Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 1)

tinkinhte.comNội dung chính cuộc giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc VnEconomy với đại diện doanh nghiệp về triển vọng kinh tế 2010.

Diễn ra từ 9h30 - 11h30 hôm nay (8/1),
cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra trên VnEconomy giữa bạn đọcvới đại diện doanh nghiệp có chủ đề “Doanh nghiệp nhận định kinh tế 2010”, nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và nhận định từ chính các doanh nghiệp về tình hình kinh tế năm 2010, cũng như chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ trong năm mới này, với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp đại diện cho các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại dịch vụ, tài chính, bất động sản:

- Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

- TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

- Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

- Ông Trịnh Hoàng Duy, Ủy viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)

- Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Công ty May 10

- Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank)

- Ông Lê Duy Hiếu, Chánh văn phòng Tổng công ty Sông Đà

- Ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Thái Hòa

- Bà Lê Thanh Thiên Nga, Giám đốc Đối ngoại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)

- Ông Phan Sỹ Nghĩa, Phó giám đốc Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom)

- Bà Vương Bích Thu, Giám đốc Thương hiệu Công ty Eurowindow

Sau đây, VnEconomy xin giới thiệu nội dung chính của cuộc giao lưu:

Mai Thảo - Nữ 28 tuổi - Nhân viên phát triển thị trường:

Các doanh nghiệp đánh giá thế nào về cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt? Sau một thời gian vận động, hiệu quả trên thực tế như thế nào và trong năm 2010 sẽ tiếp tục triển khai ra sao? Tôi thấy cuộc vận động này như đang lắng xuống...

Bà Lê Thanh Thiên Nga:

Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước và doanh nghiệp chúng tôi ủng hộ chủ trương này. Nhiều năm trước đây, chúng ta đã bỏ ngỏ thị trường nội địa và thị trường nông thôn. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi chúng ta lại nhập khẩu rất nhiều hàng tiêu dùng của các nước có chất lượng tương đương hàng Việt Nam.

Một số nước xung quanh chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc rất chú trọng đến việc dùng hàng nội địa, điều đó đã kích thích cho sản xuất trong nước phát triển, hạn chế sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được tốt.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) trong năm qua đã tích cực tham gia cuộc vận động này. Hapro đã đưa nhiều chuyến hàng gồm những mặt hàng của các đơn vị trong nước để phục vụ bà con nông dân tại các huyện của Hà Nội theo chương trình của thành phố. Tết Canh Dần 2010, Hapro có 6 điểm chợ Tết tại các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai để phục vụ bà con.

Ngoài ra, Hapro cũng vận động cán bộ công nhân viên trong toàn tổng công ty ưu tiên dùng hàng của Hapro sản xuất. Đây cũng là một mặt của cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trần Quý - Nam 40 tuổi - Kỹ sư:

Xin được hỏi đại diện Tập đoàn Thái Hòa, được biết Tập đoàn đang phát triển dòng sản phẩm cà phê hữu cơ. Vậy ông có thể cho biết địa phương nào ở nước ta đã được Tập đoàn chọn làm vùng phát triển nguyên liệu? Hiện nay diện tích vùng nguyên liệu này là khoảng bao nhiêu ha? Nông dân trồng cà phê theo chương trình này sẽ nhận được hỗ trợ gì?

Ông Ngô Anh Tuấn:

Tập đoàn Thái Hòa đang triển khai dòng sản phẩm cà phê hữu cơ tại vùng Lạc Sơn, Hòa Bình, hiện công ty đã trồng được 100 ha và trong năm nay sẽ phấn đấu trồng thêm 300 ha.

Đối với dự án này, những người dân trồng cà phê được hưởng lợi rất nhiều từ mô hình cổ phần hóa nông nghiệp, người dân góp cổ phần vào công ty bằng đất và Công ty Thái Hòa sẽ cung cấp vốn, giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm để cùng phát triển.

Hiện nay, UBND tỉnh Hòa Bình rất chú ý đến phát triển mô hình này trên địa bàn tỉnh.

Trader - Nam 35 tuổi - Kinh doanh chứng khoán:

Xin được hỏi lãnh đạo SHB và TienPhongBank: SHB vừa chuyển đổi, TienPhongBank vừa thành lập, cả hai đều bắt đầu tham gia thị trường rộng lớn thì nền kinh tế và đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng có rất nhiều khó khăn. Vậy trong những khó khăn đó, những kinh nghiệm mà các ông rút ra là gì? Theo các ông, đầu là những điều kiện cần thiết để các ngân hàng hoạt động hiệu quả và những điều kiện đó như thế nào trong năm 2010? Xin cảm ơn.

Ông Phan Thanh Sơn:

TiênPhongBank bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2008, với 3 cổ đông chính là FPT, VMS MobiFone và Tổng công ty Tái Bảo hiểm Việt Nam. Với mục tiêu phát triển một ngân hàng hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ, nhằm mang tới một đời sống tài chính hiệu quả và giản đơn cho khách hàng.

TiênPhongBank ra đời đúng vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và nền kinh tế Việt Nam cũng chịu sự tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, hoạt động của TiênPhongBank vẫn đạt được những kết quả khích lệ. Từ trong khó khăn đó, chúng tôi rút ra được những vấn đề rất bổ ích trong hoạt động ngân hàng.

Thứ nhất, TiênPhongBank biết chú trọng đến yếu tố quản trị ngân hàng mà đầu tiên là tập trung đầu tư cho hệ thống công nghệ, hay nói cách khác là mang lại giải pháp toàn diện về quản trị ngân hàng, bao gồm: hệ thống báo cáo quản trị, báo cáo rủi ro, báo cáo hiệu quả hoạt động, hệ thống quản trị chất lượng... Nhờ những giải pháp này, nên chúng tôi luôn có những thông tin cập nhật về thanh khoản, các rủi ro tín dụng, rủi ro tác nghiệp, rủi ro thị trường trong các báo cáo hàng ngày. Qua đó, giúp chúng tôi có những quyết định sách kịp thời trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động phức tạp, trong khi độ mở của nền kinh tế của chúng ta khá rộng thì công tác nghiên cứu, theo dõi diễn biến của kinh tế vĩ mô không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới được chúng tôi rất coi trọng. Điều này giúp cho TiênPhongBank phòng tránh rủi ro một cách chủ động, đồng thời chớp lấy các thời cơ xuất hiện để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh mà việc mua lại trái phiếu Chính phủ do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo vào thời điểm quý 3/2008 là một ví dụ.

Thứ ba, cùng với đó, TiênPhongBank tập trung đưa ra các giải pháp tổng thể về sản phẩm dịch vụ cho khách hàng thông qua các sản phẩm ngân hàng hiện đại, ví như ngân hàng điện tử, giải pháp quản lý dòng tiền, các sản phẩm tín dụng, sản phẩm đầu tư và tiền gửi linh hoạt phù hợp với các nhu cầu đặc thù từng khách hàng. Nhờ đó, mặc dù bối cảnh thị trường rất khó khăn nhưng TiênPhongBank vẫn mở rộng được danh mục khách hàng và đảm bảo thu nhập ổn định.

Còn vế thứ hai mà bạn hỏi là “Theo các ông, đầu là những điều kiện cần thiết để các ngân hàng hoạt động hiệu quả và những điều kiện đó như thế nào trong năm 2010?”, tôi nghĩ, hoạt động của ngân hàng là hoạt động của một tổ chức trung gian tài chính, kết nối nguồn lực tài chính của xã hội cho đầu tư. Vì thế, hoạt động của ngân hàng phải chấp nhận tất cả những điều kiện khách quan và chủ quan, cũng như không thể tự chọn lựa hoặc đòi hỏi những điều kiện cho riêng mình.
Do đó, điều kiện quan trọng nhất để ngân hàng hoạt động hiệu quả là phải đi từ nội lực của chính mình thông qua hệ thống quản trị hiện đại và hiệu quả; đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp tốt; các sản phẩm dịch vụ phải phù hợp và hiệu quả cho khách hàng trong các giai đoạn khác nhau của nền kinh tế.

NĐT - Nam 32 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin chào ông Hiển, ông có thể cho biết một số chỉ tiêu dự kiến trong năm 2010 của SHB không? Thông điệp đầu năm ông gửi đến nhà đầu tư, cổ đông là gì?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Kết quả kinh doanh của SHB năm 2009 là rất khả quan khi các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng đều vượt cao so với kế hoạch của Đại hội cổ đông thông qua. SHB đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Bước sang năm 2010, SHB chủ động xây dựng một chiến lược phù hợp 2010 đến 2012, trên cơ sở chiến lược cạnh tranh, đó là luôn tạo ra sự khác biệt. Đầu năm 2010, SHB đã được Ủy ban Chứng khoán cấp phép phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và đang được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp phép phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 2.000 lên 3.500 tỷ đồng trong quý 1/2010.

Như vậy đến đầu năm 2011, SHB sẽ có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ đáp ứng nhu cầu tăng quy mô cho vay, hiện đại hóa công nghệ, đa đạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển hệ thống đi sâu vào thị trường khách hàng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, tăng năng lực cạnh tranh và minh bạch trong hoạt động, luôn đáp ứng sự kỳ vọng của các nhà đầu tư và các cổ đông.

Hà Thúy Liên - Nữ 32 tuổi - Kế toán:

Các doanh nghiệp đánh giá thế nào về cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt? Sau một thời gian vận động, hiệu quả trên thực tế như thế nào và trong năm 2010 sẽ tiếp tục triển khai ra sao? Tôi thấy cuộc vận động này như đang lắng xuống...

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã nêu câu hỏi mà tôi nghĩ nhiều độc giả cũng rất quan tâm.

Theo tôi, cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nên tổ chức sớm hơn và quyết liệt hơn, phải trường kỳ, bền bỉ, chứ không đơn giản là chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định rồi dừng lại.

Đối với May 10, không phải khi bắt đầu có cuộc vận động này chúng tôi mới quan tâm mà đã luôn coi đây là vấn đề quan trọng số 1 của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp chúng tôi luôn đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu và coi người tiêu dùng Việt Nam là khách hàng quan trọng nhất. Vì, chỉ có người Việt Nam tôn trọng người Việt Nam bằng hành động cụ thể thì bạn bè quốc tế mới tôn trọng người Việt Nam. Điều này ở Hàn Quốc và Nhật Bản được thể hiện rất rõ.

Về nhận định của bạn là cuộc vận động này như đang lắng xuống, tôi không nghĩ như vậy. Vì người Việt rất thông minh, khi cuộc vận động đã đi vào chiều sâu, hàng Việt đã khẳng định được vị trí của mình thì không có lý do gì mà người Việt lại quay lưng với hàng Việt.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi thì bất cứ cuộc vận động nào cũng có lúc sôi động, lúc lắng xuống như bạn nói. Nhưng khi "lắng xuống' có thể cũng là lúc cuộc vận động đã đi vào chiều sâu hơn, giảm bớt những hoạt động bề nổi.

Từ ý kiến của bạn thì chúng tôi cũng cho rằng các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn để tiếp tục chinh phục lòng tin của người tiêu dùng, như vậy thì cuộc vận động mới thực sự có ý nghĩa.

Trader - Nam 35 tuổi - Kinh doanh chứng khoán:

Xin được hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp XNK. Năm 2009, xuất khẩu Việt Nam theo tôi biết là vẫn giữ được thị trường, giữ được đơn hàng, nhưng kim ngạch sụt giảm mạnh chủ yếu do yếu tố giá. Vậy năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam có triển vọng như thế nào, của riêng các doanh nghiệp tham gia giao lưu như thế nào? Nhiều thông tin phản ánh là giá nhiều mặt hàng XNK đang tăng nhanh.

Bà Lê Thanh Thiên Nga:

Hapro được đánh giá là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ lớn của Việt Nam. Trong năm 2009, chúng tôi vẫn giữ vững được thị trường xuất khẩu trên 60 nước và khu vực trên thế giới. Về mặt hàng nông sản, các đơn hàng không như không bị giảm sút, thậm chí có những mặt hàng như hạt điều, còn tăng cao hơn năm 2008.

Tuy nhiên, giá một số mặt hàng nông sản như cà phê, gạo… năm 2009 có giảm nhiều so với năm trước. Trong năm ngoái, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu đối với hàng thủ công mỹ nghệ giảm sút đáng kể do đây không phải là mặt hàng thiết yếu.

Theo đánh giá của chúng tôi, kinh tế thế giới năm 2010 đang dần phục hồi. Hy vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Hapro sẽ tăng trưởng hơn năm 2009. Đầu năm nay, giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu nhìn chung chưa có nhiều biến động.

Hồng Minh - Nữ 24 tuổi - Sinh viên:

Em là sinh viên kinh tế. Em xin có câu hỏi này không biết có phù hợp với chủ đề không. Các cô, chú có thể tự đánh giá một cách chân thực về thế mạnh của doanh nghiệp mình không, và quan trọng hơn là đánh giá những điểm doanh nghiệp mình còn yếu để có giải pháp khắc phục. Cháu thấy nhiều người vẫn quen nói về thế mạnh và kết quả mà chưa nói nhiều về những điểm yếu đó. Cháu xin cảm ơn.

Bà Vương Bích Thu:

Chào bạn, với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng hoàn thiện, thế mạnh của Eurowindow được thể hiện thông qua: công nghệ tiên tiến, thiết bị đồng bộ, hiện đại gắn liền với nguyên liệu đầu vào cao cấp; đội ngũ cán bộ, công nhân viên lành nghề và có chuyên môn cao, thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo nâng cao trong và ngoài nước; áp dụng hệ thống các quy trình quản lý chuẩn để quản lý các nguồn lực: nhân lực, tài chính, sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả và chặt chẽ; yhường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc khách hàng, coi khách hàng là trọng tâm phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vì tốc độ phát triển quá nhanh nên doanh nghiệp chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc bổ sung nguồn nhân lực.

Nam Hoan - Nam 33 tuổi - Môi giới chứng khoán:

SHB là ngân hàng thương mại cổ phần sớm thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, cả công ty trực thuộc (SHS). Vì sao SHB lại đi nhanh trong hướng này so với các ngân hàng khác? Sau một năm tham gia niêm yết, SHB rút ra được những kinh nghiệm gì, những giá trị gì?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Trong chiến lược phát triển của SHB, chúng tôi xác định tầm quan trọng cho phát triển bền vững, đó là sự minh bạch trong tất cả các hoạt động ở từng quy trình, từng cấp quản trị điều hành, cấp quản lý trên toàn hệ thống, đồng thời tăng khả năng giám sát hoạt động ngân hàng từ phía các nhà đầu tư bên ngoài, các khách hàng và đặc biệt là các cổ đông. Điều đó thể hiện sự tất yếu SHB sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sau một năm niêm yết cổ phiếu trên sàn niêm yết, SHB nhận thấy chiến lược đó là hết sức đúng đắn, ngân hàng đã tạo được uy tín lớn và niềm tin của các nhà đầu tư, các cổ đông, qua đó tạo tiền đề lớn cho sự phát triển của SHB một cách bền vững. SHB đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội bình chọn là một trong ba cổ phiếu có tính thanh khoản lớn nhất trên HNX năm 2009.

Huy Đoàn - Nam 28 tuổi - NVVP:

Xin được hỏi ông Nghĩa: Rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế năm 2009 vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng riêng viễn thông lại vẫn phát triển rất sôi động và tăng trưởng mạnh. Xin ông cho biết những yếu tố nào đã tạo ra sự khác biệt này? Ông có thể chia sẻ những thành quả và kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh mà EVN Telecom có được trong năm 2009?

Ông Phan Sỹ Nghĩa:

Xin cảm ơn sự quan tâm của bạn đối với ngành viễn thông

Trong những năm qua nhu cầu sử diụng viễn thông của người dân không chỉ ở các thành phố lớn, mà với những người dân ở vùng sâu, xa cũng rất cao. Vì vậy các doanh nghiệp viễn thông đã tăng cường đầu tư, mở rộng mạng lưới và tạo điều kiện cho ngày càng nhiều người có thể sử dụng dịch vụ viễn thông tốt hơn. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy ngành viễn thông phát triển mạnh mẽ hơn so với các ngành kinh tế khác.

Những năm qua EVN Telecom đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, ngoài các thành phố lớn thì đã tập trung cho các vùng sâu, xa. Vì thế đã đáp ứng được tương đối đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

Những năm tới chúng tôi tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt chú trọng tới dịch vụ chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh về các dịch vụ giá trị gia tăng, với mong muốn người dân có thể thâm nhập vào thị trường và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo nhận định của cá nhân tôi, trong những năm tới ngành viễn thông vẫn sẽ phát triển rất tốt.

Anh Nghiem - Nam 32 tuổi - KD:

Thưa các vị lãnh đạo doanh nghiệp, theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, có tới hơn 95% doanh nghiệp được hỏi (ở Việt Nam) nhận định rằng sẽ tăng cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2010. Ý kiến các vị thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Cảm ơn bạn đã quan tâm đếm hoạt động của doanh nghiệp. Theo tôi nhận định như trên của các doanh nghiệp đúng đối với doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, cụ thể là phải luôn luôn cải tiến đổi mới quản lý và công nghệ, đồng thời đáp ứng được các đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng.

Tuy nhiên, thông thường nhiều ý kiến khẳng định năm 2009 đã thành công thì năm 2010 sẽ khả quan hơn. Nhưng nếu như không có đổi mới mà nhận định rằng doanh thu và lợi nhuận cùng tăng thì khó có thể thành hiện thực.

Với doanh nghiệp chúng tôi thì năm 2010 cả doanh thu và lợi nhuận đều sẽ tăng. Vì, ngay từ quý 4/2009 chúng tôi đã có kế hoạch thực hiện mục tiêu năm 2010. Trong năm nay kế hoạch của chúng tôi là doanh thu tăng 15%, lợi nhuận có thể chỉ tăng 5% do chúng tôi tập trung đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu để phát triển bền vững, lâu dài chứ không chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Thành Văn - Nam 33 tuổi - PV:

Thưa ông Hiển, rất nhiều người biết đến ông với tư cách là doanh nhân thành đạt tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bất động sản… đồng thời cũng là “ông bầu” nổi tiếng trong lĩnh vực bóng đá. Ông có thể cho biết vì sao có sự song hành này và mối liên hệ giữa hai lĩnh vực mà ông đang tham gia?

Năm qua người hâm mộ bóng đá cả nước cũng được biết, ngay sau khi CLB Bóng đá Đà Nẵng được chuyển giao cho SHB, gắn liền với tên SHB Đà Nẵng, CLB này đã có những bước lột xác và bất ngờ. Cụ thể SHB Đà Nẵng đã đoạt Cup vô địch V-League và Cup Quốc gia 2009. Còn CLB T&T Hà Nội thì 3 năm thăng 3 hạng và có thành tích khá cao tại V-League 2009. Ông có thể cho độc giả biết đâu là bí quyết của thành công đó? Theo ông, đâu là những lợi ích từ mối liên hệ giữa kinh doanh với đầu tư cho bóng đá?

Ông Đỗ Quang Hiển:

Như các bạn đã biết, kinh doanh luôn gắn liền với xã hội, mà bóng đá chính là món ăn tinh thần của xã hội. Xã hội phát triển thì kinh doanh phát triển và bóng đá phát triển. Nhưng vậy, kinh doanh và bóng đá là một thành phần của xã hội luôn luôn gắn liền và hỗ trợ nhau, thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.

SHB Đà Nẵng thành công sau một năm SHB đến với bóng đá Đà Nẵng. Câu lạc bộ bóng đá SHB Đà Nẵng đã đạt cú đúp khi Vô địch Quốc gia và đạt Cúp Quốc gia.

“Bí quyết” thành công đó là sự phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng văn hóa doanh nghiệp cùng hướng về một mục tiêu chung. SHB đã khơi dậy, duy trì và phát triển tài năng và tinh thần của toàn thể ban lãnh đạo, ban huấn luyện và các cầu thủ, dẫn tới thành công đó và tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn trong tương lai của chúng tôi nói riêng và của đội tuyển quốc gia nói chung.

Nguyễn Hải Hà - Nữ 36 tuổi - BTV:

Gần đây, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp được nhắc đến rất nhiều. Quý vị có thể chia sẻ sự quan tâm của bản thân (doanh nghiệp) về nội dung này?

Ông Ngô Anh Tuấn:

Bước sang năm 2010, Công ty Thái Hòa cũng rất quan tâm đến vấn đề tái cấu trúc ngành cà phê và tái cấu trúc bản thân doanh nghiệp.

Nói về ngành cà phê thì còn có rất nhiều bất cập, khâu sản xuất thì chủ yếu nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, thiếu gắn kết với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu làm cho cà phê Việt Nam về chất lượng thì rất tốt, được các công ty rang xay lớn nhất thế giới đánh giá cao, nhưng Viêt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê thô và giá xuất khẩu thường xuyên bị các công ty thương mại nước ngoài ép giá.

Bên cạnh đó, có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê mà phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất yếu, kinh doanh mang tính chất ngắn hạn đã làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đầu tư bài bản, kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, việc có quá nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được trực tiếp thu mua cà phê từ nông dân bằng tiền đồng đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cà phê trong nước.

Bản thân doanh nghiệp có thực hiện tốt việc tái cấu trúc công ty nhưng thiếu vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước trong vấn đề tái cấu trúc ngành, thì các doanh nghiệp cũng khó phát triển mạnh.

Tập đoàn Thái Hòa mong muốn Nhà nước đưa mặt hàng cà phê vào quản lý như một mặt hàng hàng xuất khẩu chiến lược, tương tự như mặt hàng gạo, để cà phê Việt Nam được hưởng đúng như giá trị của nó và đời sống của người dân trồng cà phê ngày càng được nâng cao.

Nguyen Nho Hong - Nam 28 tuổi - Buôn bán:

Tôi có câu hỏi ngắn: Kinh tế năm 2010 có phát triển bền vững không? Trân trọng cám ơn.

Ông Đỗ Quang Hiển:

Chào bạn, kinh tế Việt Nam năm 2010 có dấu hiệu tích cực, tuy nhiên cũng có những dự báo diễn biến phức tạp đòi hỏi các doanh nghiệp, doanh nhân hết sức thận trọng kỹ càng trong các phương án đầu tư.

Lê Quân - Nam 41 tuổi - Chuyên viên phân tích:

Xin hỏi các doanh nghiệp mong chờ điều gì nhất từ chính sách điều hành của Chính phủ? Còn những trở ngại nào về chính sách trong năm 2009 mà các vị chờ được tháo gỡ?

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:

Câu hỏi của bạn rất hay nhưng cũng rất khó trả lời cho hay.

Từ thực tế hoạt động không chỉ riêng trong năm 2009, chúng tôi nhận thấy còn có những khó khăn mà tự thân doanh nghiệp khó có điều kiện giải quyết đồng bộ. Như vấn đề quy hoạch, hạ tầng, giải quyết môi trường, nhà ở cho công nhân... Nếu tự doanh nghiệp thì dù có cố gắng đến đâu cũng không thể giải quyết triệt để những vấn đề này.

Nếu những vấn đề trên được giải quyết thì tắc đường cũng sẽ bớt đi, đời sống người lao động được cải thiện và ổn định, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được nâng lên. Và như vậy thì bộ mặt đô thị cũng sẽ được cải thiện và chắc chắn là sẽ đóng góp bền vững vào sự phát triển chung của đất nước.

Vì thế, đây cũng là điều mà chúng tôi mong đợi từ các chính sách vĩ mô của Nhà nước, trong năm nay và cả các năm tiếp theo.

Lê Bách Thắng - Nam 24 tuổi - Tư vấn tài chính:

Xin hỏi bác Nghĩa:

- Theo dự báo mà Quốc hội đưa ra vào năm 2010 là lạm phát 2010 được duy trì ở mức 7%. Tôi thấy chưa ổn ở con số dự báo này. Bác bình luận gì về con số 7% này ạ?

- Một số tổ chức nước ngoài dự báo rất lạc quan về kinh tế Việt Nam 2010: Goldman Sachs dự báo GDP Việt Nam năm 2010 tăng 8,2% trong khi dự báo đưa ra trong nghị định Quốc hội là 6,5% vậy có phải rằng có tổ chức nước ngoài có lạc quan quá không?

- Bác có nhận định gì về đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam không ạ. Liệu khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam có đi theo hình chữ W không, hay đã chạm đáy vào quý 1/2009 rồi?

Ông Lê Xuân Nghĩa:

Theo tôi là hơi thấp, mức lạm phát có thể là trên dưới 8%.

Tôi cũng đồng ý là các tổ chức nước ngoài hơi quá lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2010. Thậm chí, theo tôi mức tăng trưởng 6,5% cũng đã là lạc quan.

Bởi vì, năm 2009 tốc độ tăng trưởng 5,32% là nhờ có sự đóng góp khoảng 1,3% của giảm thâm hụt thương mại (từ trên 17 tỷ USD xuống 12,2 tỷ USD). Như vậy, tăng trưởng của đầu tư và tiêu dùng nội địa chỉ 4% (theo công thức GDP = C + I + NX).

Nhưng năm 2010 tình hình lại ngược lại, thâm hụt thương mại sẽ tăng lên. Nếu tăng đến 25-30% thì tăng trưởng GDP sẽ bị giảm trừ đi khoảng 1,5%. Để có được tăng trưởng 6,5% thì tổng đầu tư và tổng tiêu dùng nội địa phải tạo ra mức tăng trưởng 8% (8% - 1,5% = 6,5%).

Nói cách khác, chúng ta phải tăng tiêu dùng nội địa và đầu tư gấp đôi, từ mức tăng 4% trong năm 2009 lên 8% trong năm 2010. Đó là điều không dễ dàng trong tình hình hiện nay, khi mà các doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ và đầu tư của khu vực doanh nghiệp và tư nhân đang tăng chậm lại.

Kinh nghiệm của tôi thấy rằng, có thế tăng trưởng quý 1/2010 sẽ thấp hơn quý 4/2009 và đấy là một đáy mới; hoặc cũng có thể tăng trưởng sẽ hình căn bậc hai.

Anh Nghiem - Nam 32 tuổi - KD:

Thưa các vị lãnh đạo doanh nghiệp, theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, có tới hơn 95% doanh nghiệp được hỏi (ở Việt Nam) nhận định rằng sẽ tăng cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2010. Ý kiến các vị thế nào?


Bà Vương Bích Thu:

Năm 2009 Eurowindow đã đạt doanh số 1.000 tỷ đồng, vượt 18,3% so với kế hoạch đề ra và tăng 211% so với năm 2008. Vì thế không có lý do gì mà chúng tôi không tin tưởng vào một kết quả khả quan trong năm 2010.

Năm 2010, Eurowindow đặt kế hoạch mục tiêu doanh số đạt 1.380 tỷ đồng. Để thực hiện kế hoạch đề ra, cuối năm 2009, chúng tôi đã đưa trung tâm gia công kính hiện đại nhất Việt Nam đi vào hoạt động ổn định và trong quý 1/2010, Eurowindow sẽ cung cấp sản phẩm cửa gỗ ra thị trường.

Anh Nghiem - Nam 32 tuổi - KD:

Thưa các vị lãnh đạo doanh nghiệp, theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, có tới hơn 95% doanh nghiệp được hỏi (ở Việt Nam) nhận định rằng sẽ tăng cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2010. Ý kiến các vị thế nào?

Bà Lê Thanh Thiên Nga:

 

Tôi cũng thống nhất với nhận xét này. Năm 2010, kinh tế thế giới bước đầu đã có những tín hiệu phục hồi và kinh tế Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ như các gói kích cầu, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt… Chính vì vậy mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Dang Luu - Nam 37 tuổi - Nhà đầu tư:

Xin hỏi ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tại sao năm nào cứ cuối năm các ngân hàng lại khó khăn thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng lại bị đẩy cao, hoạt động ngân hàng khó khăn? Điều đó như là thông lệ, đã biến trước mà không khắc phục và xử lý được để rồi năm nào cũng lặp lại? Phải chăng đó là bệnh không có thuốc chữa hay tại năng lực điều hành của Nhà nước? Cám ơn ông.

Ông Cao Sỹ Kiêm:

Cuối năm khó khăn thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng lại bị đẩy cao, hoạt động ngân hàng khó khăn có lý do là thường thường theo quy luật quý 4 các doanh nghiệp thường tập trung hoàn thành kế hoạch năm, tập trung hoàn thành các dự án đã được cam kết, tập trung dự trữ hàng hóa cho Tết Nguyên đán và hàng hóa và nguyên liệu cho kế hoạch năm sau nên tạo ra nhu cầu vốn rất lướn trong một thời gian rất ngắn. Điều này làm cho nhu cầu vốn trên thị trường căng thẳng.

Năm 2009 cũng có những yếu tố trên nhưng còn căng thẳng hơn vì qua một thời gian nới lỏng tín dụng để phục vụ cho nhu cầu chống suy giảm, vốn c ủa ngân hàng và doan nghiệp cũng đua ra nhiều để phục vụ cho yêu cầu trên nên lại càng ít và khó. Hơn thế nữa, để chủ động chống lạm phát cao quay trở lại thì và biện pháp của Ngân hàng Nhà nước như nâng lãi suất cơ bản, điều chỉnh biên độ tỷ giá, làm cho tình hình vốn càng thêm căng thẳng.

Vấn đề này, mỗi năm đều có một cách xử lý khác nhau để giải quyết vấn đề. Căn cứ vào tình hình cụ thể năm nay, Chính phủ và ngân hàng cũng có những giải pháp điều hành cũng đã có những kết quả nhưng cũng không tránh khỏi những thiếu sót mà Thủ tướng đã có những đánh giá trong cuộc họp vừa qua như: việc cụ thể hóa chính sách, vấn đề phối hợp và linh hoạt và nhanh nhạy trong điều hành.

ChelseaFC - Nam 40 tuổi - Bóng đá:

Xin chào ông Hiển. Trước hết, là người hâm mộ tôi rất cảm ơn những đóng góp của ông đối với bóng đá Việt Nam, dù có thể ông đến với nó bằng tình yêu, bằng mục đích đầu tư kinh doanh, làm thương hiệu cho doanh nghiệp... Tôi cho rằng cần phải có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tham gia như thế để bóng đá Việt Nam tiến xa hơn. Xin hỏi ông, năm 2010 ông có những kế hoạch mới trong lĩnh vực bóng đá như thế nào? Chúc ông sức khỏe và thành công.

Ông Đỗ Quang Hiển:

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Năm 2010, Câu lạc bộ bóng đá SHB Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao tinh thần đoàn kết, đạo đức, công tác chuyên môn, duy trì và bảo vệ thành công chức vô địch Quốc gia, Cúp Quốc gia và vào sâu giải vô địch AFC. Đồng thời giữ vững và phát triển, thương hiệu, hình ảnh SHB Đà Nẵng, nhằm đáp ứng sự tin yêu của người hâm mộ và tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa cho đội tuyển Quốc gia.

Trong năm nay, SHB sẽ khởi công xây dựng trung tâm đào tạo và thi đấu bóng đá SHB Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng.

Trọng Dân - Nam 38 tuổi - Phóng viên:

Gần đây nhiều thông tin phản ánh doanh nghiệp vay vốn phải chịu phí thêm 2% - 3%, khiến lãi suất vay vượt trần. Xin hỏi các doanh nghiệp có mặt hôm nay có gặp phải trường hợp đó không? Quan điểm của các doanh nghiệp như thế nào về vấn đề này, có phải vì giữ quan hệ tín dụng nên các doanh nghiệp không phản ánh? Các chuyên gia có ý kiến gì không? Xin cảm ơn.

Ông Trịnh Hoàng Duy:

Đối với Tổng công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên, chúng tôi đều có quan hệ hợp tác với các ngân hàng lớn như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Á châu, Techcombank… nên chúng tôi đã và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng trên.

Vì vậy, việc vay vốn là theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi không phải chịu mức phí nói trên.

Nhưng do bản thân các ngân hàng cũng gặp khó trong huy động vốn từ dân cư nên mặc dù rất thiện chí, việc cho vay vốn cũng chưa thực sự thuận lợi (dù đã có cam kết cho vay nhưng ngân hàng vẫn chưa thu xếp được vốn).

(Còn tiếp)

(Theo Vneconomy)

  • Xuất khẩu lao động 2010: Tìm thị trường mới
  • Năm 2010 sẽ là cơ hội vàng của du lịch Việt Nam
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 2)
  • Dự báo xu hướng ICT Việt Nam năm 2010
  • Dự báo thị trường BĐS Hà Nội năm 2010: Cân bằng cung-cầu
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 1)
  • Thế giới nhận định và dự báo kinh tế Việt Nam 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Thận trọng với nguy cơ lạm phát cao
  • Định hướng phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2010-2020
  • 2010 - "năm vàng" cho các nước xuất khẩu gạo
  • Năm 2010 thừa 20 triệu tấn ximăng?
  • Năm 2010 sẽ hình thành quỹ kích thích kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế 2010: Lượng hay chất?
  • Phân bổ ngân sách trung ương năm 2010: Ưu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương