 thừa 20 triệu tấn ximăng?
  • Năm 2010 sẽ hình thành quỹ kích thích kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế 2010: Lượng hay chất?
  • Phân bổ ngân sách trung ương năm 2010: Ưu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương